Đà Nẵng với chủ trương đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp
Với chủ trương đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, Đà Nẵng khẳng định sẽ không ngừng tạo dựng và hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đến nay, Đà Nẵng được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và đáng tin cậy.

Đà Nẵng triển khai nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và phát triển vào Thành phố
Những năm qua, bên cạnh chính sách hỗ trợ từ Trung ương, chính quyền TP. Đà Nẵng đang triển khai các chính sách hỗ trợ của địa phương, trong đó có thể kể đến những hoạt động hỗ trợ được chính quyền Thành phố thực hiện như: Hỗ trợ thông tin, xúc tiến mở rộng thị trường, tổ chức kết nối cung cầu, khuyến công, hỗ trợ thuế... Cụ thể, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng; Quyết định số 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thông báo số 167/TB-VPVP ngày 1/5/2023 và Văn bản số 4960/VPCP-KTTH ngày 5/7/2023 về việc tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với ngành lâm sản và thủy sản...
Bên cạnh việc tạo thuận lợi về cơ chế chính sách, TP. Đà Nẵng cũng đẩy mạnh khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động và cung cấp ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp đầu tư tại Khu công nghệ cao. Trong hai năm liền (năm 2024, 2025), Đà Nẵng chọn chủ đề là “Năm Doanh nghiệp”. Những chính sách này đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Đà Nẵng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần vào sự thịnh vượng chung của địa phương.
Doanh nghiệp đầu tư, phát triển đóng góp vào tăng trưởng của Thành phố
Xác định đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội của Thành phố, do đó, Đà Nẵng đẩy mạnh đầu tư và xây dựng nhiều kế hoạch, chính sách tiếp cận các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có nhiều chính sách chiến lược để tạo điểm nhấn với cộng đồng doanh nghiệp FDI xác định lựa chọn đầu tư. Cụ thể, năm 2024, Đà Nẵng ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ số… đồng thời, đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang dịch chuyển sang Việt Nam.
Năm 2024, thu hút đầu tư trong nước đối với các dự án ngoài khu công nghiệp, từ ngày 25/11/2024 đến 25/12/2024, Thành phố thu hút được tổng vốn đầu tư là 1.727,2 tỷ đồng, trong đó, cấp mới 2 dự án (so cùng kỳ 2023 thu hút 71,5 tỷ đồng, trong đó, cấp mới 1 dự án). Trong năm 2024, tính đến 25/12/2024, Thành phố thu hút tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là 71.234,3 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2023 là 44.388,2 tỷ đồng, tăng 60,5%); trong đó, dự án cấp mới Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án với tổng vốn đầu tư là 23.280,2 tỷ đồng; 5 dự án điều chỉnh với vốn tăng thêm là 47.954,1 tỷ đồng.
Đối với các dự án trong các Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, KCNTT tập trung, từ ngày 25/11/2024 đến ngày 25/12/2024, Thành phố cấp mới 2 dự án với vốn đầu tư đăng ký là 2.030,9 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 25/12/2024, Thành phố cấp mới 10 dự án trong nước với vốn đầu tư là 3.191,6 tỷ đồng; điều chỉnh 3 dự án tăng vốn 717,4 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Đà Nẵng tiếp tục thu hút vốn FDI từ các thị trường và đối tác tiềm năng; đồng thời khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện. Hoạt động xúc tiến đầu tư được Thành phố tập trung đẩy mạnh. Tính đến ngày 25/12/2024, Thành phố thu hút được 243,4 triệu USD vốn FDI (cùng kỳ năm 2023 đạt 182,7 triệu USD, tăng 33,2%), trong đó, cấp mới 71 dự án với vốn đăng ký là 233,6 triệu USD; điều chỉnh tăng/giảm vốn 26 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm 7,9 triệu USD; 23 lượt mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị 1,8 triệu USD.

(Tính đến ngày 15/12/2023, so với cùng kỳ năm 2023).
Đến nay, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng có những tăng trưởng tích cực, thể hiện rõ vai trò là một trong những lực lượng chủ lực trong sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Theo Chi cục Thống kê TP. Đà Nẵng, năm 2024, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,51% so với năm 2023. Quy mô nền kinh tế Thành phố theo giá hiện hành ước đạt hơn 151.307 tỉ đồng, mở rộng gần 17.086 tỷ đồng so với năm 2023. Trong đó, một số ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khởi sắc như: Du lịch, sản xuất công nghiệp, công nghệ thông tin. Xét trên phạm vi cả nước, quy mô GRDP của Đà Nẵng năm 2024 tiếp tục duy trì vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố và dẫn đầu các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ.

Đà Nẵng có vị trí địa lý chiến lược, dễ dàng tiếp cận với các thị trường trong khu vực và trên thế giới. Hệ thống cơ sở hạ tầng Đà Nẵng phát triển nhất khu vực miền Trung với sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế, đường cao tốc và các khu công nghiệp... tạo thuận lợi cho Đà Nẵng phát triển kinh tế - xã hội.
Để phát huy các thế mạnh sẵn có, nắm bắt các cơ hội phát triển, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục có những định hướng đẩy mạnh thu hút đầu tư trong đó chú trọng vận động, thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn, vào các lĩnh vực mà Thành phố đang có lợi thế như: Công nghệ thông tin; công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác, điện - điện tử; nghiên cứu và phát triển; dịch vụ logistics, thương mại... Đà Nẵng cam kết tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ sinh thái về bán dẫn.
Ngoài ra, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến xuất khẩu ra nước ngoài; đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng thông qua việc tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp tối đa trong thủ tục hành chính; hỗ trợ các dự án đang hoạt động trên địa bàn Thành phố mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng vốn đầu tư; tăng cường đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn vướng mắc khi đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Thành phố./.