Cuộc đua bảo hiểm trong Cộng đồng kinh tế ASEAN

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành với những cam kết tự do hóa hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm. Cùng tìm hiểu đặc điểm chung của bảo hiểm khu vực ASEAN cũng như của thị trường bảo hiểm các nước thành viên ASEAN là Malaysia và Singapore - những đối tác và đối thủ cạnh tranh bình đẳng với chúng ta trong tương lai gần.

Cuộc đua bảo hiểm trong Cộng đồng kinh tế ASEAN
Top 4 thị trường bảo hiểm lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã tạo ra tổng doanh thu phí bảo hiểm 1 năm xấp xỉ 15 tỷ USD năm 2013. Nguồn: internet

Top 4 thị trường bảo hiểm lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã tạo ra tổng doanh thu phí bảo hiểm 1 năm xấp xỉ 15 tỷ USD năm 2013. Đó là Malaysia, Singapore, Thái Lan và Indonesia.

Xét về tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP thì Singapore đứng đầu với tỷ lệ 6,7%; Thái Lan 5%; Malaysia ở mức trung bình trong khu vực, với xấp xỉ 2%.

Tại Malaysia, năm 2013, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 4,94 tỷ USD, tăng 6,4% so với 2012 và dự kiến tăng trưởng khoảng 6,9% trong năm 2014. Lợi nhuận bảo hiểm gốc phi nhân thọ đạt 531 triệu USD. Tổng tài sản của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đạt trên 8 tỷ USD. Về tỷ trọng doanh thu, bảo hiểm xe cơ giới chiếm gần nửa tổng doanh thu (46,6%), tiếp theo là bảo hiểm cháy (16,4%), bảo hiểm con người (13,8%), bảo hiểm kỹ thuật bao gồm cả rủi ro ngoài khơi (8,2%), bảo hiểm hàng hải- hàng không (6%), bảo hiểm trách nhiệm (3,2%)…

Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đạt xấp xỉ 10 tỷ USD (2012). Bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất trong phí khai thác mới (khoảng 41%) và phí năm các hợp đồng  đang có hiệu lực (34,6%). Bảo hiểm trọn đời chiếm tỷ trọng 7,4% phí khai thác mới và 27,4% phí hợp đồng đang có hiệu lực. Bảo hiểm hỗn hợp chiếm 16% phí khai thác mới và 21,4% phí hợp đồng đang có hiệu lực.

Cùng xem thị trường bảo hiểm Malaysia đang chuẩn bị những bước đi cần thiết nào để đón đầu cơ hội tự do hóa trong lĩnh vực bảo hiểm nói riêng khi cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành vào năm 2015.

Về bảo hiểm phi nhân thọ, thị trường bảo hiểm Malaysia đang chuẩn bị cho việc bãi bỏ biểu phí bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm hỏa hoạn vào năm 2016. Vì trên thực tế, biểu phí bảo hiểm xe cơ giới đã tồn tại suốt hơn 30 năm không điều chỉnh, vì vậy không còn phản ánh đúng thực tế rủi ro. Để tránh “cú sốc” cho thị trường, ngành bảo hiểm nước này đã lựa chọn phương án tự do hóa theo từng giai đoạn. Đối với tự do hóa phí bảo hiểm xe cơ giới, sẽ chia làm 4 vòng điều chỉnh phí trước khi tự do hóa hoàn toàn vào năm 2016, mà vòng điều chỉnh lần 2 là vào tháng 2/2013, theo đó, phí bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba đối với xe mô tô và ô tô cá nhân được điều chỉnh trong phạm vi tăng từ 2 MYR -  34 MYR (0,62 USD - 10,50 USD), tương tự mức điều chỉnh thực hiện năm 2012.

Không giống như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hỏa hoạn có lãi và được hưởng lợi từ biểu phí bắt buộc. Trên thực tế, việc định phí bảo hiểm hỏa hoạn đã được tự do hóa một phần, cụ thể là các đơn vị rủi ro lớn có số tiền bảo hiểm trên 300 triệu MYR (92,5 triệu USD) đã tự do hóa hoàn toàn việc định phí, các đơn vị rủi ro có số tiền bảo hiểm từ 30 - 300 triệu MYR đã được tự do hóa một phần (theo cách thức áp dụng tỷ lệ phí cơ bản và được giảm phí nếu khách hàng có những biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy).

Để nâng cao chất lượng hoạt động bảo hiểm xe cơ giới (loại hình bảo hiểm chủ đạo, chiếm gần nửa doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ), mới đây, một ủy ban công tác hỗn hợp bao gồm đại diện các cơ quan chủ chốt của Chính phủ, ngành bảo hiểm, khách hàng và các tổ chức vận tải… hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank of Negara Malaysia, BNM - là cơ quan quản lý ngành bảo hiểm Malaysia) đã được thành lập.

Ủy ban này đã đề xuất ban hành quy định về thời hạn phải cung cấp các báo cáo y tế, báo cáo điều tra của cơ quan công an để giúp làm nhanh quá trình giải quyết khiếu nại, đưa ra các hướng dẫn về giải quyết bồi thường, thành lập Trung tâm trả lời điện thoại trợ giúp tai nạn giao thông 24/24 để trợ giúp các tai nạn giao thông. Vì thế, chất lượng công tác giải quyết khiếu nại bảo hiểm xe cơ giới dần được cải thiện, những kẽ hở trong hệ thống giải quyết khiếu nại được giảm thiểu.

