Đa dạng hóa Xúc tiến thương mại: Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu!
TCTC Online - Vai trò của các hiệp hội đang được thực thi như thế nào tại Việt Nam? Hiệp hội hỗ trợ gì cho DN, DN tham gia hiệp hội với mục đích gì? Hiệp hội cần sự hỗ trợ cụ thể gì từ các ban ngành để hoạt động thực sự mang lại lợi ích cho cộng đồng…Là những vấn đề đặt ra đang cần lời giải để gỡ khó cho DN.
Đây cũng chính là nội dung cuộc tọa đàm "Hiệp hội doanh nghiệp - đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển thị trường" là nội dung cuộc tọa đàm do Công ty Việt Long Promotion phối hợp với Báo Vietnam Economic News tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Phát huy vai trò hiệp hội, mở rộng thị trường
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên: Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã có tác động xấu đến hều hết các ngành nghề, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã phải hững chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Trong 7 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu tuy tăng về lượng nhưng giá trị lại giảm, mới chỉ đạt 32,5 tỷ USD, thấp hơn năm 2008 tới 12,8%. Nhiệm vụ xuất khẩu từ nay đến cuối năm rất nặng nề, cần phải tập trung mọi biện pháp, mọi nguồn lực để chặn đà suy giảm ít nhất là về lượng so với năm 2008, khắc phục các thị trường truyền thống, mở ra các thị trường mới. Nếu muốn hoàn thành mục tiêu đề ra của cả năm thì trong 5 tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu sẽ phải bằng 7 tháng đầu năm.
Vì vậy, đây là thời điểm rất cần sự hợp lực của các DN, các cơ quan hữu quan, đặc biệt là vai trò của các Hiệp hội ngành nghề. Thông qua việc đại diện cho quyền lợi của DN và thực hiện các hoạt động hỗ trợ cụ thể cho hội viên của mình, các hiệp hội DN có thể đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên: Hiện nay Bộ Công Thương đang làm việc với các DN và các hiệp hội, để hạn chế tác động việc tăng lượng hàng xuất khẩu, ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu. Bởi thực tế trong thời gian qua cho thấy, một số mặt hàng như nông sản, thủy sản đến thời điểm này, xuất khẩu về lượng tăng hơn năm ngoái, nhưng giá trị thu về lại giảm, điều này không phải do chủ quan mà do phụ thuộc vào cung - cầu, sức mua của thị trường thế giới. Bài học về giá cà phê thời gian vừa qua, do thiếu sự phối hợp giữa bản thân các DN trong ngành và giữa DN với Hiệp hội khi mua bán trên thị trường thế giới, khiến các nhà nhập khẩu cà phê ép giá, dẫn tới giá cà phê xuất khẩu giảm mạnh, trong khi Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, đáng ra phải có lợi thế trong việc đàm phán về giá.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm kiếm, mở rộng thị trường mới cho các mặt hàng Việt Nam thâm nhập vào để "cứu cánh" cho các thị trường truyền thống đang gặp khó khăn. Các mặt hàng của Việt Nam hiện đang có thế mạnh như: nông lâm, thủy sản như tôm, cá tra, cá ba sa... đây cũng là các mặt hàng nhiều nước đang rất ưa chuộng. Hoặc như đối với mặt hàng gạo, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4,2 triệu tấn, tăng trên 50% về lượng. Thời gian tới, cần tích cực xúc tiến thương mại vào các thị trường đang có nhu cầu như châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh tìm đường xuất khẩu không chỉ trong những tháng cuối năm mà cần phải tính đến nhiều năm sau đó. Để làm được điều này, các Hiệp hội ngành hàng cần phải phát huy vai trò tiên phong dẫn đường cho các DN, đồng thời các cơ quan xúc tiến thương mại cũng cần thể hiện trách nhiệm của mình là cầu nối giữa DN và thị trường xuất khẩu.
Nâng cao vai trò xúc tiến thương mại
Theo ông Tạ Hoàng Linh - Cục phó Cục XTTM: Trong những năm qua, Chương trình XTTM quốc gia đã đóng góp một phần vào sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước nói chung của các ngành hàng nói riêng. Năm 2006, xuất khẩu cả nước tăng 22,1%; năm 2007 tăng 20,5% và đến năm 2008 tăng tới 29,5%. Bên cạnh đó, đã giúp các Hiệp hội nâng cao vai trò và khẳng định vị thế của mình đối với các doanh nghiệp trong ngành cũng như quốc tế. Thông qua Chương trình XTTM quốc gia, mỗi năm các Hiệp hội ngành hàng đã hỗ trợ cho hàng nghìn lượt DN tham gia và hưởng lợi từ chương trình, đặc biệt là các DNN&V.
Chương trình XTTM quốc gia còn giúp quảng bá sâu rộng hơn hình ảnh, sản phẩm Việt Nam tại các thị trường tiềm năng (EU, Hoa Kỳ và các thị trường trong khu vực). Cùng với đó, giúp quảng bá thương hiệu, nâng cao uy tín, sự phát triển của các ngành hàng Việt Nam. Cụ thể là các mặt hàng công nghiệp chế biến, nông lâm thuỷ sản Việt Nam đến các bạn hàng quốc tế. Cũng thông qua chương trình này, Hiệp hội có nhiều cơ hội tham gia vào các Tổ chức XTTM quốc tế, mở rộng mối quan hệ hợp tác và giao lưu, liên kết với các Hiệp hội tổ chức chuyên ngành quốc tế. Từ đó, hiểu thêm được ưu thế và hạn chế của ngành hàng mình, của đối thủ, tiềm năng của từng thị trường để lập kế hoạch XTTM phù hợp.
