Cuộc chiến giá dầu
(Tài chính) Đồng rouble mất giá, nền kinh tế đối mặt với nguy cơ suy thoái là những hệ quả trực tiếp của tình trạng giá dầu giảm mạnh cũng như các biện pháp trừng phạt tài chính mà phương Tây áp đặt lên Nga. Vì vậy, hơn lúc nào hết, Moscow rất muốn khôi phục hoặc chí ít là chặn đà rơi của giá vàng đen. Giải pháp cắt giảm sản lượng và thuyết phục các nước xuất khẩu khác làm tương tự đã được nghĩ tới. Tuy nhiên, thực hiện được điều này không đơn giản và nguy cơ thế giới tiến dần tới bờ vực của một cuộc chiến về giá dầu.
Hiểm họa đối với kinh tế Nga
Kể từ tháng 6 đến nay, giá dầu thô trên thế giới đã liên tục giảm, một phần do các yếu tố địa chính trị, một phần do nhu cầu vàng đen trên thế giới giảm. Trong phiên giao dịch ngày 27/11 tại London, giá dầu Brent đã giảm xuống còn 76,46 USD/thùng, mức thấp nhất kể tháng 9/2010 và giảm 34% so với hồi tháng 6/2014.
Diễn biến giá cả hiện nay rõ ràng nằm ngoài dự tính của Nga khi các quan chức nước này mới đây vẫn tự tin tuyên bố giá dầu khó có thể giảm xuống dưới mức 90 USD/thùng. Thậm chí trong một báo cáo ngày 10/11, Ngân hàng Trung ương Nga còn dự báo năm 2015, giá dầu thô của Nga sẽ đứng ở mức 95 USD/thùng. Trong khi đó, Nga cần duy trì giá dầu thô ở mức 100 USD/thùng để đảm bảo sự cân bằng ngân sách trong giai đoạn 2015-2017.
Giới phân tích dự báo, nếu các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không đạt được đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng trong cuộc họp sắp tới ở Vienna (Áo), giá dầu thô có thể sẽ giảm còn 60 USD/thùng. Một số chuyên gia cho rằng, chu kỳ giảm giá lần này của vàng đen có thể sẽ kéo dài khoảng 4-5 năm và trong giai đoạn đó, giá dầu có thể dao động trong khoảng từ 65-80 USD/thùng.
Cùng với các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây, việc giá dầu liên tục giảm đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế Nga bởi vì, khoảng 2/3 kim ngạch xuất khẩu của đất nước gấu misa có nguồn gốc từ dầu mỏ và khí đốt. Kể từ đầu năm tới nay, đồng rouble của Nga đã mất giá khoảng 27% so với USD. Hôm 24/11, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov dự báo, các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây sẽ chỉ gây thiệt hại khoảng 40 tỷ USD/năm đối với nền kinh tế Nga nhưng thiệt hại từ việc giá dầu giảm đối với Moscow có thể lên tới 90 đến 100 tỷ USD/năm.
Người đứng đầu ngành tài chính Nga lo ngại, nếu giá dầu giảm còn 60 USD/thùng và phương Tây siết chặt các biện pháp trừng phạt, nền kinh tế trong nước có thể rơi vào tình trạng suy thoái vào năm 2015. Theo dự báo của hãng tư vấn IHS có trụ sở tại Colorado, nền kinh tế Nga sẽ suy giảm 1,7% trong năm 2015.
Mặt khác, nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu, một loạt dự án của Nga ở thềm lục địa Bắc Băng Dương và cực Bắc sẽ phải dừng hoạt động do giá thành khai thác chưa tính phí vận chuyển đã lên đến 70 USD/thùng. Điều đó, nếu xảy ra, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu của ngành năng lượng, xương sống của nền kinh tế Nga.
Vì sao Nga nói không?
Trong nỗ lực chặn đà giảm giá của vàng đen, hôm 25/11, các quan chức Nga cùng với Mexico và hai nước thành viên OPEC là Saudi Arabia và Venezuela đã nhóm họp ở Vienna để thảo luận về các biện pháp nhằm giảm tình trạng dư cung dầu mỏ. Cuộc đàm phán diễn ra ngay trước thềm cuộc họp của 12 nước thành viên OPEC để thảo luận về khả năng cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu.