Văn phòng phòng chống trục lợi bảo hiểm xe cơ giới cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động từ 1/7/2013, trên cơ sở phát triển từ Văn phòng quốc gia đăng ký xe ô tô bị mất cắp/tổn thất toàn bộ và xe tổn thất nằm ngoài khả năng sửa chữa tiết kiệm. Dữ liệu trên mạng của Văn phòng này sẽ giúp các công ty bảo hiểm thành viên có điều kiện kiểm tra và loại bỏ không cấp đơn bảo hiểm ngay tại thời điểm cấp đơn đối với những xe đã được thông báo là bị mất cắp hoặc “tổn thất toàn bộ”.


Về BHNT, với mục tiêu nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm từ 54% hiện nay lên 75% tính trên dân số theo mục tiêu đặt ra của Chính phủ, thị trường nước này đã giới thiệu Chương trình phát triển BHNT.
Một số đề xuất trong chương trình bao gồm việc bãi bỏ một phần các giới hạn chi phí hoạt động (như bãi bỏ giới hạn chi phí hoạt động dưới hình thức hoa hồng và các chi phí liên quan đại lý đối với các sản phẩm liên kết đầu tư; giảm giá bảo hiểm các sản phẩm bảo hiểm bảo vệ thuần túy (tử kỳ, sức khỏe….) bán qua kênh trực tiếp so với bán qua trung gian do không phải trả hoa hồng; khuyến khích gia tăng số lượng các tư vấn viên tài chính thông qua quy định giảm vốn góp của hãng tư vấn tài chính từ 31.000 USD xuống 16.000 USD, mở rộng danh sách bằng cấp chuyên môn được chấp thuận để trở thành tư vấn viên tài chính; mở rộng danh mục sản phẩm bảo hiểm tư vấn viên tài chính được bán…

Singapore: Thanh toán bồi thường trực tiếp cho nạn nhân tai nạn giao thông

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Singapore luôn theo sát diễn biến thị trường, phát hiện ra những vấn đề mới để kịp thời điều chỉnh chính sách, hoàn thiện cách thức vận hành của thị trường. Cụ thể, trong lĩnh vực BHNT, từ 2015, nước này sẽ thực hiện một số điều chỉnh như sau:

Thứ nhất, áp dụng 1 cổng mạng cung cấp thông tin sản phẩm/dịch vụ bảo hiểm cho cả thị trường, cho phép mọi người có thể truy cập thông tin về sản phẩm bảo hiểm của tất cả các công ty tham gia thị trường Singapore và dễ dàng so sánh giá cả và dịch vụ;

Thứ hai, áp dụng Thẻ tích điểm thưởng cân bằng của tư vấn viên tài chính, trong đó bổ sung những tiêu chí tích điểm không liên quan đến doanh số bán hàng như chất lượng ý kiến tư vấn và quy trình bán hàng, tư vấn sản phẩm bảo hiểm phù hợp, xử lý khiếu nại của khách hàng…;

Thứ ba, phân kỳ thanh toán hoa hồng: Hoa hồng đối với các đơn BHNT thông thường sẽ thanh toán làm nhiều kỳ, tối thiểu là 6 năm, và hoa hồng năm đầu bị giới hạn một tỷ lệ % nhất định trên tổng mức hoa hồng - không để tỷ lệ thanh toán hoa hồng năm một quá nhiều (thông thường, các công ty BHNT trả hoa hồng năm đầu rất cao - ví dụ ở Việt Nam từ 25% đến 40%, sau đó từ năm thứ 2 thì mức hoa hồng giảm xuống chỉ còn 5% - Singapore điều chỉnh lại quy định giới hạn tỷ lệ hoa hồng chi trả năm đầu không được cao quá mà dàn đều cho các năm tiếp theo).

Thứ tư, quy định áp dụng khái niệm “sản phẩm BHNT cơ bản” là những sản phẩm mà các đặc tính sản phẩm đã được chuẩn mực/tiêu chuẩn hóa trong toàn ngành bảo hiểm, khách hàng có thể mua thông qua hệ thống bán hàng trực tiếp không cần tư vấn của đại lý. Vì vậy, công ty BHNT giảm phí do không phải trả hoa hồng. Các sản phẩm BHNT cơ bản dự kiến sẽ là các sản phẩm có số tiền bảo hiểm tối đa 400.000 SGD (320.000 USD với 3 loại: bảo hiểm tử kỳ mở rộng bảo hiểm rủi ro mất hoàn toàn khả năng lao động vĩnh viễn (TPD); bảo hiểm trọn đời có TPD; sản phẩm phụ (lựa chọn) bảo hiểm bệnh hiểm nghèo kèm theo bảo hiểm tử kỳ hoặc trọn đời). Những cải cách này sẽ dẫn đến những thay đổi đáng kể của hoạt động BHNT như: Đổi mới sản phẩm mạnh mẽ hơn, cạnh tranh lớn hơn về phí bảo hiểm và điều khoản điều kiện bảo hiểm; chất lượng dịch vụ và trình độ các tư vấn viên tài chính nâng cao hơn; phát triển mạnh hơn kênh bán hàng trực tiếp và bán hàng qua mạng.

Còn với mảng bảo hiểm phi nhân thọ, từ năm 2013, các giám định viên bảo hiểm xe cơ giới phải được đăng ký (để nâng cao tính chuyên nghiệp và giải quyết các khiếu nại xe cơ giới công bằng và hiệu quả); sửa đổi, điều chỉnh lại quy định trong Luật Xe cơ giới (các rủi ro và bồi thường đối với bên thứ 3); sửa đổi Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo đó áp dụng các quy định về Không được gọi từ ngày 2/1/2014 và các điều khoản bảo vệ dữ liệu cá nhân (áp dụng từ 2/7/2014)…

Đến năm 2020, Singapore đặt mục tiêu trở thành trung tâm bảo hiểm tầm cỡ toàn cầu.