Cuộc “vượt dốc” của nền kinh tế trong năm 2013 có nhiều triển vọng thắng lợi
Chia sẻ với phóng viên về tình hình kinh tế trong năm 2013, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đặng Văn Thanh cho rằng, cuộc “vượt dốc” của nền kinh tế có nhiều triển vọng thắng lợi, nhưng có khá nhiều vất vả, trở ngại. Thắng lợi hay không phụ thuộc nhiều vào sự quyết tâm của Chính phủ, của các ngành, các địa phương và doanh nghiệp. Nhưng chắc chắn, chúng ta có quyền hy vọng, có quyền tin tưởng vào những quyết sách, những giải pháp mà Quốc hội đã quyết nghị, Chính phủ đã đưa ra…
Ông Đặng Văn Thanh
Cái rõ nhất của năm 2012 là lạm phát được kiềm chế, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn nhiều so với năm 2011, thấp hơn nhiều so với bình quân thời kỳ 2004 - 2011 và thấp hơn so với mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (dưới 10%). Lạm phát được kiềm chế do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân trực tiếp là chính sách tiền tệ, tài khóa được thắt chặt, với lãi suất cho vay cao, kéo dài, tăng trưởng tín dụng thấp chưa bằng ½ năm trước; đầu tư, sản xuất, tiêu dùng đều giảm. Tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì dù ở mức thấp (5,03%) và là mức tăng trưởng thấp nhất trong 13 năm qua. Nhưng điều đáng nói là tăng trưởng quý sau luôn cao hơn quý trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD tăng 18,3% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra. Tất nhiên lần đầu tiên nước ta xuất siêu là một kết quả đáng trân trọng, nhưng chúng ta chưa vội mừng nếu nhìn vào cơ cấu xuất nhập khẩu và những gì thực chất do xuất siêu đem lại. Một kết quả nổi bật nữa là dự trữ ngoại hối tăng cao gấp đôi cuối năm trước, gần đạt mức 12 tuần nhập khẩu, nằm trong phạm vi ranh giới an toàn theo thông lệ quốc tế. Đây là kết quả của nhiều biện pháp được Chính phủ ban hành và thực thi trong năm 2012, trong đó có những biện pháp, giải pháp khá tích cực như kích thích tiêu dùng, ổn định giá cả.
Tuy nhiên, nhìn chung nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong tình trạng rất khó khăn, còn nhiều hạn chế và yếu kém. Kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lạm phát quay trở lại, ở vòng quyết liệt hơn. Hàng tồn đọng và nợ xấu là hai trở ngại lớn cho kinh tế Việt Nam “thoát đáy” và “vượt dốc”. Khu vực doanh nghiệp đã và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, khó khăn cả về mô hình hoạt động, khả năng tiếp cận vốn với chi phí hợp lý, về thị trường, về cơ cấu sản phẩm. Không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động trong khó khăn, kém hiệu quả. Thị trường bất động sản bị đình trệ, thị trường tài chính èo uột. Bên cạnh đó cũng phải thấy những lúng túng trong điều hành, sự thiếu khẩn trương trong tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp, thị trường vốn; chậm chạp trong xử lý nợ xấu, nợ đọng… Tất cả những điều đó sẽ là những khó khăn tiếp tục trong năm 2013.
Với những nhận định như trên, vậy theo ông, trong năm 2013 và những năm tiếp theo, cần tháo gỡ những nút thắt, những vấn đề cơ bản nào của nền kinh tế?
Tôi cho rằng năm 2013, cần triển khai thật mạnh mẽ, thật quyết liệt các giải pháp đã triển khai từ năm 2012 và các nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra cho năm 2013. Nhưng trước hết phải tập trung khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sản xuất đình trệ, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì không những nền kinh tế tiếp tục suy thoái mà ngân sách Nhà nước, tài chính quốc gia cũng rất khó khăn. Khả năng nguồn thu của Nhà nước sẽ hạn chế và cực kỳ khó khăn ngay trong tháng đầu, quý đầu của năm 2013. Giải pháp cho các “nút thắt” đã có, nhưng phải thực hiện quyết liệt, bài bản hơn và có sự chỉ huy thống nhất trong việc tái cơ cấu và giải quyết hàng tồn đọng, xử lý nợ xấu. Tái cơ cấu nền kinh tế, xử lý nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho không thể thiếu sự chỉ huy thống nhất trên toàn quốc gia, vì lợi ích chung và với một kỷ cương, quy trình chặt chẽ. Sự thành bại của các giải pháp sẽ quyết định hướng thoát ra hay không của nền kinh tế nước ta hiện nay
Ông vừa nhắc đến việc phải có sự chỉ huy thống nhất. Đây là một yếu tố rất quan trọng, thưa ông?
Có giải pháp đúng, có quyết tâm chính trị cao để giải quyết khó khăn của nền kinh tế là cần thiết nhưng quan trọng hơn là chất lượng điều hành và triển khai các giải pháp. Đây là vấn đề cốt lõi, sống còn, quyết định sự thành bại trong chủ trương đưa nền kinh tế thoát khỏi sự trì trệ và ác nguy cơ tiềm ẩn.
Về vấn đề này, theo tôi, trước hết phải có sự chỉ huy, điều hành thống nhất của cả nền kinh tế, của từng lĩnh vực, nhóm giải pháp. Muốn tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu ngân hàng cần có sự chỉ đạo và điều hành thống nhất của một cơ quan, tổ chức chỉ huy làm đầu mối, không thể để từng ngành, từng tập đoàn tự bươn chải, tự tái cơ cấu. Thiếu sự chỉ huy thống nhất sẽ dễ dẫn đến cục bộ, nhỏ lẻ và tạo ra một cơ cấu kinh tế mới không như mong đợi. Tương tự như vậy, vấn đề xử lý nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho cũng rất cần sự chỉ huy thống nhất, cần sự vào cuộc một cách quyết liệt của Nhà nước, của cộng đồng doanh nghiêp và các hội kinh tế. Cần tập trung giải pháp để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh và lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia cũng như cần phải thấy hết sự khó khăn của sản xuất và thu ngân sách Nhà nước năm 2013.
Có một điều không thể phủ nhận là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động rất lớn đến nền kinh tế nước ta. Điều này đồng nghĩa với việc phải có những loại “vaccine” đủ mạnh để có thể “phòng bệnh” cho nền kinh tế, thưa ông?
Thực tế cho thấy, không chỉ cuộc khủng hoảng lần này mà cả cuộc khủng hoảng năm 1997 đều có tác động rất mạnh đến nền kinh tế Việt Nam và những tác động không chỉ trong thời gian ngắn mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều năm sau. Chúng ta đã mở cửa và hội nhập khá toàn diện với nền kinh tế thế giới và khu vực vì vậy cần có cả giải pháp ngắn hạn và giải pháp dài hạn, mang tính chiến lược để hạn chế tác động bất lợi và chủ động cho sự phát triển của đất nước sau khủng hoảng. Chúng ta đã bỏ lỡ không ít cơ hội trong và sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997. Cuộc khủng hoảng tài chính và sau đó là khủng hoảng kinh tế của thế giới là cơ hội để nhìn nhận và đánh giá đầy đủ hơn những yếu kém và khuyết tật của nền kinh tế. Vì vậy, phải có những quyết sách vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài, những giải pháp mạnh để vượt qua thách thức và đón bắt thời cơ. Cần chấp nhận những “đớn đau” như loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém làm ăn thua lỗ, những tổ chức hoạt động kém hiệu quả, những cá nhân thiếu năng lực.
Để “phòng bệnh”, đặc biệt là bệnh trì trệ, lãng phí, thiếu kỷ cương và tham lam vì lợi ích cục bộ, thiếu tầm nhìn trong hoạch định chính sách, giải pháp, thiếu năng lực trong điều hành quản lý... cần triển khai quyết liệt các giải pháp đã đưa ra, đòi hỏi và yêu cầu trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ trong từng lĩnh vực, từng khâu công viêc. Về lĩnh vực tài chính kế toán, Nhà nước cần nắm và đòi hỏi những giám đốc tài chính, những kế toán trưởng ở các tập đoàn, các công ty có vốn Nhà nước phải làm hết trách nhiệm cả về chức năng người tổ chức tài chính, tổ chức thông tin kinh tế và quan trọng hơn là chức năng giám sát, kiểm soát tài chính. Thiết lập và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ trong mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức tài chính Nhà nước, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tổn thất, mất mát vốn như đã xảy ra ở một số tập đoàn kinh tế, một số quỹ tài chính Nhà nước, các ngân hàng cổ phần có vốn Nhà nước như thời gian vừa qua.
Theo dự báo, năm 2013 nền kinh tế nước ta vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, vậy theo ông, những “điểm sáng” nhất của nền kinh tế nước ta sẽ là gì?
Có nhiều dự báo và nhiều phương án, nhiều kịch bản cho năm 2013 nhưng phải thấy một thực tế là những khó khăn, những yếu kém của năm 2012 sẽ tiếp tục tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Điểm sáng nếu có của nền kinh tế, nếu có đó là sự ổn định kinh tế vĩ mô - nhưng không thật vững chắc; là sự khôi phục và hoạt động trở lại của nhiều doanh nghiệp, nhiều thị trường, nhiều lĩnh vực, nhưng khá chậm chạp và còn nhiều trở ngại. Cuộc “vượt dốc” của nền kinh tế trong năm 2013 có nhiều triển vọng thắng lợi, nhưng có khá nhiều vất vả, khá nhiều trở ngại, phụ thuộc nhiều vào sự quyết tâm của Chính phủ, của các ngành, các địa phương và doanh nghiệp. Nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ và thiết thực hơn để tháo gỡ những nút thắt về nợ xấu, về hàng tồn kho, về vốn, về năng lực quản lý, quản trị... Chúng ta có quyền hy vọng, có quyền tin tưởng vào những thành công của những quyết sách, những giải pháp mà Quốc hội đã quyết nghị, Chính phủ đã đưa ra. Với sự nỗ lực và vào cuộc của nhân dân cả nước, chúng ta sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn để đất nước tiếp tục phát triển bền vững.
Xin cám ơn ông!