Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Nhận diện và chuẩn bị kịch bản
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang bước vào giai đoạn căng thẳng nhất, khi cả 2 bên đều tỏ ra cứng rắn trong việc trừng phạt và đáp trả nhau.
ĐTTC ghi nhận ý kiến của 2 chuyên gia về những tác động của cuộc chiến này đối với 2 cường quốc kinh tế số 1 và số 2 thế giới, cũng như với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
PV: Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, có vẻ Trung Quốc tỏ ra bị động qua những phản ứng tiêu cực?
TS. Phạm Sỹ Thành: Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách:
Số liệu thặng dư thương mại quý I-2019 của Trung Quốc với Mỹ đã xấu đi trông thấy, còn 80 tỷ USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sụt giảm 18,8% và nhập khẩu giảm 13,9%.Trong suốt thời kỳ kinh tế Mỹ phục hồi từ giữa năm 2009 đến nay, thương mại song phương tương đương 3-3,4% GDP Mỹ. Nhưng trong quý I-2019 xuất nhập khẩu của Mỹ với Trung Quốc đã giảm xuống mức 2,51% GDP Mỹ, thấp nhất kể từ năm 2006.
Dự trữ ngoại tệ Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thương chiến. Năm 2018, thặng dư thương mại của Trung Quốc 351,7 tỷ USD, giảm 70 tỷ USD so với năm 2017. Điều đó có nghĩa, cùng với việc cán cân vãng lai không còn thặng dư nhiều, đã có những biến động lớn trong cán cân vốn của Trung Quốc.
Có thể liên quan đến việc phải hy sinh dự trữ ngoại tệ để ổn định tỷ giá NDT, hoặc do đầu tư quá nhiều ra bên ngoài thông qua việc thực hiện các dự án BRI (các dự án hạ tầng hình thành vành đai con đường).
Chiến tranh thương mại kéo dài sẽ tác động không nhỏ đến dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc. Điều này dù không quá nguy hiểm về mặt kinh tế, nhưng sẽ tác động đến tâm lý và kỳ vọng thị trường - 1 trong 6 mục tiêu chính phủ Trung Quốc xác định cần giữ ổn định. Dự trữ vàng của Trung Quốc chỉ có 62 triệu ouce, tương đương 78 tỷ USD - con số quá thấp, khiến việc bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ thực sự trở thành hành động tự sát.
Dù vậy phía Mỹ cũng sẽ bị thiệt hại qua cuộc chiến thương mại này?
Ông Nguyễn Anh Dương -Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương:
Sự khác biệt trong chính sách kinh tế của mỗi bên, cho thấy Trung Quốc đang chịu phản ứng tiêu cực từ thương chiến hơn Mỹ.
Mỹ đang thiên về kiểm soát kinh tế tăng trưởng nóng, FED đã liên tục tăng lãi suất năm 2018, dù việc này đã chậm lại. Trong khi đó, Trung Quốc thiên về nới lỏng tiền tệ, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 2 lần kể từ đầu năm và 5 lần trong vòng 2 năm qua. Về tài khóa, Trung Quốc giảm thuế quy mô lớn và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng trong cả năm 2018 và nửa đầu 2019.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng không nên đánh giá thấp các chính sách Trung Quốc có thể đưa ra trong cuộc chiến thương mại, vấn đề là cách làm của họ hoàn toàn không theo quy trình. Nếu Mỹ bắt buộc phải công bố, lấy ý kiến và các mặt hàng đánh thuế trước khi áp thuế, Trung Quốc có thể làm ngay không theo quy trình, tức họ sẽ phản ứng nhanh, bất ngờ, tác động lớn hơn.
Trong cuộc chiến này sẽ chẳng bên nào có lợi, nhưng trong cuộc đàm phán 2 bên (nếu có) thời gian tới, bên nào kiên nhẫn hơn, đầu lạnh hơn, hiểu đối thủ hơn sẽ hưởng lợi ít nhất trong ngắn hạn. Trung Quốc có thể áp dụng ngay biện pháp trả đũa, nhưng đến 1-6 họ mới chính thức tăng thuế cho thấy cơ hội vẫn còn.
