Đặc khu kinh tế: Lối đi nào để tránh thất bại
(Tài chính) Xây dựng đặc khu kinh tế được cho là động lực lớn đối với sự phát triển kinh tế, nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có những đặc khu kinh tế thành công khi hơn một nửa các khu kinh tế trên thế giới có khả năng thất bại.
Trong Hiến pháp mới được Quốc hội thông qua năm 2013 và có hiệu lực từ đầu năm nay, một trong những điểm mới về kinh tế được đề cập đến là cho phép Quốc hội thành lập những khu vực hành chính, kinh tế đặc biệt. Đây là một quy định ngắn gọn trong bản Hiến pháp mới, nhưng lại có một ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế của đất nước trong những năm tới. Điều này có nghĩa Việt Nam có thể thành lập những đặc khu kinh tế nhằm thu hút lượng vốn lớn từ tư nhân, đặc biệt là từ các nhà đầu tư nước ngoài và từ đó tạo sự lan tỏa cho cả nền kinh tế.
Theo kế hoạch hiện tại đang được Chính phủ xây dựng, 3 đặc khu kinh tế sẽ được thành lập tại 3 miền Bắc, Trung và Nam. Đó là các đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Hiện tại, bản dự thảo đề án phát triển 2 đặc khu kinh tế Vân Đồn và Bắc Vân Phong đã được hoàn tất và đợi Chính phủ phê duyệt, còn đề án về đặc khu Phú Quốc sẽ được hoàn tất trong thời gian tới.
“Đặc khu kinh tế sẽ là nơi thử nghiệm thể chế, cơ chế mới trước khi trở thành thể chế, chính sách của cả nước,” ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nói. Theo ông, các đặc khu này được kỳ vọng rất lớn trong việc thu hút các nguồn vốn nước ngoài và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả nước giống như đặc khu Thâm Quyến của Trung Quốc hay đặc khu Jebel Ali ở Dubai.
Đây rõ ràng là một mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam và tất cả chỉ là đang trong giai đoạn học hỏi kinh nghiệm cũng như nghiên cứu và chuẩn bị. Nhưng nếu nhìn rộng ra thế giới, đặc khu kinh tế không phải là một cái gì đó xa lạ. Hiện tại đã có khoảng 3.500 đặc khu kinh tế được xây dựng trên khắp thế giới. Tại Trung Quốc, đặc khu kinh tế đầu tư được xây dựng từ năm 1980, 23 năm trước khi Hiến pháp http://baotainguyenmoitruong.vn/sites/default/files/Phu%20Quoc%20cao.jpg Việt Nam chính thức cho phép thành lập các khu kinh tế, hành chính đặc biệt.
Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có được những đặc khu kinh tế thành công như Thâm Quyến và Jebel Ali. Thực tế cho thấy đặc khu kinh tế có thể tạo ra những tác động rất lớn đối với nền kinh tế, nhưng điều này không phải là dễ.
Theo số liệu tổng hợp của công ty McKinsey, khi so sánh 30 đặc khu kinh tế trên thế giới, có gần một nửa các khu kinh tế có hiệu quả kém hơn so với mặt bằng kinh tế quốc gia.
“Nhiều khu đã sớm thất bại, do đó không thể so sánh được. Ngoài ra, hơn một nửa các khu có khả năng thất bại,” ông Andrew Grant, Giám đốc của McKinsey & Company Singapore, nói.
Nhìn chung các đặc khu kinh tế trên thế giới được xây dựng đều nằm trên những vị trí địa lý thuận lợi để tiếp cận với thị trường quốc tế qua hạ tầng giao thông vận tải. Nếu nhìn về khía cạnh này, cả 3 địa điểm Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều đáp ứng được.
Nhưng yếu tố quan trọng đối với một đặc khu kinh tế lại nằm ở chính sách và thể chế. “Các đặc khu kinh tế sẽ cạnh tranh nhau về luật định, các quy định kinh tế cơ sở với nhiều điều kiện ưu đãi khác nhau và chính sách thu hút nhân tài,” ông Andrew nói.
Đặc khu Jebel Ali là một ví dụ. Ra đời vào năm 1985, Jebel Ali hiện đóng góp tới 25% vào GDP của các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, thu hút 6.400 doanh nghiệp đầu tư và chiếm 20% tổng đầu tư dòng FDI vào quốc gia này. Nguyên nhân thành công của Jebel Ali được cho là nhờ vào vị trí chiến lược sẵn có giữa Dubai với các nước vùng Vịnh, Biển Đỏ, Đông Phi và tiểu lục địa Ấn Độ. Ngoài ra, Jebel Ali còn có hạ tầng cảng biển và sân bay quốc tế hiện đại, biến nơi đây thành điểm trung chuyển hàng hóa lớn trong khu vực.
Nhưng hơn thế nữa là những đề xuất giá trị đối với các nhà đầu tư như không đánh thuế, không yêu cầu phải có đối tác trong nước, cho phép sở hữu nước ngoài và xây dựng sẵn nhà xưởng và văn phòng để giảm đầu tư vào xây dựng. Rõ ràng, đây là những điều kiện quá thông thoáng để thu hút đầu tư vào khu vực này. Và chính điều đó lại là thách thức đối với những quốc gia đi sau như Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới, cho rằng nếu các đặc khu kinh tế ở Việt Nam không đưa ra được những ưu đãi và chính sách cao hơn các đặc khu khác trên thế giới thì sẽ khó thành công được.
Để làm được điều này, ông Parth Shri Tewari, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, cho rằng Chính phủ Việt Nam cần phải mời các nhà đầu tư chiến lược đến và lắng nghe họ muốn gì từ một đặc khu kinh tế ở Việt Nam.
“Tính khả thi của đặc khu phải dựa trên nhu cầu của nhà đầu tư, không phải xuất phát từ ý chí chính trị của Chính phủ,” ông Parth nói.
Cũng theo ông Parth, nếu Chính phủ đưa ra được chính sách khuyến khích nhà đầu tư bỏ tiền ra đầu tư vào hạ tầng thì sự thành công của đặc khu kinh tế sẽ được đảm bảo hơn, vì một điều đơn giản là tiền tư nhân bỏ ra sẽ khiến nhà đầu tư tâm huyết hơn với sự phát triển của đặc khu kinh tế.
“Tại Malaysia có diễn đàn công tư được tổ chức thường xuyên giữa Chính phủ và nhà đầu tư để biết được nhu cầu đầu tư như thế nào cũng như sự phân chia đầu tư giữa công và tư,” ông Parth nói và cho rằng đây là một bài học hay đối với Việt Nam trên con đường xây dựng đặc khu kinh tế.