Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung liệu có kết thúc?

Theo Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều bày tỏ sự lạc quan về việc giải quyết các tranh chấp thương mại gây nhiều thiệt hại trước một cuộc họp theo dự kiến giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này vào cuối tháng 11 tại Argentina.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nguồn: internet
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nguồn: internet
Triển vọng…
Tổng thống Trump nói trên Twitter hôm thứ Năm (1/11) rằng các cuộc thảo luận thương mại với Trung Quốc đã “biến chuyển một cách dễ chịu” sau khi hai người có cuộc thảo luận “rất tốt” qua điện thoại và ông dự định gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Argentina vào cuối tháng 11.

Có thể nói, ông Trump tỏ ra khá lạc quan về quan hệ thương mại Mỹ - Trung sau cuộc điện đàm với ông Tập. “Tôi có một cuộc trò chuyện dài và rất tốt với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc. Chúng tôi đã nói về nhiều chủ đề, với sự nhấn mạnh về thương mại”, Trump tweet. “Các cuộc thảo luận này đang tiến triển tốt đẹp với các cuộc họp được lên kế hoạch tại G20 ở Argentina. Tôi cũng đã có cuộc thảo luận tốt về Bắc Triều Tiên”.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nói trên đài truyền hình CCTV: “Các nhóm thương mại của hai nước nên tăng cường liên lạc và tiến hành tham vấn về các vấn đề quan tâm của cả hai bên và thúc đẩy một kế hoạch mà cả hai có thể chấp nhận để đạt được một sự đồng thuận về vấn đề thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ”. CCTV cũng dẫn lời ông Tập nói sau cuộc điện đàm với Tổng thống Trump rằng hai nhà lãnh đạo hy vọng sẽ mở rộng hợp tác thương mại song phương.

Tuy nhiên cả hai nhà lãnh đạo đều không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về những tiến triển trong cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên của họ trong vài tháng qua.

Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã nói với một nhóm các chính trị gia Mỹ rằng Trung Quốc và Mỹ có thể vượt qua những khác biệt và nối lại quan hệ nếu hai bên phối hợp cùng nhau trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. “Chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ gặp nhau giữa đường và sẽ làm việc cùng nhau trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”, Thủ tướng Lý nói với một nhóm các nhà lập pháp đảng Cộng hòa ở Bắc Kinh.

Trong khi Thượng nghị sĩ Lamar Alexander của Tennessee nói với Thủ tướng Lý rằng phái đoàn đã “thể hiện sự tôn trọng đối với một đất nước vĩ đại và một dân tộc vĩ đại”, và rằng hai nước “là cạnh tranh nhưng không phải là đối thủ”. Alexander cũng cho biết ông sẽ thảo luận về thương mại với Thủ tướng Lý, mặc dù không ai trong số họ đề cập đến cuộc chiến thuế quan đang diễn ra khi phát biểu với giới truyền thông.

…liệu có như kỳ vọng?

Trong khi hiện cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn đang có chiều hướng leo thang. Hai bên đã áp đặt thuế quan đối với hàng trăm tỷ đôla hàng hóa của nhau và Trump đã đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế lên phần còn lại trong tổng kim ngạch xuất khẩu 500 tỷ USD của Trung Quốc vào Mỹ nếu hai bên không thể giải quyết được các tranh chấp.

Đầu tuần này, ông Trump cũng cho biết ông nghĩ sẽ có được một “thỏa thuận lớn” với Trung Quốc về thương mại, nhưng cảnh báo rằng ông đã chuẩn bị sẵn sàng hàng tỷ đôla thuế quan mới nếu thỏa thuận không thành hiện thực.

Trong khi đó mới đây các quan chức chính quyền Trump đã tuyên bố rằng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc không thể tiếp tục cho đến khi Bắc Kinh đưa ra những hành động cụ thể để đáp ứng nhu cầu của Hoa Kỳ về những thay đổi sâu rộng về chính sách chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp và tiếp cận thị trường.

Hôm thứ tư, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Trung Quốc có lẽ là thách thức an ninh lâu dài nhất của Washington và Mỹ đã thực hiện “nhiều nỗ lực... để thuyết phục Trung Quốc cư xử như một quốc gia bình thường về thương mại và tôn trọng pháp luật quốc tế”.

Ngay sau những phát biểu lạc quan của cả ông Trump và ông Tập, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố một danh sách dài các hành động chống lại những vấn đề mà chính quyền Trump gọi là Trung Quốc lừa dối thông qua hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, trợ cấp doanh nghiệp không công bằng và các quy định cản trở các tập đoàn Mỹ ở Trung Quốc.

Bản cáo trạng của Bộ Tư pháp nhắm vào hai công ty có trụ sở tại Trung Quốc, Đài Loan và ba cá nhân, nói rằng họ âm mưu ăn cắp bí mật thương mại từ công ty bán dẫn Micron Technology Inc.

Đầu tuần này, các công tố viên cũng đã tuyên bố một bản cáo trạng chống lại 10 bị cáo, bao gồm hai nhân viên tình báo Trung Quốc cùng các tin tặc và những kẻ đồng phạm khác. Tất cả đều bị buộc tội đột nhập vào máy tính của công ty Mỹ để ăn cắp dữ liệu trên một động cơ quạt được sử dụng trong máy bay phản lực thương mại.

Rõ ràng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ diễn biến thế nào trong thời gian tới phụ thuộc rất lớn vào cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập tại Argentine tới đây.