Đã đến lúc bỏ chiếc “barie” mang tên trần lãi suất?

Theo antt.vn

(Tài chính) Đại diện cơ quan điều hành “huyết mạch” kinh tế của cả nước đã bày tỏ “mong muốn” được bỏ đi chiếc barie mang tên lãi suất huy động tối đa và theo ý kiến của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thì tình hình thực tế đã “chín muồi”. Liệu rằng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có quyết định bỏ trần lãi suất huy động?

Đã đến lúc bỏ chiếc “barie” mang tên trần lãi suất?
Thời gian vừa qua, câu chuyện nên hay không dỡ bỏ trần lãi suất huy động đã trở thành một đề tài nóng. Nguồn: internet

Thời gian vừa qua, câu chuyện nên hay không dỡ bỏ trần lãi suất huy động đã trở thành một đề tài nóng trên các diễn đàn kinh tế tài chính.

Trần lãi suất huy động – “vòng kim cô” của một thời kỳ chẳng thể nào quên

Nhìn lại quá khứ, trần lãi suất huy động chính thức được luật hóa từ cách đây gần 3 năm, cụ thể là ngày 03/03/2011, khi NHNN chính thức ban hành Thông tư số 02/2011/TT-NHNN quy định lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Và nhớ về quãng thời gian đó đó, những người làm công tác ngân hàng ắt hẳn sẽ “chẳng thể nào quên”, bởi, đó là giai đoạn mà kỳ tăng lãi suất được tính bằng đêm, lãi suất huy động vốn từ thị trường 1 lên tới 21-22%/năm, lãi suất cho vay 24-27%/năm và cũng trong giai đoạn “chẳng thể nào quên” ấy, trong cơn say đua lãi, chính các nhà băng thậm chí còn phải cho nhau vay qua đêm với lãi suất “cắt cổ” lên đến hơn 30% (và phải có thế chấp) nhằm giải quyết yêu cầu thanh khoản,….

Và việc áp trần lãi suất huy động của NHNN vào thời điểm đó, dẫu rằng trong thời kỳ đầu, luôn bị các TCTD ranh mãnh lách luật bằng trăm phương ngàn kế thì “chiếc vòng kim cô” mang tên trần lãi suất huy động ấy cũng đã dần dần siết trọn theo những “lời niệm chú”. Tác động can thiệp của NHNN đã dần dần cho thấy những hiệu quả rõ nét khi mà các ngân hàng đã phần nào tỉnh hơn, thật hơn, biết kiểm soát và biết chịu kiểm soát hơn, thị trường tiền tệ cũng dần ổn định hơn, lành mạnh hơn (tất nhiên, công cụ trần lãi suất chỉ là một yếu tố trong tổng hòa cơ chế mà cơ quan quản lý đã tiến hành áp dụng). Đó là chưa kể tới một tác dụng hết sực quan trọng nữa từ việc áp trần lãi suất huy động, khi mà với “luật chơi” hết sức minh bạch và đồng đều đó, lãi suất cũng sẽ không còn là yếu tố then chốt trong cuộc cạnh tranh tiền gửi. Và như vậy, sự cạnh tranh giữ các TCTD sẽ được chuyển đổi tư duy từ “ganh đua” lãi suất sang hoàn thiện cung cách phục vụ, đổi mới thái độ bán hàng, nâng cao trình độ quản trị, mở rộng mạng lưới giao dịch, gia tăng lợi thế dịch vụ…

 Do đó, nhìn nhận một cách khách quan về hệ thống tài chính tiền tệ nước ta, trong một giai đoạn mà cơ chế thị trường chưa hoàn hảo, tình hình kinh tế vĩ mô chứa đựng nhiều bất ổn và thị trường tài chính có nhiều biến động thất thường thì sự can thiệp hành chính là một điều tất yếu, mà trong đó trần lãi suất đóng vai trò là một trong số các công cụ phục vụ cho sự can thiệp hành chính nói trên.

Biến trải cùng thực tiễn

Trong khoảng thời gian gần 4 năm kể từ khi chính thức được luật hóa cho đến hiện nay, quy định về trần lãi suất huy động đã biến trải qua nhiều điều chỉnh cũng như cải tiến, bám sát với yêu cầu điều tiết và hiệu quả áp dụng của cơ quan quản lý. Từ mức trần 14%/năm ấn định cho tất cả các lãi suất huy động vốn bằng VND (lãi suất tiền gửi, lãi suất giấy tờ có giá) của các tổ chức (trừ tổ chức tín dụng) và cá nhân bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức theo Thông tư 02/2011/TT-NHNN, qua thời gian, các quy định về trần lãi suất đã ngày càng trở nên cụ thể, phù hợp và  thân thiện hơn, mức trần đã được phân định chi tiết đối với từng nhóm kỳ hạn, cũng như ngoài trần lãi suất huy động VND, NHNN còn bổ sung thêm mức áp trần với lãi suất tiết kiệm ngoại tệ.