Tuy nhiên, ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNN&V Việt Nam lại cho rằng: "Hoạt động XTTM chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN". Ông Kiêm dẫn chứng: Theo kết quả điều tra do Chương trình phát triển Dự án Mê Kông và Quỹ châu Á, các hiệp hội đã tương đối thành công trong việc cung cấp thông tin chính sách, pháp luật, kiến nghị chính sách, quy định liên quan đến tập huấn, đào tạo ngắn hạn nhưng các Hiệp hội của Việt Nam vẫn còn yếu ở các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho hội viên, giá cả và hỗ trợ tiếp cận thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, năng lực cung cấp các dịch vụ của các tổ chức xúc tiến thương mại còn rất hạn chế, một phần do thiếu trình độ, một phần do ngân sách hạn hẹp nên chỉ có thể cung cấp các dịch vụ mà doanh nghiệp có nhu cầu thấp dễ triển khai, ít tạo hiệu quả và giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
Nguyên nhân của những hạn chế trên được các chuyên gia lý giải là các Hiệp hội, cớ quan hữu quan chưa làm tốt công tác thông tin, dự báo, nhận thức về tầm quan trọng của công tác XTTM còn hạn chế, chưa chủ động nghiên cứu trên sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm giá trị gia tăng, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của từng thị trường. Hiện nay, chủ yếu các tổ chức XTTM chỉ có khả năng đưa tin cơ hội giao thương nhưng lại không có năng lực thẩm định đối tác kinh doanh, cung cấp thông tin mang tính đại trà thay vì thông tin theo yêu cầu. Tuy tổ chức hoặc tham gia các hội chợ triển lãm nhưng việc kết nối các đối tác trước và tổ chức tiếp xúc tại hội chợ là hạn chế, các đoàn khảo sát thường mang tính chất du lịch nhiều hơn là việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh thực sự. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng còn kém cũng như nhân lực yếu dẫn đến không có khả năng cung ứng nhiều dịch vụ (phát triển sản phẩm, nghiên cứu thị trường, môi giới và thẩm định thương mại). Cá biệt một số tổ chức được lập ra, hoạt động tiêu tiền ngân sách và tiền dự án là chính chứ không tính đến hiệu quả lâu dài và phương án tổ chức triển khai cho dịch vụ như các trung tâm XTTM tại nước ngoài; các thư viện tra cứu dữ liệu hoặc in ấn các ấn phẩm mà thông tin sai lệch, nội dung thiếu chuyên nghiệp...
Đồng tình với các quan điểm trên, ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng: Thực tế, qua các hoạt động XTTM đối với sản phẩm gỗ Việt Nam tại các thị trường quốc tế từ năm 2005 – 2008 đã thu được những kết quả đáng khích lệ, ví dụ: Sau khi tổ chức sự kiện tại một số thị trường như Mỹ và EU, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường này đã tăng trưởng mạnh mẽ như Mỹ chiếm 45% giá trị kim ngạch và EU chiểm trên 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn quốc. Cũng phải thừa nhận, phần lớn các DN chưa chủ động trong công tác xúc tiến mở rộng thị trường, mới chỉ một số DN lớn quan tâm, chủ động trong công tác xúc tiến thương mại. Do nhận thức về tầm quan trọng của công tác XTTM còn hạn chế nên hầu hết các DN thiếu tích cực trong việc tham gia hoạt động này.
Đứng trước thực trạng khó khăn tại các thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống của Việt Nam, cộng thêm những bất cập trong quy định về hỗ trợ XTTM đại diện Hiệp hội Chè cho rằng cần phải phát triển thị trường mới đẩy mạnh xuất khẩu được, và muốn đẩy mạnh xuất khẩu phải tăng cường XTTM. Nhưng kinh phí xúc tiến thương mại hiện nay chưa tương ứng với tăng trưởng xuất khẩu của ngành hàng. Cụ thể trong ngành chè, muốn XTTM từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau để tránh mùa vụ thu hoạch, nhưng tới tháng 5 mới được cấp kinh phí xúc tiến thương mại và đến tháng 11 phải thực hiện xong chương trình nếu không sẽ không được hỗ trợ. Cơ chế tài chính như vậy rất khó cho Hiệp hội và DN. Bất cập này cần nhanh chóng được sửa đổi.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hoạt động XTTM của các ngành hàng nói chung, các DN nói riêng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành chức năng với các cơ quan quản lý địa phương cùng với các Hiệp hội và DN. Ngoài ra, cần có một chiến lược quốc gia về phát triển XTTM gắn với thúc đẩy xuất khẩu, thu hút du lịch, thu hút đầu tư phù hợp với định hướng cơ cấu chiến lược ngành kinh doanh, cơ cấu nền kinh tế; cần tái thiết kế lại để có thể cung ứng các dịch vụ mà DN có nhu cầu; cần tái cấu trúc lại bản thân các tổ chức XTTM để có thể cung ứng được dịch vụ nói trên; do hạn chế về năng lực nên giai đoạn đầu cần có sự quan tâm đầu tư của Chính phủ giao Cục XTTM chủ trì hỗ trợ các tổ chức nâng cao điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật và ngân sách cho các hoạt động mới mang tính sáng tạo cao; kết nối và chia sẻ các nguồn lực của các tổ chức XTTM để cả mạng lưới cùng phát triển.