Đây là điểm khác biệt nhỏ nhưng quan trọng khiến đàm phán thương mại Mỹ - Trung đổ vỡ
Trong khi văn hóa đàm phán của Mỹ tiếp cận theo hướng chốt từng vấn đề trong danh sách, thì các nhà đàm phán Trung Quốc lại luôn xem xét toàn diện bản thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gần đây đã bị đổ vỡ, đúng như dự đoán của giới quan sát trước đó khi mà ông Trump công bố lộ trình áp mức thuế mới cho lượng hàng hóa 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 10/5. Trung Quốc ngay lâp tức trả đũa bằng việc tăng thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 60 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ.
Về nguyên nhân đổ vỡ, Chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc phía Trung Quốc muốn quay trở lại thảo luận về các vấn đề mà hai bên đã thông qua trước đó. Trong khi đó, ông Lưu Hạc, đại diện phía Trung Quốc, nói rằng mặc dù đúng là đã có một số nội dung thảo luận được hai bên đồng thuận, nhưng vì các nội dung sau đó không được phía Mỹ đồng ý, nên toàn bộ các vấn đề sẽ được thảo luận lại từ đầu.
Những căng thẳng leo thang đặt ra dấu hỏi về triển vọng thành công của các cuộc đàm phán tới đây giữa hai bên và liệu một thỏa thuận thương mại giữa hai quốc gia liệu có thể được hình thành hay không. Mặc dù khó có thể xác định chính xác nguyên nhân dẫn tới thất bại của vòng đàm phán hồi đầu tháng 5 này, nhưng rõ ràng chúng ta đang thấy một sự xung đột giữa các quy tắc làm việc và phong cách đàm phán của hai bên. Những phát ngôn của hai bên đã chỉ rõ sự khác biệt nghiêm trọng này.
Nguyên tắc và thông lệ trong đàm phán của Mỹ là làm việc theo trình tự các vấn đề từ trên xuống dưới, thường được liệt kê chi tiết thành một danh sách. Từng nội dung một sẽ được chốt trước khi thảo luận tới các nội dung tiếp theo và sự không đồng thuận ở một vài nội dung không làm thay đổi kết quả đồng thuận ở các nội dung trước đó.
Trong khi đó, phía Trung Quốc lại xem xét toàn diện các vấn đề được thảo luận. Hoặc là tất cả các nội dung đều được thông qua, hoặc là không có bất kỳ thỏa thuận nào cả. Bởi thế, mặc dù có thể một vài nội dung đàm phán đã được Trung Quốc chấp thuận trước đó, nhưng nếu chỉ cần một vài điều khoản mà họ cảm thấy không hợp lý, thì toàn bộ thỏa thuận sẽ bị hủy bỏ để đàm phán lại từ đầu, hoặc chí ít thì các nội dung đã được thảo luận cũng có thể bị sửa đổi.
Động thái này bị phía Mỹ xem là hành động trở mặt, và Mỹ cho rằng các đối tác Trung Quốc là không đáng tin cậy, không thành thực trong đàm phán. Ngay lập tức ông Trump tức giận và 2 dòng tweet trên mạng xã hội đã nhanh chóng trở thành một quyết định có hiệu lực từ ngày 10/5.
Quá trình làm việc giữa các nhà đàm phán với hai nền tảng văn hóa khác nhau quả thực khó khăn. Nếu sự bế tắc tiếp tục xảy ra giữa hai bên trong quá trình đàm phán, cả hai phía Trung Quốc và Mỹ thực sự nên xem xét nghiêm túc và thống nhất quan điểm, nguyên tắc làm việc trước khi thảo luận về bất cứ nội dung nào.
Trong thực tế, cả hai cách tiếp cận đàm phán, dù là theo danh sách từng vấn đề của phía Mỹ, hay là xem xét toàn diện thỏa thuận của Trung Quốc, đều hợp lý và là những lựa chọn phổ biến cho bất kỳ những cuộc đàm phán nào trên thế giới. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu đang áp dụng cách tiếp cận thứ hai khi làm việc với Vương quốc Anh trong tiến trình Brexit. Chỉ vì còn một số điều khoản của thỏa thuận Brexit chưa được Quốc hội Anh thông qua, tiến trình Brexit đã bị trì hoãn chưa biết tới bao giờ mới kết thúc.
Các nhà đàm phán quốc tế thường không bao giờ bỏ qua việc thống nhất phương thức làm việc và nguyên tắc đàm phán trước khi thực sự thảo luận vào các nội dung chính. Tuy nhiên, có thể vì tính chất quan trọng của các nội dung đàm phán trong thỏa thuận lần này giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, một về phía cung và một về phía cầu, nên vấn đề tưởng chừng rất nhỏ này đã bị hai bên mang ra để đổ lỗi cho sự đổ vỡ của cuộc đàm phán.
Nếu đây thực sự là một nút thắt của cuộc đàm phán lần này, thì vấn đề lớn lại sẽ trở nên rất dễ giải quyết. Các nhà đàm phán chuyên nghiệp của hai bên luôn dễ dàng để bỏ qua sự khác biệt về văn hóa sang một bên, để tập trung vào các nội dung lớn. Thỏa thuận thương mại lần này giữa hai nước có tính chất đặc biệt quan trọng với kinh tế thế giới, tất cả các bên liên quan đều đang trông đợi một thỏa thuận thương mại với tất cả các điều khoản đều được hai bên đồng thuận.