Cuộc chiến thông tin về Biển Đông và toan tính sơ hở của Trung Quốc

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Né tránh cuộc chiến pháp lý, Trung Quốc đang tìm cách giành chiến thắng trong cuộc xung đột ở Biển Đông bằng chiến tranh thông tin. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á thuộc Học viện Quốc phòng Australia đã có bài đăng trên The Diplomat.

Cuộc khủng hoảng trên Biển Đông bắt nguồn từ sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam đã bước sang tuần thứ tám. Ngày 9/6, Trung Quốc bất ngờ mở một mặt trận mới khi Wang Min, Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (LHQ) trình Tổng thư ký Ban Ki-moon tài liệu nêu quan điểm chính thức của Bắc Kinh về tranh chấp ở Biển Đông, cùng lời đề nghị chuyển văn bản này đến 193 nước thành viên. Hành động của Trung Quốc nhằm quốc tế hóa vấn đề Biển Đông không chứng tỏ sự thay đổi trong chính sách lâu nay của Bắc Kinh rằng các tranh chấp chỉ có thể được giải quyết song phương thông qua các hoạt động tham vấn trực tiếp và đàm phán của các bên liên quan. Đơn giản là bởi ngay sau khi đệ trình lên LHQ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên tiếng khẳng định: Bắc Kinh không chấp nhận cơ chế trọng tài phân xử tại LHQ. Vậy thì tại sao nước này lại có động thái trên?

Năm 2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc cùng Quân ủy Trung ương đã chính thức thông qua học thuyết “Tam chủng chiến pháp” (3 phương pháp chiến tranh). Theo học giả Timothy A. Walton thuộc công ty phân tích, nghiên cứu, tư vấn Delex, tác giả cuốn “Tam chủng chiến pháp của Trung Quốc (China’s Three Warfares) viết hồi năm 2012, chiến lược này gồm có 3 thành tố: Chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và chiến tranh pháp lý. Chính 2 nhân tố sau đã là cơ sở nền tảng để Trung Quốc đưa tài liệu quan điểm ra LHQ.

Chiến tranh thông tin, theo Walton, là một chiến dịch được tạo ra nhằm gây ảnh hưởng đối với dư luận quốc tế, lái các luồng ý kiến theo hướng ủng hộ Trung Quốc, đồng thời phủ nhận những nguồn thông tin của đối thủ gây bất lợi cho Trung Quốc. Văn kiện mà Trung Quốc đệ trình lên LHQ nhằm đánh thọc sườn nỗ lực tuyên truyền của Việt Nam, là bước đi nhằm cô lập Việt Nam trong bối cảnh đa số các quốc gia thành viên tại tổ chức lớn nhất hành tinh này đều không có lợi ích trực tiếp trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Về chiến tranh pháp lý, theo Walton, là cách sử dụng luật pháp trong nước và quốc tế nhằm tạo lập cơ sở pháp lý hậu thuẫn cho tuyên bố chủ quyền và các lợi ích của Trung Quốc. Trong văn bản đệ trình LHQ, Bắc Kinh đã khéo léo lựa trích, cắt gọt một số điều khoản nhất định của luật pháp quốc tế nhằm biện minh cho quan điểm của mình.

Thế nhưng, chính ở góc độ pháp lý này mà Bắc Kinh đã lộ ra các điểm yếu của mình. Khi mới hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981, Trung Quốc biện minh cho hành động đơn phương của mình bằng lập luận rằng, giàn khoan này nằm tại điểm cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa (hiện do Trung Quốc kiểm soát) 17 hải lý. Trong khi đó theo Công ước của LHQ về luật Biển (UNCLOS), vùng lãnh hải chỉ kéo dài 12 hải lý tính từ bờ (đường cơ sở) của một quốc gia ven biển. Chính vì vậy, trong tuyên bố hôm 6/6, Trung Quốc đã sửa chữa sai lầm này khi nói rằng giàn khoan Hải Dương 981 được đặt trong vùng tiếp giáp lãnh hải của Trung Quốc. Tuy nhiên, tuyên bố mới này cũng không có cơ sở pháp lý. Theo UNCLOS, mục đích duy nhất của vùng tiếp giáp là nhằm tạo điều kiện cho quốc gia ven biển “thực thi kiểm soát cần thiết để: (a) Ngăn chặn sự vi phạm các luật hay quy định của quốc gia đó về hải quan, tài chính, di cư hay vệ sinh trong phạm vi lãnh thổ hay lãnh hải”; (b) Trừng phạt việc vi phạm các luật và quy định trên đây, đã được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ hay lãnh hải của quốc gia đó.