Gần đây nhất, ngày 28/10, NHNN đã công bố giảm trần lãi suất huy động VND kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng từ 6%/ năm xuống còn 5,5%/năm ( Quyết định 2172/QĐ-NHNN) và trần lãi suất tiền gửi bằng USD đối với cá nhân cũng đã hạ từ mức 1%/năm trước đó về còn 0,75%/năm (Quyết định 2173/QĐ-NHNN)và đến hiện tại, đối với tiền gửi VND thì NHNN chỉ còn áp trần lãi suất duy nhất đối với nhóm các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, thay vì tất cả các kỳ hạn như trước kia.

Xưa lắm rồi cái thời các nhà băng đua ganh lãi suất, xa lắm rồi cái thời mà những con số cộng thêm dăm, bẩy phần trăm được ghi vào bên cạnh các sổ tiết kiệm để lách trần dưới cái chiêu khuyến mãi, trên tất cả, chính những nhà điều hành ngân hàng là những người “thấm” hơn ai hết “quả đắng” trong cơn mê muội một thời. Thanh khoản toàn hệ thống đang đảm bảo đến độ dư thừa, đầu vào không ngừng tăng song đầu ra vẫn còn cực kỳ hạn chế, và hệ quả là lãi suất huy động đã liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm. Đầu tuần này, ngân hàng Vietcombank tuyên bố hạ thêm lãi suất huy động với kỳ hạn dài. Trước đó, ngay trong tuần đầu tháng 12/2014, hàng loạt ngân hàng như: Techcombank, VIB, ABBank, Sacombank, BacABank, MB... cũng dồn dập giảm lãi suất huy động khoảng 0,1-0,3%/năm ở các kỳ hạn.

Trong những điều kiện mới, “vòng kim cô” trần lãi suất huy động ngày nào bỗng trở nên không còn nhiều ý nghĩa khi mà quan sát trên thị trường, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng ở kỳ hạn dưới 6 tháng đã cơ bản dưới trần quy định mà NHNN đưa ra (5,5%/năm). Có thể kể đến như tại Vietcombank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng ở nhà băng này còn khoảng 4%/năm và mức công bố cho kỳ hạn 6 tháng cũng chỉ là 5,3%.

Trên thị trường đã xuất hiện những quan điểm cho rằng việc áp đặt trần lãi suất là một động thái vừa sai lầm về lập luận, vừa không có hiệu quả, thậm chí có tác hại làm bóp méo sự vận hành của thị trường tiền tệ bởi những nguyên lý thị trường đã bị dẹp bỏ trong sự tồn tại của trần lãi suất.

Bỏ “barie”: Nên hay không?

Về việc nên hay không nên duy trì quy định mức trần lãi suất huy động trên thị trường tín dụng, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Cấn Văn Lực, hàm Phó TGĐ, cố vấn cấp cao của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang hướng đến một nền kinh tế thị trường và cũng đang mong muốn nhiều nước công nhận nền kinh tế thị trường, và trần lãi suất đến thời điểm hiện nay theo quan sát của tôi là còn rất ít tác dụng và thực tế, các ngân hàng hiện cũng ít tham khảo các mức công bố lãi suất đó, đặc biệt là lãi suất đầu vào, bởi vì rất nhiều ngân hàng hiện nay đang tiến hành huy động với mức lãi suất thấp hơn lãi suất trần mà NHNN đã đưa ra”

Đồng thời, theo TS. Cấn Văn Lực, thực tiễn thị trường hiện nay đang có rất nhiều điều kiện phù hợp để có thể “bỏ” được trần lãi suất huy động. Có thể kể đến các yếu tố nổi bật như như: 1/ Diễn biến thị trường tài chính trong suốt thời gian qua là tương đối ổn định và cho thấy nhiều nét tích cực; 2/ Vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể và đặc biệt tín hiệu thị trường của lãi suất đi vay cũng không còn mạnh mẽ như trước đây.

Về phía NHNN, trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc Họp báo thường kỳ tháng 12/2014 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết,việc duy trì trần lãi suất đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng như hiện nay là hợp lý, bởi bên cạnh các ngân hàng lớn, có nguồn vốn dồi dào, huy động với lãi suất thấp hơn trần thì vẫn còn những TCTD huy động lãi suất sát trần cho phép. Trước đó, trần lãi suất huy động đã được dần dỡ bỏ kỳ hạn từ 6 đến trên 12 tháng, nay chỉ áp dụng dưới 6 tháng. Bên cạnh đó, theo bà Hồng, mức trần cũng đã tạo ra sự linh hoạt về lãi suất theo cung cầu vốn trên thị trường.

“Do đó, NHNN tiếp tục duy trì trần lãi suất với lãi suất huy động ngắn hạn như một barie để các ngân hàng có lợi thế quy mô, cạnh tranh huy động thấp hơn. Còn tổ chức nhỏ hơn có thể huy động gần trần cho phép mà vẫn đảm bảo sự linh hoạt trong huy động, cũng như phản ánh đúng quan hệ cung cầu trên thị trường. Việc bỏ trần lãi suất phải cân nhắc trên nhiều yếu tố như: ổn định vĩ mô, an toàn hoạt động ngân hàng và khả năng kiểm soát mọi vấn đề. Khi có đủ điều kiện thuận lợi, NHNN rất muốn bỏ trần lãi suất” – Phó Thống đốc NHNN chia sẻ.