Vấn đề Mỹ có nhìn nhận đây là cơ hội không. Nếu như có cuộc gặp giữa 2 bên để tiến tới thỏa thuận, có thể việc Trung Quốc tăng thuế sẽ không xảy ra. Ngược lại nếu 2 bên không ngồi lại, không thống nhất được với nhau sẽ có nhiều tác động bất lợi cả về xuất nhập khẩu, giá cả hàng hóa, cũng như thị trường tài chính thế giới.
Vậy người Mỹ đang toan tính gì trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?
TS. Phạm Sỹ Thành: Thực tế Mỹ muốn ngăn chặn bước tiến của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc. Các doanh nghiệp đặt ở Trung Quốc vốn coi Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng công nghệ cao (ATP) số một. Cuộc chiến thương mại khiến doanh số xuất khẩu của các doanh nghiệp này bị thu hẹp.
Nếu Mỹ giảm xuất khẩu hàng hóa ATP thuộc nhóm ngành hàng không đang chiếm tới 47% tổng mức xuất khẩu ATP sang Trung Quốc, tương đương 18,3 tỷ USD, không chỉ ảnh hưởng đến Boeing mà còn đánh mạnh vào tham vọng sản xuất máy bay dân dụng thương mại của Trung Quốc.
Số liệu top 10 mặt hàng sẽ bị tăng thuế cho thấy, nhóm hàng sản xuất thiết bị viễn thông và bo mạch vi tính của Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, những ngành này đang chiếm tới 90% hàng ATP Trung Quốc đang xuất khẩu sang Mỹ, khoảng 157,1 tỷ USD, tương đương 29% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ. Quý I, nhóm hàng ATP tiếp tục giảm mạnh 36,2%, cho thấy việc Trung Quốc xuất khẩu hàng ATP sang Mỹ ngày càng chịu tác động lớn từ thương chiến.
Tham vọng của Mỹ muốn chặt đứt chuỗi cung ứng của Trung Quốc, trong sản xuất các loại chip, sản phẩm bán dẫn với 4 khâu quan trọng thiết kế, chế tạo, lắp ráp và thử lại rồi đóng gói. Hiện có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tham gia các chuỗi cung ứng quan trọng này.
Mỹ cũng đang cố gắng ngăn doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận với công nghệ của doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn trên đất Trung Quốc. Cụ thể, tháng 8-2018, Tổng thống Trump đã ký Đạo luật Cấp thẩm quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) cho năm tài khóa 2019. Đạo luật cấm chính phủ liên bang mua hoặc gia hạn hợp đồng với bất cứ thể chế nào sử dụng thiết bị, hệ thống hoặc dịch vụ viễn thông của 2 công ty Trung Quốc là ZTE và Huawei.
Vậy Việt Nam cần kịch bản gì để ứng phó với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung?
Ông Nguyễn Anh Dương: Chúng ta đã tính tới kịch bản cả Mỹ và Trung Quốc cùng tăng thuế. Tất nhiên, với nền kinh tế mở, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đây là 2 đối tác thương mại lớn của Việt Nam nên chúng ta không mong muốn có kịch bản này.
Dù vậy, chúng ta đã chuẩn bị những bước đi ứng phó với cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang như chuẩn bị dư địa về chính sách tiền tệ, dư địa tài khóa.
Ở vị thế Việt Nam chỉ có thể chuẩn bị trước, không thể hành động sớm. Bởi chúng ta là nền kinh tế nhỏ và cũng chưa đoán định chính xác diễn biến thị trường, kinh tế thế giới sẽ thế nào khi 2 nền kinh tế lớn chính thức trả đũa lẫn nhau.
Cá nhân tôi cho rằng, các chính sách của Việt Nam khi cuộc chiến thương mại xảy ra vẫn thiên về ứng xử thận trọng và giữ gìn các dư địa chính sách đang có cả về tiền tệ lẫn tài khóa, đặc biệt cần đề phòng tình huống có thể xấu hơn. Điểm tích cực là 6 tháng cuối năm 2018, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa đã hiệu quả hơn rất nhiều giai đoạn 10 năm trước, khi Việt Nam hứng chịu tác động cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nó cho thấy Chính phủ đã có kinh nghiệm hơn trong ứng phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đây là nền tảng để tin tưởng những tác động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được giảm thiểu.