Trung Quốc cũng nỗ lực gây hoang mang dư luận khi đưa ra tuyên bố, vị trí giàn khoan gần với quần đảo Hoàng Sa hơn là bờ biển Việt Nam. Ví dụ, các lập luận trong văn kiện mà nước này gửi LHQ khẳng định Hải Dương 981 cách Tri Tôn 17 hải lý, cách bờ biển Việt Nam từ 133-156 hải lý; mà phớt lờ sự thật rằng Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và rằng hành động chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc đối với quần đảo này không thể là cơ sở khẳng định chủ quyền. Đó là chưa kể, bằng việc vin vào lập luận “gần-xa”, Trung Quốc đã giẫm lên chân của chính họ. Bởi Trung Quốc cũng đòi chủ quyền ở bãi cạn Scarborough, vốn ở gần Philippines hơn so với vùng đất gần nhất của Trung Quốc. Theo luật quốc tế, trạng thái “gần” không đủ để đòi chủ quyền.

Cuối cùng, phải thấy một sơ hở rất lớn trong tài liệu của Trung Quốc trình LHQ: Văn bản nói rằng vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và bờ biển đất liền Việt Nam chưa được phân định. Hai bên chưa tiến hành phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa trong vùng biển này. Hai bên có quyền tuyên bố EEZ và thềm lục địa phù hợp với UNCLOS. Nếu như vậy, trong trường hợp này, Trung Quốc phải tuân thủ các điều khoản của UNCLOS về vùng biển chồng lấn. Theo đó, Trung Quốc và bên tranh chấp phải tiến đến đàm phán về vùng tranh chấp. Cho đến khi có hiệp định phân định ranh giới rõ ràng, không bên nào được phép làm thay đổi nguyên trạng, sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Nhưng rõ ràng bằng việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã tự tố cáo chính mình vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Văn kiện Trung Quốc đệ trình lên LHQ cho thấy thái độ ngang ngược sẵn sàng bỏ qua luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi trong đó có đoạn: Các vùng biển này sẽ không bao giờ trở thành EEZ và thềm lục địa của Việt Nam cho dù nguyên tắc nào trong luật quốc tế được áp dụng để phân định ranh giới.

Trung Quốc đang theo đuổi chiến tranh thông tin theo hướng “nước đôi”: một mặt, họ đưa tài liệu ra LHQ để mô tả bản chất các tranh chấp, nhưng đồng thời, họ lại không chấp nhận cơ chế phân xử trọng tài LHQ. Mỹ và Australia cần gây sức ép tiến hành một tranh luận tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) về vấn đề Biển Đông; Nhật Bản và các cường quốc biển có lợi ích đối với việc duy trì ổn định ở Biển Đông cần tham gia vào tiến trình này. Trung Quốc có thể bị đẩy vào thế bất lợi trong bất kỳ cuộc thảo luận nào tại HĐBA nếu họ không chấp nhận các thảo luận ở HĐBA; hoặc phủ quyết bất kỳ nghị quyết bày tỏ quan ngại về hành động trên Biển Đông sau cuộc thảo luận. Đó sẽ yếu tố buộc Bắc Kinh từ bỏ toan tính sử dụng LHQ cho mục đích tuyên truyền.