Cuộc đua mới trên thị trường thẻ tín dụng?
Thời gian gần đây các ngân hàng liên tục cho ra đời các sản phẩm thẻ tín dụng, trong đó nổi lên dòng thẻ hoàn tiền mặt.
Sự ra mắt rầm rộ của loại thẻ này, cùng với việc ngân hàng nào cũng đưa ra những chính sách ưu đãi tự cho là tốt nhất nhằm thu hút người dùng đã làm dấy lên câu hỏi: phải chăng sắp có một cuộc đua mới trên thị trường thẻ tín dụng?
Đua ra mắt thẻ hoàn tiền mặt
Cuối năm 2018, ngân hàng Vietcombank cho ra mắt dòng thẻ tín dụng hoàn tiền mặt với tỷ lệ 1,5% không giới hạn cho mọi giao dịch chi tiêu trong và ngoài nước, không yêu cầu số lượng giao dịch tối thiểu và không giới hạn giá trị hoàn tiền tối đa.
Theo bà Nguyễn Hồng Vân, Phó giám đốc trung tâm thẻ Vietcombank thì đây là dòng sản phẩm có tính năng hoàn tiền cao nhất thị trường lúc bấy giờ. "Các thẻ tín dụng khác thì sẽ bị giới hạn mức hoàn tiền một năm hoặc ở trong một vài giao dịch nhất định, nhưng Vietcombank ra mắt thẻ tín dụng này là hoàn tiền không giới hạn, trong mọi giao dịch, dùng càng nhiều thì hoàn tiền càng nhiều. Hơn nữa, giá trị bảo hiểm của thẻ cũng đang ở mức cao nhất trên thị trường, lên tới 23 tỷ đồng" - bà cho biết.
Không lâu sau đó, ngân hàng VIB cũng cho ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng tập trung vào tính năng hoàn tiền, bên cạnh 4 thẻ tín dụng khác. Riêng với thẻ hoàn tiền mặt, ngân hàng này mạnh dạn tuyên bố đó mới là thẻ hoàn tiền cao nhất thị trường. Cụ thể, chủ thẻ được hoàn tiền 1,5 triệu đồng cho chi tiêu từ 5 triệu đồng trong vòng 37 ngày đầu mở thẻ, và được hoàn tiền lên đến 12 triệu đồng mỗi năm cho các chi tiêu như y tế, giáo dục, ẩm thực, xem phim tại rạp... Đặc biệt, bất cứ giao dịch nào của thẻ cũng được hoàn tiền.
Tiếp đến, ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, đến lượt ngân hàng VPBank cũng công bố ra mắt thẻ hoàn tiền mặt mới. Ưu đãi của loại thẻ này là nếu đạt doanh số 10 triệu đồng/tháng chi tiêu trở lên sẽ được hoàn tiền với mọi giao dịch chi tiêu và tỷ lệ hoàn tiền tăng theo số chi tiêu, tối thiểu 0,5% và tối đa là 3%/giao dịch.
Mỏ vàng?
Sự cho ra mắt ồ ạt với một dòng thẻ chỉ trong vòng hơn 2 tháng ở 3 ngân hàng có thị phần thẻ cao hiện nay làm thị trường khá tò mò, rằng phải chăng các ngân hàng đã phát hiện ra "mỏ vàng" nên đồng loạt khai thác?
Đem câu hỏi này trao đổi với bà Trần Thu Hương, Giám đốc chiến lược kiêm Giám đốc khối Ngân hàng Bán lẻ của VIB, bà cho biết mỗi ngân hàng có một chiến lược phát triển khác nhau. Những người chưa quen sử dụng thẻ tín dụng - họ cần thấy lợi ích ngay lập tức, bởi vậy ngân hàng ra mắt loại thẻ hoàn tiền để "đánh" ngay vào tâm lý đó và thu hút khách hàng.
Ngoài ra, những người phụ nữ hay đi chợ, mua sắm, hay phải chi tiêu đến tiền nhiều cũng sẽ được lợi hơn vì họ càng chi tiêu nhiều thì càng được hoàn tiền nhiều. "Trước đây dùng thẻ tín dụng thông thường sẽ phải chờ đến đợt có khuyến mại mới được hoàn tiền, nhưng với thẻ hoàn tiền mặt hiện nay bất cứ chi tiêu nào cũng được hoàn luôn sẽ kích thích người dùng", bà Hương nói.
