Đã có 980 doanh nghiệp ứng dụng chữ kí số
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến đầu tháng 11/2012, cả nước có 980 doanh nghiệp sử dụng chữ kí số (CKS) trong thực hiện thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT).
Việc thí điểm ứng dụng CKS trong TTHQĐT được ngành Hải quan thực hiện đầu tiên tại Chi cục Hải quan Khu công nghiệp & Khu chế xuất- Cục Hải quan Hải Phòng từ cuối tháng 9-2011, với 18 DN được lựa chọn tham gia.
Sau quá trình mở rộng thí điểm, đến nay, ngành Hải quan đã áp dụng tại 82 điểm làm thủ tục hải quan của 18/21 Cục Hải quan địa phương đang thực hiện TTHQĐT trong cả nước.
Ông Trần Quốc Định- Phó trưởng Ban cải cách hiện đại hoá Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, việc triển khai ứng dụng CKS trong TTHQĐT được thực hiện theo quy định tại Nghị định 27/2007/NĐ-CP năm 2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
Quá trình thí điểm vừa qua Tổng cục Hải quan đã thực hiện nhiều nội dung và đạt được một số kết quả nhất định.
Cụ thể, ngành Hải quan đã nâng cấp hệ thống (phần mềm thông quan điện tử) để có thể áp dụng được CKS trong TTHQĐT; phối hợp với đơn vị xây dựng phần mềm khai báo, nhà cung cấp dịch vụ CKS để nâng cấp phần mềm cho doanh nghiệp; đào tạo, tập huấn cho cán bộ công chức hải quan và doanh nghiệp…
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, việc triển khai CKS thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp. Đó là nâng cao tính bảo mật, an ninh an toàn trong quá trình trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và cơ quan Hải quan; đảm bảo độ chính xác, tính toàn vẹn của dữ liệu và nâng cao tính chống chối bỏ đối với thông tin khai báo trên cơ sở đó nâng cao tính tự động hoá của hệ thống (thông quan điện tử).
Theo Điều 4, Nghị định 87 ngày 23/10/2012 của Chính phủ về TTHQĐT:
Khi thực hiện TTHQĐT, người khai hải quan phải sử dụng CKS đã đăng kí với cơ quan Hải quan.
Trong giai đoạn chưa có CKS, được sử dụng tài khoản truy nhập Hệ thống xử lí dữ liệu điện tử hải quan để thực hiện TTHQĐT.
Người khai hải quan có trách nhiệm bảo mật tài khoản để sử dụng khi giao dịch với cơ quan Hải quan thông qua Hệ thống xử lí dữ liệu điện tử hải quan và chịu trách nhiệm về các giao dịch điện tử theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính quy định lộ trình áp dụng CKS khi thực hiện TTHQĐT.
Ngoài ra, việc ứng dụng CKS cũng cho phép cơ quan Hải quan áp dụng việc tự động hoá đối với bước trong quy trình thủ tục hải quan, qua đó rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá cho doanh nghiệp.
Chính vì vậy, thời gian thí điểm và mở rộng thí điểm ứng dụng CKS đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của giới doanh nghiệp.
Theo ông Trần Quốc Định, hiện nay, Tổng cục Hải quan đang triển khai các công tác chuẩn bị để mở rộng TTHQĐT tại 13 Cục Hải quan địa phương còn lại, do đó việc triển khai ứng dụng CKS thời gian tới sẽ được thực hiện phù hợp với lộ trình này.
Để đảm bảo hiệu quả của việc ứng dụng CKS trong TTHQĐT thời gian tới, ngành Hải quan cũng xác định những hạn chế cần khắc phục như: tình trạng phản hồi thông tin giữa doanh nghiệp và cơ quan Hải quan còn chậm, vẫn còn những doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu không thường xuyên còn tâm lý “ngại” thực hiện.
Theo cơ quan Hải quan, nguyên nhân của tình trạng trên là việc ứng dụng CKS còn mới nên doanh nghiệp chưa thực sự thấy hết được lợi ích, sự cần thiết, do đó số lượng tham gia chưa nhiều. Việc kết nối giữa hệ thống của cơ quan Hải quan với các nhà cung cấp dịch vụ CKS (hiện có 5 nhà cung cấp dịch vụ CKS là Công ty an ninh mạng Bkav, Viettel, Công ty công nghệ thẻ Nacencom, Công ty VDC, Công ty FPT) để tiến hành kiểm tra còn gặp nhiều vướng mắc do hạ tầng mạng chưa ổn định…
Để khắc phục các tồn tại nêu trên, thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ đẩy mạnh việc nâng cấp đường truyền theo kế hoạch, lô trình của Bộ Tài chính; hoàn thiện hệ thống thông tin và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Tổng cục Hải quan với các cục hải quan địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp…