Đồng NDT bất ngờ tăng mạnh sau tuyên bố của TT Trump: Phía sau củ cà rốt là cây gậy đáng gờm?
Sau một tháng khá nhiều thăng trầm vì cuộc chiến thương mại, tỉ giá đồng Nhân dân tệ đã bất ngờ tăng mạnh nhất trong tuần qua nhờ dòng tweet "quyền lực" của ông Trump.
Tín hiệu lạc quan trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?
Theo Financial Times, tỉ giá hối đoái NDT đã tăng 0,8% vào hôm thứ 5 (1/11) vừa qua, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng dòng tweet về cuộc trò chuyện "tốt đẹp" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề thương mại.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nước Mỹ-Trung đang tiếp tục leo thang, gần đây đồng NDT đã trượt giá xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2008, chỉ còn 6,9724 NDT/USD ở Thượng Hải.
Các chuyên gia tài chính đã lo ngại rằng cuộc chiến thương mại có thể lan rộng ra cả lĩnh vực tiền tệ.
Tuy nhiên, chỉ sau dòng tweet sau đây của ông Trump, tỉ giá hối đoái NDT đã tăng 0,8% chỉ trong một ngày: Chúng tôi đã trò chuyện về rất nhiều chủ đề, đặc biệt là vấn đề thương mại. Cuộc trò chuyện đã diễn ra rất tốt đẹp, và chúng tôi đã ấn định các cuộc gặp bên lề hội nghị G-20 tại Argentina."
Con số 0,8% nói trên là mức tăng tỉ giá hối đoái lớn nhất trong ngày, kể từ ngày 24/8. Hiện mức tỉ giá là 6,9197 NDT/USD - mạnh nhất trong vòng 1 tuần qua.
Theo FT, đồng NDT đã trải qua tháng 10 khá thăng trầm. Trong tuần qua, nó đã trượt xuống mức thấp kỉ lục trong vòng 10 năm qua và tiến gần đến ngưỡng báo động 7 NDT/USD. Hôm 31/10, giới lãnh đạo Trung Quốc đã lần đầu tiên thừa nhận về những áp lực mà nền kinh tế nước này đang phải đối mặt trong cuộc xung đột thương mại với Mỹ.
Biểu đồ của Financial Times cho thấy đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc bất ngờ tăng giá trở lại sau dòng Tweet của ông Trump.
Chiêu bài "cây gậy và củ cà-rốt" của Mỹ
Tuy nhiên, theo RT, mặc dù dòng tweet của Tổng thống Trump cho thấy tín hiệu lạc quan trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhưng các quan chức hàng đầu của Mỹ vẫn giữ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, và điều này thể hiện rất rõ trong những phát biểu gần đây của họ.
Trong ngày hôm qua, chỉ vài giờ sau khi ông Trump đăng dòng tweet về cuộc trò chuyện tốt đẹp với ông Tập, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố cáo buộc mới nhất đối với các công dân và doanh nghiệp Trung Quốc thuộc diện nghi ngờ có hành vi ăn cắp bí mật thương mại của một nhà sản xuất chip dữ liệu tại bang Utah.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra lời cáo buộc này đối với các cá nhân và tổ chức của Trung Quốc. Trong vòng 2 tháng qua, Mỹ đã khởi tố liên tiếp 3 vụ án, truy tố nhiều công dân Trung Quốc nghi là gián điệp ăn cắp công nghệ chế tạo máy bay.
Trong buổi họp báo ngày 31/10 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn viên Lục Khảng đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ, và chỉ trích đó là điều "bịa đặt".
Còn trước đó, trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên đài Fox News (Mỹ), Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nhắc lại cáo buộc của nước này đối với Trung Quốc về hành vi ăn cắp sở hữu trí tuệ và chỉ trích rằng đây là hành vi không xứng đáng với vị thế của một siêu cường. Đồng thời, ông Pompeo còn kêu gọi Trung Quốc hãy hành xử "như một quốc gia bình thường".
Phản ứng trước tuyên bố trên của Ngoại trưởng Mỹ, ông Lục Khảng cho biết việc hành xử bình thường hay không là do định nghĩa của mỗi quốc gia, đồng thời kêu gọi hai nước Trung-Mỹ phát triển quan hệ hợp tác trên cơ sở "không xung đột và không đối đầu".
Những tuyên bố và động thái gần đây của ông Trump và các quan chức Mỹ có vẻ không nhất quán, nhưng RT cho rằng chính quyền ông Trump đang chơi chiêu bài "cây gậy và củ cà rốt" với Trung Quốc - một chiến thuật cứng rắn thường được sử dụng trong đàm phán.