Tuy nhiên, cuộc họp giữa 4 nước xuất khẩu mỏ chủ chốt đã kết thúc mà không có bất cứ thỏa thuận nào. Các bên chỉ nhất trí tiếp tục theo dõi giá của mặt hàng trên trong vòng 1 năm và có thể tổ chức các cuộc họp tương tự mỗi quý/lần. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp, Ngoại trưởng Venezuela Rafael Ramirez cho biết, mặc dù tất cả các bên đều nhất trí mức giá hiện nay là không tốt đối với các nước sản xuất nhưng các bên không nhất trí hoặc không cam kết cắt giảm sản lượng.
Trong khi đó, Saudi Arabia, nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trong OPEC, đã phát đi những tín hiệu không mấy lạc quan về khả năng họ sẽ cắt giảm sản lượng. Phát biểu trước thềm hội nghị của OPEC, Bộ trưởng Dầu mỏ của Saudi Arabia chỉ nói thị trường dầu mỏ cuối cùng sẽ tự bình ổn.
Trong bối cảnh đó, những nghi ngờ đã bắt đầu xuất hiện về việc giá dầu giảm mạnh là một mưu đồ chính trị, chứ không phải chỉ là vấn đề kinh tế như nhiều người đã đề cập trước đó. Hồi đầu tháng, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, việc giảm giá dầu đã được hoạch định bởi các lực lượng chính trị.
Có thông tin cho rằng hiện nay, Mỹ và Saudi Arabia đang lặp lại việc thực hiện của một thỏa thuận bí mật giữa Tổng thống Mỹ và Quốc Vương Saudi Arabia vào năm 1984 về việc giảm giá dầu trên thị trường thế giới. Mục đích chính của thỏa thuận nêu trên là nhằm làm tan rã Liên Xô. Và việc khởi động lại thỏa thuận đó vừa được tiến hành cuối tháng 8/2014. Tháng 3/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến Riyadh trong một nỗ lực nhằm thuyết phục Quốc Vương Saudi Arabia tiến hành các bước để làm giảm mạnh giá dầu. Để thực hiện kế hoạch này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp của Saudi Arabia đã có nhiều cuộc gặp gỡ và thảo luận chi tiết. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), người từng làm việc tại Riyadh trong nhiều năm, cũng tích cực tham gia phác họa và triển khai kế hoạch. Việc thực hiện đầy đủ kế hoạch được tiến hành sau cuộc họp tại thành phố Jeddah (Saudi Arabia) vào ngày 12/9 giữa Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Saudi Arabia. Ngay lập tức, giá dầu đã bắt đầu giảm dần trong mùa hè 2014 và sau đó giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Không loại trừ khả năng đây có thể là lý do chính khiến cuộc họp giữa Nga, Mexico, Venezuela và Saudi Arabi hồi đầu tuần bị thất bại. Trước đó, có những tin đồn về khả năng Moscow sẽ cắt giảm sản lượng hoặc giảm lượng dầu xuất khẩu nếu OPEC làm tương tự.
Phát biểu sau cuộc họp, ông Igor Sechin, Chủ tịch tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga và là đồng minh thân cận của Tổng thống Putin, đã bất ngờ thông báo Nga sẽ không cắt giảm sản lượng cho dù nếu giá dầu có giảm xuống 60 USD/thùng. Cùng chung quan điểm, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố xứ sở bạch dương sẽ duy trì sản lượng hiện nay trong một vài năm tới.
Trong khi đó, nhiều khả năng các nước thành viên OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng bởi vì, các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt trong OPEC thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) như Saudi Arabia, Kuwait, Qatar và UAE đã có quan điểm thống nhất về vấn đề này. Vì vậy, nhiều người lo ngại lập trường cứng rắn của các bên có thể châm ngòi cho một cuộc chiến về giá giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ.
Mặc dù không phải là nước thành viên OPEC nhưng Nga hiện đang chiếm tới 11% sản lượng dầu thô toàn cầu với sản lượng 10,5 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, OPEC hiện đang cung cấp 30 triệu thùng/ngày ra thị trường thế giới, chiếm 1/3 sản lượng toàn cầu. Vì vậy, nếu cuộc chiến cân sức, cân tài này xảy ra, chắc chắn giá dầu sẽ tiếp tục giảm, nhất là theo dự báo gần đây của OPEC, trên thị trường dầu mỏ, cung sẽ vượt cầu 1 triệu thùng trong quý I/2015. Và chắc chắn, những nhà sản xuất có giá thành cao như Mỹ sẽ bị thua thiệt nhiều hơn.