Cuộc chiến bằng lực hay cuộc chiến bằng luật: hãy để các tòa án trung lập làm dịu căng thẳng biển đảo

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tiêu đề bài tham luận của GS. Jerome A. Cohen, Viện trưởng Viện Luật Mỹ - Á của trường Đại học Luật New York, dự kiến sẽ được trình bày tại một hội thảo quốc tế về Biển Đông ở Đà Nẵng ngày 20/6 tới, do trường Đại học Phạm Văn Đồng và Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức. Trong tham luận của mình, ông đã chỉ ra một hướng đi mới và chín chắn hơn để xử lý cuộc khủng hoảng ở Biển Đông hiện nay. Xin giới thiệu bản thảo tham luận đã được đăng trên The Diplomat.

Chúng ta từ lâu đều biết rằng tranh chấp Biển Đông phức tạp đến mức không thể chỉ sử dụng các giải pháp đơn giản. Cần ít nhất vài nhóm giải pháp để xử lý những vấn đề khác nhau, ở những thời điểm và những khu vực khác nhau. Về nguyên tắc, đàm phán, dù song phương hay đa phương, vẫn là ưu việt nhất. Nhưng rõ ràng đàm phán có những giới hạn và cần được hỗ trợ.

Tất nhiên, tôi đã quen với việc các quốc gia, đặc biệt nước lớn, không muốn mất kiểm soát tranh chấp khi để một bên thứ ba trung lập ra phán quyết cuối cùng. Nhưng hoàn cảnh và cách nhìn có thể thay đổi. Các bên ở Biển Đông, giống như Philippines, cần nhận thức rằng, việc nhờ đến phán quyết của một bên thứ ba trung lập có thể mang lại lợi thế nhiều hơn là rủi ro.

Trung Quốc và Việt Nam đã đàm phán thành công về phân định biên giới ở Vịnh Bắc Bộ cũng như trên đất liền, nhưng Bắc Kinh cho rằng họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa, và bác bỏ mọi khả năng thương lượng hay hòa giải. Một số nhà quan sát gợi ý giải pháp gác lại tranh chấp, cùng khai thác. Tuy nhiên, ý tưởng này nói thì dễ, thực hiện lại không đơn giản. Thất bại hiển nhiên của tuyên bố Việt - Trung năm 2011 và năm 2013 về thúc đẩy hợp tác trên biển đã chứng minh điều này. 

Giải pháp quân sự có vẻ không còn xa lạ với Trung Quốc, nước trên thực tế đã dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988. Thế mạnh quân sự của Trung Quốc hiện nay còn vượt xa so với trước kia và họ ngày càng hung hăng trong những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, không chỉ với Việt Nam mà cả các quốc gia khác trong khu vực.

Đó là lý do tại sao vào tháng 1/2013, Philippines, trong hoàn cảnh giống Việt Nam hiện nay, quyết định khởi kiện Trung Quốc ra hệ thống giải quyết tranh chấp của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đều là thành viên. Luật pháp quốc tế đã được Philippines sử dụng không chỉ với tư cách là công cụ để củng cố ưu thế ngoại giao của họ mà còn công cụ để tìm kiếm một phán quyết công bằng về tranh chấp biển đảo giữa hai nước.

Luật pháp quốc tế luôn là vũ khí phòng thủ giá trị đối với các nước nhỏ. Đối với những tranh chấp không thể giải quyết bằng đối thoại và ngoại giao, nhiều nước đủ khôn ngoan đã phải cậy nhờ đến tiếng nói của tòa án quốc tế và thu lại kết quả tích cực. Không chỉ nhận được những phán quyết công bằng và rõ ràng về những vấn đề pháp lý phức tạp, họ còn tránh được bạo lực, chiến tranh cũng như những ảnh hưởng khó lường của chủ nghĩa dân tộc, trong khi vẫn duy trì được thương mại, đầu tư, du lịch, trao đổi văn hóa giữa hai nước.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo thường có tâm lý lo ngại tòa án sẽ ra một phán quyết đi ngược lại tuyên bố chắc chắn của họ với người dân về vị thế của quốc gia trong tranh chấp. Họ không dám đánh cược vào những rủi ro chính trị trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, phán quyết của một tòa án trọng tài quốc tế không phải là một canh bạc được ăn cả ngã về không. Đó không phải một phán quyết mang lại chiến thắng hoàn toàn cho bất kỳ bên nào mà là một phán quyết cân bằng, phản ánh bản chất phức tạp của vấn đề. Điều đó đúng với những phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) lẫn các tòa trọng tài.

