Cuộc chiến trên sân nhà

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Theo chân những kênh bán lẻ như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… những sản phẩm có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… đang tạo ra một cuộc chiến âm thầm với các sản phẩm của doanh nghiệp Việt tại thị trường nội địa.

Cuộc chiến trên sân nhà
70% hàng hóa trong chuỗi cửa hàng B's mart là xuất xứ từ Thái Lan. Nguồn: internet

Âm thầm chiếm đóng

Dù không phải tối cuối tuần nhưng Trung tâm Thương mại AEON (của nhà đầu tư Nhật Bản) vẫn rất đông khách. Tại khu vực tầng trệt, trong quầy hàng món ăn Nhật Bản có rất nhiều khách đang xếp hàng đợi đến lượt được mua. Thậm chí, cửa hàng còn có biển giới hạn số lượng với mỗi thực khách. Theo chia sẻ của một số thực khách tại đó, lý do khiến họ phải chấp nhận xếp hàng vì món ăn ngon và giá thành hợp lý.

Không chỉ mang đến cho người tiêu dùng Việt những món ăn ngon, AEON còn mang đến nhiều sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ Nhật Bản. Đại diện AEON cũng cho biết số lượng sản phẩm mang thương hiệu Nhật Bản chiếm 20% các sản phẩm nhập khẩu. Thực ra, trước khi AEON có mặt tại thị trường Việt Nam, người tiêu dùng cũng đã quen với nhiều sản phẩm hàng hóa của Nhật Bản thông qua những cửa hàng đồng giá như Daiso, Hachihachi, Tokutokuya…

Tương tự các sản phẩm của Nhật Bản, các sản phẩm của Thái Lan đến nay cũng khá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam vì chất lượng đảm bảo và giá thành khá hợp lý. Hàng Thái Lan ở Việt Nam có thể tìm mua thông qua rất nhiều kênh, từ chợ truyền thống đến siêu thị, cửa hàng bán lẻ và cửa hàng tiện lợi.

Năm ngoái, khi Tập đoàn Berli Jucker Plc của Thái Lan mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart cũng cho biết 70% hàng hóa trong chuỗi cửa hàng mới mang tên B’s mart sẽ có xuất xứ từ Thái Lan. Và gần đây nhất, tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Thái Lan là Central Group cho hay sẽ khai trương chuỗi siêu thị Robinsons Department Store ở Hà Nội trong tháng 3 này. Điều này hẳn sẽ tạo thêm một cơ hội cho hàng Thái vào Việt Nam dễ dàng hơn.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết hiện hội đang tiến hành khảo sát và trong tháng 3 này sẽ có những kết quả sơ bộ về tình hình các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh. Bà Hạnh nhấn mạnh: “Chuỗi cửa hàng tiện lợi có thể xem là cánh tay nối dài của các nhà thương mại lớn. Muốn vào Việt Nam một cách vững chắc nên họ tổ chức luôn một chuỗi cửa hàng để khi thuế suất bằng 0 họ có thể chuyển hàng vào Việt Nam một cách dễ dàng vì đã có sẵn hệ thống phân phối. Cuộc cạnh tranh đang dịch chuyển từ bên ngoài vào trong nội địa của chúng ta”.

Có thể thấy khi người Việt bắt đầu quay lưng với các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc vốn chiếm lĩnh ở thị trường nội địa, thì những sản phẩm từ Thái Lan, Nhật Bản… trở thành lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Sẽ không dừng ở các thành phố lớn, mà cùng với tốc độ mở rộng mạng lưới của các chuỗi siêu thị, cửa hàng, hàng ngoại sẽ len lỏi vào nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chiến lược nào?

Nhìn một cách công bằng, khi các chuỗi cửa hàng, siêu thị này có mặt ở Việt Nam cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội đưa hàng sang nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Ông Nguyễn Văn Cần, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển của Tổng công ty 28, từng chia sẻ việc đưa thương hiệu thời trang Belluni của Tổng công ty 28 vào trung tâm thương mại AEON cũng là mong muốn đưa thương hiệu này vươn mạnh ra thị trường nước ngoài.

Vì hiện nay, AEON đang có mặt tại 14 quốc gia trên toàn thế giới. Tuy nhiên, số doanh nghiệp Việt Nam có thể chen chân vào các chuỗi này vẫn còn khá khiêm tốn. Quay trở lại thị trường nội địa, một số doanh nghiệp cũng tỏ ra lo lắng trước sự chiếm đóng của các sản phẩm ngoại. Nhất là khi thời điểm 2015 đang đến rất gần và cùng với đó là nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương dự kiến sẽ được ký kết trong thời gian sớm nhất.

“Đã đến lúc chúng ta phải quan tâm hơn đến các hàng rào kỹ thuật” - ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Thép Việt, nói. Ông Thái cũng chia sẻ kinh nghiệm khi xuất hàng sang các nước, hàng rào kỹ thuật chính là điều được nhiều doanh nghiệp quan tâm vì không thể tính toán cụ thể như thuế.

Câu chuyện hàng rào kỹ thuật không phải đến hôm nay mới được các doanh nghiệp nói đến. Song, chính các doanh nghiệp phải là những người có sự chuẩn bị tốt nhất vì khi những hàng rào này được đưa ra, bản thân sản phẩm trong nước cũng phải đạt tiêu chuẩn như vậy.

Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho doanh nghiệp, trong năm 2014 này, một trong những hoạt động chủ đạo của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao là đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ đổi mới công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp. Hoạt động này bao gồm những chương trình chính như cải tiến hoạt động nghiên cứu-phát triển, đổi mới-sáng tạo trong doanh nghiệp.

Xây dựng Câu lạc bộ Đổi mới-sáng tạo và đẩy mạnh hoạt động của câu lạc bộ này với những mục tiêu kết nối doanh nghiệp với các thị trường và chuyên gia để có điều kiện chia sẻ, theo dõi thông tin, thậm chí doanh nghiệp có thể tranh thủ tư vấn của các thành viên trong câu lạc bộ… Song hơn hết vẫn là sự chuẩn bị của chính các doanh nghiệp. Chủ động sẽ giúp các doanh nghiệp có lợi thế hơn trong một cuộc cạnh tranh bình đẳng. Sân chơi lớn, thách thức nhiều nhưng cơ hội cũng sẽ không ít.