Theo tôi Việt Nam cần chuẩn bị 3 giải pháp. Đầu tiên là xây dựng, cập nhật kịch bản về cuộc chiến thương mại và tương tác giữa 2 nền kinh tế này với các nền kinh tế khác. Bởi Nhật Bản, EU sẽ có giải pháp ứng phó với cuộc chiến thương mại và sẽ tác động đến Việt Nam. Vì vậy, kịch bản ứng phó phải rất chi tiết và đa dạng.
Dù những tác động của cuộc chiến thương mại chưa trực tiếp ngay đối với Việt Nam, nhưng nó đã tạo ra bầu không khí nhiều bất định, cần tiếp tục theo dõi"
Ông Nguyễn Anh Dương: Chúng ta đã tính tới kịch bản cả Mỹ và Trung Quốc cùng tăng thuế. Tất nhiên, với nền kinh tế mở, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đây là 2 đối tác thương mại lớn của Việt Nam nên chúng ta không mong muốn có kịch bản này.
Dù vậy, chúng ta đã chuẩn bị những bước đi ứng phó với cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang như chuẩn bị dư địa về chính sách tiền tệ, dư địa tài khóa. Ở vị thế Việt Nam chỉ có thể chuẩn bị trước, không thể hành động sớm. Bởi chúng ta là nền kinh tế nhỏ và cũng chưa đoán định chính xác diễn biến thị trường, kinh tế thế giới sẽ thế nào khi 2 nền kinh tế lớn chính thức trả đũa lẫn nhau.
Cá nhân tôi cho rằng, các chính sách của Việt Nam khi cuộc chiến thương mại xảy ra vẫn thiên về ứng xử thận trọng và giữ gìn các dư địa chính sách đang có cả về tiền tệ lẫn tài khóa, đặc biệt cần đề phòng tình huống có thể xấu hơn. Điểm tích cực là 6 tháng cuối năm 2018, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa đã hiệu quả hơn rất nhiều giai đoạn 10 năm trước, khi Việt Nam hứng chịu tác động cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nó cho thấy Chính phủ đã có kinh nghiệm hơn trong ứng phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đây là nền tảng để tin tưởng những tác động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được giảm thiểu.
Theo tôi Việt Nam cần chuẩn bị 3 giải pháp. Đầu tiên là xây dựng, cập nhật kịch bản về cuộc chiến thương mại và tương tác giữa 2 nền kinh tế này với các nền kinh tế khác. Bởi Nhật Bản, EU sẽ có giải pháp ứng phó với cuộc chiến thương mại và sẽ tác động đến Việt Nam. Vì vậy, kịch bản ứng phó phải rất chi tiết và đa dạng.
Tiếp đó, cần chuẩn bị về truyền thông, rõ ràng tâm lý thị trường ảnh hưởng rất lớn, nhất là với thị trường tài chính. Khi nhà đầu tư phản ứng quá nhanh với diễn biến cuộc chiến, Chính phủ cần có định hướng điều hành để bình ổn tâm lý và niềm tin thị trường.
Cuối cùng, rà soát lại những công cụ đang có như dự trữ ngoại hối, tỷ giá, năng lực điều hành, khả năng phối hợp các chính sách khác, như điều hành chi ngân sách, để hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương trước các bất lợi thị trường.
Không mong muốn chiến tranh thương mại xảy ra, nhưng Việt Nam nên coi đây như cơ hội tư duy lại định hướng phát triển gắn với đầu tư nước ngoài, qua đó thu hút những nhà đầu tư phù hợp nhất. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Vấn đề là có tận dụng được cơ hội này để đưa doanh nghiệp Việt nhanh chóng thay thế doanh nghiệp Trung Quốc ở một số công đoạn, mở đường cho nhà đầu tư nước ngoài coi nhà cung ứng Việt Nam là đối tác tin cậy, cạnh tranh hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Xin cảm ơn các ông!