Đề xuất đầu tư sân bay Chu Lai theo phương thức PPP
Sân bay Chu Lai được định hướng quy hoạch, hình thành hệ sinh thái kinh tế và đô thị sân bay. Dự kiến, sân bay Chu Lai được hoàn thành xây dựng trong 2 năm.

Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về công tác lập quy hoạch và phương thức đầu tư Cảng hàng không Chu Lai.
Lý giải phương án Quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến tháng 6/2025 mới được hoàn thiện, Bộ Xây dựng cho biết, do cần cập nhật hiện trạng các công trình quân sự tại khu bay, sân đỗ và khớp nối số liệu phân định ranh giới đất đai tại Cảng hàng không Chu Lai.
Bộ cũng thông tin, vị trí của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng nằm trong khu vực đô thị, việc phát triển gặp nhiều khó khăn.
Bộ Xây dựng đang tổ chức lấy ý kiến các cơ quan liên quan đối với hồ sơ Quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định.
Do đó, Bộ Xây dựng và UBND TP. Đà Nẵng đã thống nhất rà soát lại định hướng quy hoạch và phát triển Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với công suất khoảng 20 triệu hành khách/năm và ưu tiên phát triển Cảng hàng không Chu Lai nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dự kiến, 2 bản quy hoạch 2 sân bay sẽ được hoàn thiện trong tháng 9 tới để trình thẩm định, phê duyệt trong quý IV năm nay.
Về phương thức đầu tư, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư Cảng hàng không Chu Lai theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Trước đó, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam (nay là TP. Đà Nẵng), Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu địa phương khẩn trương, chủ động triển khai thực hiện việc đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai theo thẩm quyền; chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính rà soát, giải quyết dứt điểm việc bàn giao phần diện tích đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương trong tháng 2/2025.
Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương kêu gọi đầu tư khai thác sân bay Chu Lai theo quy hoạch và định hướng hình thành hệ sinh thái kinh tế và đô thị sân bay; phấn đấu hoàn thành các thủ tục đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2025 và hoàn thành việc xây dựng cảng hàng không trong thời gian 2 năm.
Sau đó, Bộ Xây dựng đã có các văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có ý kiến về khả năng bố trí, cân đối nguồn vốn của ACV để đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch phát triển của Cảng hàng không Chu Lai trong giai đoạn đến năm 2030.
Đến tháng 7/2025, ACV đã báo cáo về việc cân đối lập kế hoạch vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình tại Cảng hàng không Chu Lai trong vai trò là doanh nghiệp cảng hàng không, sau khi Quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai được phê duyệt.
Theo Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai do UBND tỉnh Quảng Nam (nay là TP. Đà Nẵng) trình Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) cuối tháng 11/2022, sân bay Chu Lai sẽ được xây dựng đồng bộ 1 đường cất hạ cánh mới kích thước 3.048 x 45 m, hệ thống đường lăn, sân đỗ tàu bay với 32 - 40 vị trí đỗ; nhà ga hành khách đáp ứng công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm; các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và 1 nhà ga hàng hóa công suất khoảng 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư dự kiến khoảng 11.000 tỷ đồng; trong đó đầu tư khu bay khoảng 3.500 tỷ đồng, sân đỗ khoảng 1.000 tỷ đồng, khu hàng không dân dụng khoảng 6.500 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng).