“Cứu” nhà băng bằng vốn ngoại: Chờ đến bao giờ?
(Tài chính) Thị trường từng kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho mua bán sáp nhập ngân hàng bằng vốn ngoại, nhưng đến nay vẫn chưa có thêm thông tin nào về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần ngân hàng, ngoài trường hợp GPBank bán 100% cổ phần cho ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singgapore.
Đến nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã giảm bớt 5 ngân hàng qua sáp nhập, hợp nhất (Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Nhà Hà nội, Phương Tây, Đại Á). Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận chủ trương Ngân hàng TMCP Phương Nam sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài gòn thương tín, Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải và tích cực chỉ đạo triển khai một số trường hợp mua lại một số tổ chức tín dụng khác.
Đặc biệt, khi Nghị định số 01 của Chính phủ được ban hành về tỷ lệ sở hữu cổ phần tổ chức tín dụng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài có thể lên đến 49% nếu được Thủ tướng chấp thuận, thị trường từng kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho mua bán sáp nhập ngân hàng bằng vốn ngoại. Tuy nhiên đến nay, thị trường vẫn chưa xuất hiện thêm thông tin nào về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần ngân hàng, ngoài trường hợp GPBank bán 100% cổ phần cho ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singgapore.
Nhiều ngân hàng đang “đỏ mắt” tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài với kỳ vọng sẽ được hồi sinh như DongABank, Ngân hàng Xây dựng… nhưng dòng vốn ngoại vẫn “thờ ơ” với lượng cung khá lớn của ngành ngân hàng Việt Nam. Hay như nhiều ngân hàng khác như MB, HDBank, Sacombank… cũng đang mong mỏi có được một cổ đông chiến lược nước ngoài để tạo động lực bứt phá cho chính mình nhưng vẫn chưa có thông tin nào mới được công bố.
Trong thời gian tới, liệu có ngân hàng yếu kém nào sẽ được cứu thông qua những thương vụ mua bán sáp nhập từ vốn ngoại khi kỳ vọng về tỷ lệ sở hữu cổ phần của một ngân hàng đối với nhà đầu tư nước ngoài không đạt kỳ vọng? Động thái ban hành Thông tư số 38/2014/TT-NHNN quy định thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (có hiệu lực 1/2/2015) cho thấy, cơ quan này đang chuẩn bị đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hay mua bán sát nhập đối với ngân hàng yếu kém trong tương lai.
Nhấn mạnh về tốc độ tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng chậm hơn so với kỳ vọng, WB cho hay, hệ thống ngân hàng Việt Nam có đặc điểm là mức độ sở hữu chéo cao giữa các ngân hàng với nhau và giữa các ngân hàng và doanh nghiệp. Mức độ sở hữu này bao gồm sở hữu các ngân hàng TMCP bởi các ngân hàng khác và bởi các tập đoàn kinh tế (gồm cả doanh nghiệp Nhà nước) với cấu trúc chưa hiểu rõ được.
Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, thừa nhận một số TCTD hoạt động thiếu công khai, minh bạch hoặc bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông lớn, đặc biệt là trong việc cho vay, đầu tư tài chính phục vụ cho các công ty con của cổ đông lớn hoặc đáp ứng cho lợi ích riêng của cổ đông lớn và người có liên quan. Các khoản cho vay, đầu tư đối với cổ đông lớn và người có liên quan thường rất lớn (vượt giới hạn an toàn) và rủi ro cao cho TCTD.
Thống đốc cũng xác nhận có những sai phạm xảy ra ở một số TCTD còn do hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, lãnh đạo của TCTD buông lỏng quản lý, các chính sách, quy định quản lý, kiểm soát nội bộ, các quy trình, thủ tục nghiệp vụ ngân hàng có nhiều bất cập, sơ hở, đặc biệt là trong các hoạt động cấp tín dụng, thẩm định cho vay, đầu tư tài chính, thanh toán, chuyển tiền...
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm, vi phạm pháp luật.
Thực tế, tình trạng sở hữu chéo, cổ đông lớn chi phối ngân hàng đã giảm nhiều so với 2 năm trước. Nhiều vụ việc tham nhũng, tội phạm trong ngành Ngân hàng được phát hiện và xử lý nghiêm minh, điển hình như các vụ việc xảy ra tại Công ty tài chính II - Agribank, NHTM cổ phần Xây dựng Việt Nam, OceanBank...
Bên cạnh đó, việc mới ban hành Thông tư 36 về việc khống chế mức độ sở hữu của một ngân hàng này tại ngân hàng khác là không quá 5% và giới hạn tối đa được 2 tổ chức tín dụng, nhằm giảm chi phối, sở hữu chéo và thao túng của các cổ đông lớn trong hệ thống ngân hàng hiện nay.