Tháng 10/2012, trước tình hình căng thẳng trên biển Hoa Đông, tôi từng viết bài Một hướng đi thông minh hơn hối thúc các nước Đông Á chấm dứt hành động ăn miếng trả miếng nguy hiểm liên quan đến các quần đảo tranh chấp và để một tòa án trung lập giải quyết. Tôi gợi ý Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Á khác, nếu không muốn đưa tranh chấp ra ICJ, có thể thành lập một tòa trọng tài khu vực. Thay vì giương cờ gióng trống chủ nghĩa dân tộc một cách thiếu suy nghĩ, đã tới lúc các nước Đông Á giải quyết tranh chấp của họ một cách chín chắn như họ từng giải quyết các xung đột quốc tế khác.

Tôi đã khá thất vọng trước phản ứng của một số nhà cựu ngoại giao Mỹ, từng có nhiều năm hoạt động tại Đông Á. Họ cho rằng, ý tưởng của tôi chỉ khiến tình hình trầm trọng hơn. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau, Ngoại trưởng Nhật Bản lúc đó là Koichiro Gemba đã viết một bài tham luận trên tờ IHT, thách thức Trung Quốc đưa tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ra ICJ. Ông đặt vấn đề: nếu Trung Quốc tự tin về vị thế pháp lý của mình với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, tại sao không kiện Nhật Bản?

Đề xuất của ông Gemba cho thấy ý tưởng của tôi không phi thực tế và vô dụng như các đồng nghiệp Mỹ đã chỉ trích. Nhật Bản từng muốn đưa tranh chấp quần đảo Dokdo/Takeshima với Hàn Quốc ra ICJ, nhưng Hàn Quốc, bên đang nắm quyền kiểm soát thực tế khu vực này, lại không muốn tham gia. Điều đáng nói ở đề nghị của ông Gemba là trong tranh chấp với Trung Quốc, Nhật Bản mới là bên nắm quyền kiểm soát thực tế, nhưng lại đồng ý đưa vụ tranh chấp ra ICJ. Tức là Nhật Bản đã tự bác bỏ quan điểm bấy lâu rằng tranh chấp Nhật Bản - Trung Quốc vốn không phải là một tranh chấp.

Đề nghị của ông Gemba mang lại cho tôi hy vọng đầu tiên rằng các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc có thể xem xét việc đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế. 

Tháng 1/2013, Philippines bắt đầu quy trình pháp lý yêu cầu UNCLOS giải thích các quy định liên quan đến tranh chấp giữa họ với Trung Quốc ở Biển Đông. Như vậy, ý tưởng một nước láng giềng của Trung Quốc có thể tự bảo vệ mình bằng cách nhờ cậy tòa án quốc tế đã trở thành hiện thực.

Tất nhiên, Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện. Bắc Kinh đã tìm cách bác bỏ vụ việc này và cho rằng tòa trọng tài UNCLOS không có thẩm quyền. Nhưng may mắn thay, UNCLOS đã lường trước những tình huống như vậy. Quy định của UNCLOS cho phép thủ tục khởi kiện vẫn được tiến hành bất chấp sự vắng mặt của một bên liên quan. Nếu tòa nhận thấy có thẩm quyền với bất kỳ vấn đề nào được đưa ra, Trung Quốc sẽ phải chọn giữa việc tôn trọng phán quyết của tòa hay chịu sự lên án của cộng đồng quốc tế nếu bác bỏ nó.

Việc tòa xem xét vụ việc của Philippines có ý nghĩa quan trọng vì nó làm rõ nhiều điều khoản của UNCLOS. Ví dụ, những tuyên bố chủ quyền mang tính lịch sử được chấp nhận đến mức nào? Và sự khác nhau giữa khái niệm hòn đảo theo định nghĩa của điều 121 UNCLOS, cho phép quốc gia sở hữu được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa xung quanh hòn đảo đó, với khái niệm đảo đá, chỉ gắn với vùng lãnh hải? Câu trả lời cho những câu hỏi trên không chỉ giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines mà còn giúp nhiều nước khác giải quyết các tranh chấp tương tự.

