Cuộc đua lãi suất huy động sắp trở lại?
Mấy ngày gần đây, một số ngân hàng đã tăng nhẹ lãi suất huy động. Hoạt động kinh doanh được đánh giá là đang "ấm" trở lại, nhu cầu vay vốn dự kiến sẽ tăng làm dấy lên đồn đoán về việc sắp diễn ra cuộc đua lãi suất tiết kiệm để "hút" vốn giữa các nhà băng.
Thanh khoản không còn quá dư thừa
Ghi nhận của VnBusiness, trong tháng 3 có 2 ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động là Techcombank và VPBank; đa số các ngân hàng TMCP giữ nguyên so với tháng 2 hoặc giảm nhẹ 0,1-0,2 điểm phần trăm. Nhóm ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV vẫn giữ nguyên biểu lãi suất so với tháng 2.
Nhiều tháng qua, Techcombank luôn duy trì mức lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn thấp nhất trên thị trường ở nhóm ngân hàng TMCP. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3, ngân hàng này điều chỉnh tăng lãi suất ở một số kỳ hạn, phổ biến cao hơn 0,4-0,7 điểm phần trăm.
Cũng có xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm từ tháng 3, nhưng VPBank vẫn giữ nguyên mức lãi tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 6 tháng trở lên, chỉ tăng lãi huy động ở các kỳ hạn 2-5 tháng, mức tăng phổ biến là 0,2 điểm phần trăm.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, hiện nay đang có những thông tin tích cực về dịch Covid-19 và Việt Nam bắt đầu tiêm vắc xin ngừa Covid-19, vì vậy hoạt động sản xuất kinh doanh đang “ấm” dần lên, nhu cầu vốn của khách hàng tăng trở lại.
Trước đó, Chứng khoán BVSC đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát và việc tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 được triển khai sẽ là những yếu tố tích cực thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh quay trở lại nhịp điệu bình thường.
Cộng với yếu tố lạm phát tăng trở lại, BVSC dự báo lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ có diễn biến tăng trở lại trong thời gian tới.
Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết, ngay từ bây giờ, các ngân hàng “cân” lại thanh khoản. Những nhà băng có thanh khoản không còn quá dồi dào sẽ tính đến phương án huy động thêm nguồn vốn nhàn rỗi trên thị trường bằng cách tăng lãi suất.
Tuy nhiên, biến động lãi suất vừa được điều chỉnh ở một số ngân hàng là không nhiều, thậm chí còn thấp hơn so với mức lãi suất cùng kỳ hạn của nhiều nhà băng khác hiện nay. “Có thể do thời gian qua, các ngân hàng này giảm mạnh lãi suất huy động, nên sức cạnh tranh giảm. Hiện nay, thanh khoản không còn quá dồi dào nên bắt buộc phải tăng lãi suất về mặt bằng chung để tăng sức cạnh tranh trong việc hút vốn”, một chuyên gia phân tích.
Trong khi đó, vẫn có không ít ý kiến băn khoăn liệu đây có phải là dấu hiệu cho một cuộc đua tăng lãi suất trong thời gian tới?
Không phải là xu hướng chung
Các chuyên gia cho rằng, một số ngân hàng đang niêm yết lãi suất huy động ở mức thấp sẽ nhập cuộc trong thời gian tới. Tuy nhiên, lãi suất huy động sẽ khó tăng cao, do còn liên quan đến hạn mức tăng tín dụng được cấp, cũng như tỷ lệ lạm phát.
Hiện, room tín dụng với bất động sản, chứng khoán được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát chặt chẽ nên khó có khả năng lãi suất sẽ "bùng" lên.
Đánh giá về động thái tăng lãi suất huy động, đại diện NHNN Chi nhánh TP. HCM cho rằng, việc lãi suất huy động bật lên chỉ xảy ra cục bộ ở một số ngân hàng, không phải xu hướng chung của thị trường.
Theo thống kê sơ bộ, lãi suất huy động có tăng nhẹ ở một vài ngân hàng với một số kỳ hạn, áp dụng cho khách hàng có những khoản tiền gửi lớn, thời gian gửi dài. Mức tăng lãi suất huy động khoảng 0,2-0,5 điểm phần trăm cho một số kỳ hạn.
Dù vậy, vẫn có ý kiến lo ngại lãi suất huy động tăng lên khiến lãi vay khó có cơ hội giảm để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Về vấn đề này, đại diện NHNN cho rằng, các ngân hàng đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Bằng chứng là từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,3 - 1 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái, tùy đối tượng vay vốn. Các ngân hàng cũng triển khai giải pháp nhằm đẩy mạnh dòng vốn ra thị trường ngay từ những tháng đầu năm 2021.
Vào đầu tháng 3 vừa qua, NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí, cho vay mới...