Đã bước vào giai đoạn ổn định và phục hồi

Ts. Vũ Đình Ánh

(Tài chính) Bốn tháng đầu năm 2014 vừa đi qua, nền kinh tế bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu phục hồi tích cực sau giai đoạn 2011 - 2013 đầy khó khăn. Tình hình kinh tế cho chúng ta những chỉ báo quan trọng để hoạch định chính sách và dự báo cho cả năm, đồng thời đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế.

Đã bước vào giai đoạn ổn định và phục hồi
Nền kinh tế bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu phục hồi tích cực sau giai đoạn 2011 - 2013 đầy khó khăn. Nguồn: internet

Dấu hiệu phục hồi rõ nét nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2014 tăng 4,96% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng mấy năm gần đây tuy vẫn còn thấp xa so với mức tăng GDP trên 7% vào quý I thời kỳ 2006 - 2008. Đáng chú ý là khu vực công nghiệp và xây dựng cũng mới chỉ tăng 4,69% - thấp hơn cả mức tăng chung nên vai trò đầu tàu tăng trưởng phải nhường cho khu vực dịch vụ tuy tốc độ tăng khiêm tốn ở mức 5,95%.

Trong khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng 7,3% bất chấp không ít khó khăn thì ngành xây dựng vẫn phải vật lộn với sự đóng băng của thị trường bất động sản nên chỉ tăng 3,4%, thậm chí thấp hơn cả mức tăng 4,79% của quý I/2013. Do ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng 73% trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhưng chỉ tăng 1,91% nên cả khu vực này tăng 2,37%. Chính vì vậy, cơ cấu ngành kinh tế có sự chuyển dịch bất ngờ với tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp sụt giảm mạnh từ 18,4% GDP cuối năm 2013 xuống còn 12,88% GDP cuối quý I/2014 trong khi tỷ trọng khu vực dịch vụ lại tăng tương ứng từ 43,3% GDP lên 46,8% GDP mặc dù lĩnh vực dịch vụ không có tiến bộ nào đáng kể. Rõ ràng, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn chậm lại do chưa tìm ra động lực tăng trưởng mới trong cả 3 khu vực của nền kinh tế.

Từ thực trạng kinh tế có thể thấy mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2014 khoảng 5,8% hoàn toàn khả thi song chưa hội đủ yếu tố để chuyển sang giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao và bền vững hơn. Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành dường như diễn biến một cách tự phát theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp nhưng lại không chuyển được nguồn lực sang khu vực công nghiệp và dịch vụ tương xứng nên hiệu quả khai thác và sử dụng các nguồn lực còn có phần bị hạn chế.

Thành công rõ nét trong ổn định kinh tế vĩ mô thời gian qua là đã kiềm chế được lạm phát về mức 6 - 7%, qua đó ổn định được thị trường giá cả, từ thị trường hàng hóa, dịch vụ đến thị trường tài chính, thị trường lao động - tiền lương, thị trường bất động sản. Sau mấy tháng đầu năm, khả năng kiểm soát lạm phát cả năm 2014 dưới 7% đã hoàn toàn trong tầm tay, thậm chí xuất hiện một số lo ngại về tình trạng thiểu phát khi CPI tháng 1 và tháng 2 chỉ tăng lần lượt 0,69% và 0,55% - trái ngược hẳn quy luật tăng mạnh đã được thiết lập suốt từ năm 2002 đến nay.

Nếu tình trạng CPI giảm như tháng 3 (-0,44%) tiếp diễn trong tháng 4 và 5 thì rất có thể lo ngại về thiểu phát tương tự như năm 2000 - 2001 sẽ trở thành hiện thực với CPI năm 2014 sẽ chỉ khoảng 1 - 2%. Thiểu phát không phải là mong muốn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thị trường trầm lắng như hiện nay. Ghi nhận những nỗ lực thắt chặt chính sách tài chính tiền tệ, cắt giảm đầu tư công nhằm kiềm chế lạm phát từ năm 2011 đến nay song dường như diễn biến CPI năm 2014 sẽ chịu sự chi phối mạnh hơn từ phía tổng cầu của nền kinh tế trong khi tổng cung vẫn loay hoay với bài toán tiêu thụ sản phẩm.