Thành công bước đầu của Philippines khiến tôi hy vọng các nước khác có tranh chấp với Trung Quốc có thể chọn cách giải quyết tương tự. Nhật Bản là một ví dụ. Thay vì chỉ trông chờ vào khả năng tăng cường phòng thủ quân sự, cái ô an ninh của Mỹ hay những giải pháp khác như trừng phạt kinh tế để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, Tokyo có thể hiện thực hóa đề xuất của ông Gemba để giải quyết không chỉ tranh chấp với Trung Quốc. Ngoài việc đưa Trung Quốc ra ICJ, Tokyo cũng có thể yêu cầu UNCLOS giải thích điều 121.

Nhật Bản còn có lựa chọn khác ở Biển Đông. Mặc dù Nhật không có biên giới ở vùng này, nhưng Tokyo có nhiều lợi ích trong tự do hàng hải ở khu vực, điều thiết yếu với thương mại và an ninh Nhật Bản, cũng như tối đa hóa khả năng Nhật được tiếp cận với nguồn lợi kinh tế trong khu vực. Yêu sách rất nổi tiếng nhưng phi lý của Trung Quốc về đường chín đoạn cho phép Trung Quốc mở rộng EEZ của nước này. Vì thế, Nhật Bản cũng nên xem xét khả năng khởi kiện Trung Quốc về yêu sách đường chín đoạn như Philippines đang làm.

Dĩ nhiên Mỹ cũng có lý do tương tự để phản đối đường chín đoạn. Tuy nhiên, Mỹ lại chưa phải thành viên của UNCLOS. Mỹ có thể kiện Trung Quốc ra ICJ, nhưng như đã nói Bắc Kinh không có nghĩa vụ ra hầu tòa, và bản thân Mỹ cũng có tiền sử bất tuân phán quyết của ICJ. Trong khi đó, dù cũng chưa chắc chắn, phán quyết của UNCLOS mang tính ràng buộc với Trung  Quốc hơn. Tôi hy vọng rằng những căng thẳng gần đây xung quanh việc Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng biển của Việt Nam sẽ giúp Tổng thống Mỹ Barack Obama có đủ sự ủng hộ để vận động Thượng viện Mỹ thông qua quyết định gia nhập UNCLOS.

Đối với Việt Nam, trong chuyến thăm Manila ngày 22/5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng trả lời Reuters: “Việt Nam đang xem xét các lựa chọn phòng vệ khác nhau, bao gồm cả biện pháp pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế”. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario từng hối thúc Việt Nam “xem xét lựa chọn giải pháp pháp lý có lợi ích của Việt Nam”. Nhiều tuyên bố gần đây cũng cho thấy Việt Nam có thể tham gia vụ kiện cùng Philippines hoặc khởi động vụ kiện riêng. Việt Nam có thể chọn một trong hai hoặc cả hai, tùy thuộc vào điều Việt Nam muốn giải quyết.

Nếu Việt Nam muốn dùng pháp luật để phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, trừ khi các bên đã chấp thuận tuân theo một tòa án khác, Việt Nam có thể kiện Trung Quốc lên ICJ. Chủ quyền lãnh thổ không phải vấn đề của UNCLOS. Trung Quốc có thể từ chối tham gia vụ kiện ở ICJ. Nhưng Việt Nam vẫn có thể nhờ cậy sự giúp đỡ của ICJ để thể hiện  với thế giới mong muốn một giải pháp công bằng và hòa bình.

Sự chân thành của Việt Nam có thể được thể hiện rõ hơn bằng cách yêu cầu ICJ xem xét cả chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa hiện Việt Nam đang kiểm soát. Trung Quốc, bên kiểm soát thực tế quần đảo Hoàng Sa, tất nhiên không chấp nhận rằng có tranh chấp chủ quyền liên quan tới các quần đảo này, cũng giống như Nhật Bản với Senkaku và Hàn Quốc với Dokdo.

Tới nay, về nguyên tắc Trung Quốc đã từ chối mọi phán quyết của tòa án quốc tế liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, bất kể Bắc Kinh có đang kiểm soát khu vực đó hay không. Trung Quốc muốn thuyết phục các quốc gia khác rằng Tuyên bố ASEAN 2002 (DOC) phải được hiểu là nó loại trừ tòa án và tòa trọng tài quốc tế khỏi các biện pháp có thể sử dụng để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Trung Quốc lấy cớ DOC là một văn bản mang tính chất ràng buộc nên đã cáo buộc Philippines vi phạm DOC khi đem vụ việc lên UNCLOS. Theo quan điểm của tôi, các quốc gia cần hết sức cẩn thận khi giải thích theo cách cực đoan như vậy những từ ngữ mơ hồ của DOC. Cách hiểu đó khác rất xa so với những điều khoản được chấp nhận từ lâu của Hiến chương Liên Hợp Quốc về các biện pháp giải quyết tranh chấp trong hòa bình, và sẽ khiến các quốc gia không được sử dụng vũ khí phòng thủ hiệu quả đó là nhờ cậy sự phán quyết công bằng của các chuyên gia.

