Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang: Cơ hội nào cho kinh tế Việt Nam
Trưa thứ Sáu tuần trước (theo giờ Việt Nam), chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế 25% (thay vì 10%) lên 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Ngay lập tức, Trung Quốc cũng cho biết, họ có kế hoạch thiết lập mức thuế nhập khẩu từ 5% đến 25% đối với 5.140 sản phẩm của Mỹ trong danh sách hàng hóa trị giá 60 tỷ USD, bắt đầu từ ngày 1/6 tới. Những động thái này tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Tác động
Thêm vào đó, nguy cơ sử dụng các rào cản thương mại và các biện pháp tự vệ của cả Mỹ và Trung Quốc sẽ là yếu tố cản trở hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trên hai thị trường này. Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển thương mại của Mỹ và Trung Quốc sẽ gây khó khăn trong việc mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam trên các thị trường khác. Khả năng gia tăng nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc và Mỹ cũng sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngay trên thị trường nội địa.
Các nghiên cứu cho thấy, so với các nền kinh tế cạnh tranh với Trung Quốc, Việt Nam ở vị thế hưởng lợi nhiều nhất vì các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cạnh tranh nhiều nhất với hàng Trung Quốc. Trong gần 5.900 dòng sản phẩm giá trị 200 tỷ USD của Trung Quốc, các sản phẩm cùng mã của Việt Nam xuất sang Mỹ có giá trị 13 tỷ USD; trong đó nội thất chiếm 36,7%, nông thủy sản chiếm 19,4%, thiết bị điện, điện tử 13,5%, túi xách 8,8%. Tuy nhiên, nhóm hàng hàng may mặc và da giày lại không nằm trong danh mục này.
Thực tế, con số và mức độ áp thuế của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và ngược lại trước đây còn quá ít. Các mặt hàng chịu thuế chủ yếu là hàng trung gian như máy móc cơ khí, máy móc thiết bị điện và điện tử, còn hàng tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 1%. Do vậy, mức độ ảnh hưởng trực tiếp đối với kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ là không nhiều. Tuy nhiên, lần này rất khác, cả về tỷ trọng áp thuế/tổng kim ngạch nhập khẩu và mức thuế từ 10% lên 25%. Do vậy, diễn biến mà mức độ tác động đối với kinh tế - thương mại toàn cầu nói chung và thương mại của Việt Nam nói riêng sẽ rất lớn.
Một nguy cơ nữa là việc sử dụng nhãn mác của Việt Nam để xuất khẩu sang cả Mỹ và Trung Quốc cũng như các thị trường khác sẽ gia tăng, khiến chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ bị cả hai quốc gia trên và những nước khác áp dụng các biệt pháp kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu hàng hóa cũng như doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với thị trường tài chính, tín dụng, việc cả Mỹ và Trung Quốc có thể điều chỉnh tỷ giá nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và khuyến khích hoạt động xuất khẩu cho hàng hóa của họ sẽ làm cho vấn đề kiểm soát lạm phát phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn. Ảnh hưởng lớn nhất khi điều chỉnh tỷ giá tới lạm phát là các mặt hàng nguyên - nhiên liệu nhập khẩu sẽ tăng giá, đặc biệt là xăng dầu. Thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, điều này sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cơ hội
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những cơ hội từ cuộc chiến thương mại lần này. Cụ thể:
Thứ nhất, cơ hội mà chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc mang lại là có thể khiến chúng ta gia tăng quá trình chuyển dịch cơ cấu thị trường, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, dần giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà chi phí nhân công và các ưu đãi về thuế của chúng ta đang mất dần.
Thứ hai, việc Mỹ tiếp tục áp thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ làm cho hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ tiếp tục mất khả năng cạnh tranh hơn, đồng nghĩa khối lượng xuất khẩu tất yếu sẽ giảm. Điều này sẽ tạo xu hướng dịch chuyển nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Trung Quốc sang các thị trường thay thế khác, trong đó có Việt Nam. Do vậy, xét về tổng thể, các mặt hàng của Việt Nam tương đồng với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ như nông, lâm, thủy sản sẽ có lợi thế hơn so với trước.
Thứ ba, để đáp trả lại Mỹ, Trung Quốc sẽ tiến hành áp thuế và sử dụng một số công cụ khác như: Nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng lượng cung tiền, điều chỉnh tỷ giá và có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật khác đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có các mặt hàng nông sản. Đây cũng sẽ là cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam.
Ứng phó
Về giải pháp vĩ mô, trước hết, cần theo sát mọi diễn biến của cuộc chiến thương mại này. Bên cạnh đó phải xây dựng các kịch bản khác nhau khi chiến tranh thương mại xảy ra; tăng cường cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời cũng như tăng cường công tác xúc tiến thương mại, định hướng cho doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa, mở rộng thị trường.
Chính phủ cũng phải chuẩn bị tốt các thông tin liên quan đến phòng vệ thương mại trong trường hợp chiến tranh thương mại lan rộng; sớm nghiên cứu, áp dụng các biện pháp phòng vệ để ngăn chặn các sản phẩm hàng hóa từ Trung Quốc có thể sẽ tràn vào Việt Nam. Song song với đó, cần tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu ở các cửa khẩu; cân nhắc, tính toán một cách cụ thể và kỹ lưỡng việc lựa chọn thời điểm thích hợp trong điều chỉnh tỷ giá; tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và tăng tốc quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu sâu và đưa ra cảnh báo sớm về thị trường Trung Quốc và Mỹ.
Về giải pháp vi mô, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, đặc biệt là thông tin về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; cập nhật đầy đủ danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc cũng như diễn biến điều chỉnh tỷ giá của đồng USD và NDT để có phản ứng kịp thời. Mặt khác, khẩn trương tìm hiểu thị trường Mỹ và Trung Quốc, nhất là với các loại hàng hóa trong danh mục bị áp thuế để tìm cơ hội đa dạng hóa và thúc đẩy xuất khẩu vào hai thị trường này.
Doanh nghiệp cũng nên sớm triển khai nghiên cứu sâu hơn danh mục một số hàng hóa của Trung Quốc và Mỹ có thể tăng cường nhập khẩu vào Việt Nam trong trường hợp xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và ngược lại bị hạn chế, để có cách thức đối phó và kiểm soát thích hợp.
Doanh nghiệp cũng cần chủ động liên kết với doanh nghiệp Trung Quốc để ký hợp đồng xuất nhập khẩu dài hạn, xây dựng kế hoạch xuất nhập khẩu ổn định. Phát triển hệ thống phân phối trên thị trường Trung Quốc; thâm nhập kênh phân phối thông qua việc thiết lập công ty liên doanh với Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần thay đổi sang phương thức xuất khẩu chính ngạch bằng các hợp đồng thương mại nhằm ổn định và phát triển xuất khẩu bền vững.