Theo Tổng cục Thống kê, dự báo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2014 chỉ tương đương năm 2013, tăng khoảng 5,6% nếu loại trừ yếu tố giá. Trong khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý I/2014 vẫn chỉ tăng 5,2% thì chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lại tăng có hơn 4% so với cùng kỳ năm trước, do vậy chỉ số tồn kho vẫn tăng trên 13% với tỷ lệ tồn kho gần 85%.

Trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nước sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn thì xuất khẩu trở thành cứu cánh góp phần duy trì và nâng cao tổng cầu của nền kinh tế. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2014 đạt khoảng 33,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 13,2%). Đáng chú ý là khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu được 10,9 tỷ USD, tăng 9,8%, còn khu vực FDI (kể cả dầu thô) lại xuất khẩu tới 22,4 tỷ USD, tăng 16,3% khiến cho tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tăng vọt lên đến 67,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 sẽ tiếp tục đà tăng 14 - 15% như mấy năm trước và Việt Nam vẫn duy trì trạng thái xuất siêu sau khi đã xuất siêu khoảng 1 tỷ USD trong quý I, trong đó khu vực FDI xuất siêu 3,9 tỷ USD, còn khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,9 tỷ USD.

Nếu sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu tác động trực tiếp đến hiện trạng tổng cầu của nền kinh tế thì đầu tư còn ảnh hưởng đến biến động của tổng cầu trong tương lai cũng như triển vọng tăng trưởng. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I chỉ đạt 214.800 tỷ đồng, tăng có 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô vốn đầu tư toàn xã hội xuống mức thấp nhất kể từ năm 1995 đến nay với mức 28,4% GDP đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới tổng cầu của nền kinh tế và hạn chế khả năng đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế lên cao hơn do quy mô đầu tư giảm không đi đôi với nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Bên cạnh đó, mặc dù cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội có sự chuyển dịch với tỷ trọng vốn khu vực Nhà nước giảm từ trên 40% xuống 36,5% tổng vốn, vốn khu vực ngoài Nhà nước khoảng 36 - 37% và tỷ trọng khu vực FDI tăng lên 27,4% song nguyên nhân chủ yếu là nguồn lực đầu tư nhà nước bị hạn chế chứ không phải là sự lớn mạnh của khu vực ngoài nhà nước. Kết thúc quý I vẫn có thêm hơn 16.000 doanh nghiệp giải thể dừng hoạt động và tổng tín dụng cho nền kinh tế dừng ở mức cuối năm 2013 trong khi 80 - 90% vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn phải dựa vào nguồn tín dụng ngân hàng.

Những khó khăn của nền kinh tế còn phản ánh tương đối rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước. Đến 15/3, tổng thu ngân sách nhà nước mới đạt 20,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 20,4% và thu từ dầu thô bằng 24,1% còn thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu chỉ bằng 16,9%. Do tổng chi ngân sách nhà nước cũng mới bằng 18,3% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 17,7% và chi thường xuyên bằng 18,8% còn chi trả nợ viện trợ bằng 19,7% nên bội chi ngân sách nhà nước quý I/2014 chỉ hơn 3,6% GDP - tạo tiền đề vững chắc cho kiềm chế thâm hụt ngân sách nhà nước cả năm dưới 5,3% GDP.

Qua thực trạng quý I/2014 có thể khẳng định nền kinh tế nước ta đã bước vào giai đoạn ổn định và phục hồi. Các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 cơ bản có thể hoàn thành. Tuy nhiên, mức độ ổn định và triển vọng phục hồi nhanh chưa vững chắc do sự chậm trễ và chưa rõ ràng trong tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế cũng như quá trình tái phân bổ nguồn lực và tái khởi động động lực tăng trưởng kinh tế mới.