Cũng theo vị lãnh đạo của VIB, nói rằng thẻ tín dụng hoàn tiền mặt là "mỏ vàng", là siêu lợi nhuận để các ngân hàng khai thác thì không hoàn toàn đúng, bởi lẽ làm kinh doanh thẻ không như các sản phẩm khác là chỉ mất vài ba năm, mà thẻ phải mất đến 7-10 năm mới có thể hoàn được vốn do chi phí rất tốn kém, không phải ngân hàng nào cũng "chịu chi".
"Như ngân hàng chúng tôi, mục đích hướng tới là thu hút khách hàng, nhất là thế hệ trẻ, muốn họ quen thuộc với tên thương hiệu của mình trước, hài lòng với những gì mình cung cấp rồi sau đó sẽ dùng tiếp các sản phẩm khác. Giới trẻ 9X và thế hệ Z (những người sinh năm 1996 trở về sau) sẽ là các khách hàng quan trọng mà chúng tôi nhắm đến", bà Hương nói.
Còn đại diện Vietcombank thì cho biết việc phát triển thẻ tín dụng lần này cũng là một hướng phát triển mạnh của ngân hàng nhằm cung cấp cách dịch vụ ngày càng tốt hơn đến người dùng trong xu hướng mới của công nghệ cũng như chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ đề ra. Xét đến lợi nhuận thì không riêng gì thẻ, không riêng ngân hàng mà bất cứ ngành nghề kinh doanh nào cũng vậy, phải có lợi nhuận mới có thể cung cấp sản phẩm được lâu bền cho khách hàng và duy trì tính ưu việt trong một thời gian dài, và ngân hàng tin tưởng thẻ hoàn tiền mặt cũng mang về lợi nhuận cho nhà băng này.
Các ngân hàng khác liệu có nhập cuộc?
Khi chia sẻ về về mục tiêu ra mắt thẻ tín dụng nói chung và thẻ hoàn tiền mặt, lãnh đạo của các ngân hàng cùng chung khẳng định rằng họ muốn thay đổi được thói quen tiêu dùng của khách hàng, bên cạnh đó còn hướng tới mục tiêu vĩ mô hơn đó là góp phần kích thích nhu cầu sử dụng và chi tiêu qua thẻ theo đúng chính sách thanh toán không dùng tiền mặt mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang khuyến khích áp dụng.
Nhưng với việc 3 ngân hàng đang mạnh tay ra mắt thẻ hoàn tiền mặt hiện nay liệu có trở thành một cuộc đua hay xu hướng mới trong thời gian tới hay không? Theo bà Trần Thu Hương, với những gì đang diễn ra không đủ để khẳng định về xu thế của thị trường. Hơn nữa, việc phát triển mảng thẻ thế nào còn tùy thuộc vào chiến lược của mỗi ngân hàng.
"Không phải nhà băng nào cũng tập trung vào khách hàng cá nhân, nếu họ tập trung doanh nghiệp thì sẽ không làm thẻ. Và những ngân hàng bán lẻ cũng chưa chắc đã muốn làm mạnh thẻ, do đó việc có trở thành xu hướng hay không còn phải tùy vào chiến lược của ngân hàng" - bà Hương nói.
Vị Giám đốc chiến lược và phát triển kinh doanh của VIB một lần nữa khẳng định, làm kinh doanh thẻ không phải câu chuyện một sớm một chiều bởi tốn rất nhiều chi phí, cùng với bộ máy cồng kềnh phía sau, thường các ngân hàng phải mất tới 7 năm mới có thể hoà vốn, do vậy các ngân hàng đều phải tính toán cẩn trọng. Bà cũng cho rằng, "thẻ là một trong những sản phẩm khó làm trong thị trường Việt Nam, là khó nhất trong mảng kinh doanh bán lẻ".
Dẫu vậy, khi nhận định về xu hướng thị trường thẻ ở Việt Nam, hầu hết các ý kiến đều cho rằng đây là mảnh đất màu mỡ và các ngân hàng vẫn sẽ đẩy mạnh khai thác. Như đại diện của American Express - đối tác của Vietcombank - từng đánh giá thị trường Việt Nam tuy nhỏ nhưng tốc độ phát triển lại rất nhanh và đó là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nói chung, đầu tư vào mảng thẻ nói riêng.