Tình huống này mang tới lựa chọn thứ hai cho Việt Nam, đó là đưa vụ việc ra UNCLOS như Philippines đã làm. Điều này cho phép Việt Nam thể hiện sự ủng hộ pháp lý chính thức đối với vụ kiện của Philippines với yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc, cũng như các vấn đề có liên quan trong tranh chấp giữa Trung Quốc và các bên khác. Mặc dù Trung Quốc rất có thể sẽ từ chối tham gia vụ việc như đối với Philippines, nỗ lực của Việt Nam vẫn có thể đưa vụ việc đến bước như Philippines đang làm hiện nay.

Phán quyết của UNCLOS có thể không cho Việt Nam giải pháp đối phó với những hành vi nguy hiểm hiện tại của Trung Quốc xung quanh việc nước này hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Điều đó chỉ xảy ra khi tòa quyết định toàn bộ quần đảo hoàng Sa đều là đảo đá theo điều 121.3 của UNCLOS và do đó không gắn với vùng đặc quyền kinh tế.

Bằng việc yêu cầu xem xét pháp lý đối với đường chín đoạn, Việt Nam sẽ làm gia tăng cơ hội khiến các tuyên bố mở rộng chủ quyền của Trung Quốc bị vô hiệu hóa bởi các phán quyết liên quan tới vụ kiện của Philippines và những vụ việc khác. Hơn nữa, tùy vào việc lựa chọn đưa tranh chấp nào ra tòa trọng tài của UNCLOS, Việt Nam có thể có những giải thích hữu dụng khi đàm phán về những tranh chấp phức tạp trên Biển Đông.

Tôi hy vọng rằng những gợi ý của mình có thể giúp các quốc gia ở Biển Đông và biển Hoa Đông tận dụng hết khả năng hỗ trợ của ICJ và UNCLOS trong giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Điều đó sẽ buộc Trung Quốc cũng như các nước khác cẩn trọng khi đưa ra các tuyên bố và động thái, cũng như xem xét kỹ hơn về lợi ích có được từ phán quyết của bên thứ ba. Những phán quyết đó có thể loại bỏ những vấn đề pháp lý gai góc ngăn trở con đường đàm phán hòa bình. Nếu UNCLOS loại bỏ mọi tuyên bố lịch sử liên quan tới đường chín đoạn, nó sẽ loại bỏ những chướng ngại vật đáng kể khi giải quyết vấn đề. Hơn nữa, việc sử dụng biện pháp pháp lý có thể hỗ trợ tiến trình đàm phán hiện đang bế tắc.

Về việc Trung Quốc bác bỏ mọi sự can thiệp của tòa án quốc tế và tòa trọng tài quốc tế và khăng khăng muốn đàm phán tay đôi như là cách hợp pháp duy nhất để giải quyết các tranh chấp ngoài khơi, tôi cho rằng, thực chất Trung Quốc cũng không thực sự chấp nhận đàm phán tay đôi hay bất cứ giải pháp hòa bình nào trong các tranh chấp chủ quyền biển đảo. Bằng thái độ trên, Trung Quốc, quốc gia mạnh hơn mọi người láng giềng Đông Nam Á, đang muốn dùng vũ lực để tối đa hóa những lợi thế về chính trị, kinh tế và quân sự, và giảm thiểu vai trò của luật pháp quốc tế.

Thái độ của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng tăng cường hợp tác quốc phòng, cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ của các nước lớn ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản. Tình trạng này trái ngược với các mục tiêu trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Bắc Kinh nên xem xét lại thái độ của mình và tìm hiểu thêm về những lợi ích có được từ các phán quyết công bằng.

Chắc chắn, một giải pháp hòa bình phụ thuộc vào các nỗ lực ngoại giao, nhưng đàm phán không nên bỏ quên sự hỗ trợ của các tổ chức pháp lý quốc tế. Mặc dù không phải một giải pháp, nhưng nếu được sử dụng đúng cách, nó có thể rất hữu dụng.