Đặc khu sẽ là “sân chơi” của các “ông lớn”
Hàng loạt nhà đầu tư đang ồ ạt đề xuất các dự án quy mô lớn vào 3 khu hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc dự kiến sẽ thành lập trong thời gian tới. Với sự hấp dẫn của các đặc khu, “cuộc chơi” của các “ông lớn” đã thực sự bắt đầu.
Ưu tiên nhà đầu tư chiến lược
Trong hai ngày 30/4 và 1/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã tham dự Hội nghị quốc tế về khu tự do, được tổ chức tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, với chủ đề “Khu tự do 10X: Con đường đưa đến thịnh vượng”. Tại sự kiện này, trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các tập đoàn lớn trên thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã giới thiệu mô hình đặc khu của Việt Nam và mời gọi các nhà đầu tư đến đầu tư tại các đặc khu này.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Khi chúng ta chuẩn bị cuộc chơi mới, chúng ta cần biết thế giới người ta đã chơi như thế nào?”. “Cuộc chơi” mà Bộ trưởng đề cập ở đây chính là 3 đặc khu sắp được thành lập ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Và theo như lời khẳng định của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng như của nhiều vị chuyên gia khác, thì “cuộc chơi” đó phải là “cuộc chơi” của những “ông lớn” nước ngoài, bởi chỉ có các tập đoàn hàng đầu thế giới mới có khả năng biến đặc khu trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn ở quy mô toàn cầu.
Câu chuyện thu hút “phượng hoàng” tới Việt Nam làm tổ, hay nói cách khác là thu hút các “ông lớn”, các “nhà đầu tư hạng nhất” đầu tư vào các đặc khu của Việt Nam được nhấn mạnh ngay từ khi bắt đầu xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đó cũng là lý do vì sao trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tiêu chí ưu tiên đối với nhà đầu tư chiến lược là các doanh nghiệp nằm trong Top 500 Fortune thế giới, hay nhà đầu tư phải có dự án đầu tư quy mô tối thiểu 6.000 tỷ đồng, được nhấn mạnh.
Mang theo nhiều kỳ vọng đổi thay cho kinh tế Việt Nam, khi trong quá khứ nhiều đặc khu đã làm nên điều thần diệu cho các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ KH&ĐT, thì việc tạo nên các chính sách có sức hấp dẫn cho các đặc khu là không dễ dàng. Bởi chính sách đó phải được xây dựng nhằm tạo ra một sân chơi mới có nhiều cơ chế, thể chế vượt trội trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng. Đây là điều kiện quan trọng để thu hút được các tập đoàn hàng đầu thế giới, có tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ hiện đại, trình độ quản trị tiên tiến…
Các địa phương đã vào cuộc
Mong chờ Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Quốc hội sớm thông qua, tại các địa phương, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng nhằm dọn đường thu hút các nhà đầu tư vào đặc khu.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mới đây, Quảng Ninh đã chính thức công bố danh mục 5 dự án mà tỉnh này muốn kêu gọi đầu tư vào Vân Đồn, với vốn đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng. Trong số này, có Dự án Khu du lịch sinh thái đảo Phượng Hoàng, quy mô 691 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 5.500 tỷ đồng; Dự án du lịch tại đảo Nất Đất, quy mô 116 ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.150 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch biển Hòn Soi Nhụ, quy mô 120 ha, tổng mức đầu tư 637 tỷ đồng…
Cùng với các dự án đầu tư mới, Quảng Ninh đang tích cực kêu gọi đầu tư vào Dự án Sân bay Vân Đồn và Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng có casino. Đây là hai dự án có ý nghĩa động lực đối với sự phát triển của đặc khu Vân Đồn.
Tại Phú Quốc, để “đón phượng hoàng”, kết cấu hạ tầng đã được đầu tư xây dựng. Cùng với Sân bay Phú Quốc, rất nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, nhất là trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch đã được khởi động. Đến thời điểm này, Phú Quốc đã thu hút được hơn 260 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 380.000 tỷ đồng, tương đương gần 17 tỷ USD.
Với Bắc Vân Phong - địa phương được cho là có bước đi chậm hơn so với Vân Đồn và Phú Quốc, nếu đến cuối năm 2017 còn “trắng” dự án đầu tư, thì sự xuất hiện của nhà đầu tư Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) với mong muốn được đầu tư một chuỗi dự án với quy mô lên tới 50 tỷ USD, đang mở ra nhiều kỳ vọng.
Nỗi lo về chuyện làm sao có được hơn 1,57 triệu tỷ đồng để phát triển các đặc khu đến lúc này có lẽ không phải là quá lớn, nếu nhìn từ động thái nhiều nhà đầu tư muốn dốc vốn vào đây. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao để biến các cơ hội thành hiện thực và làm sao để các đặc khu phải là “sân chơi” của những nhà đầu tư hạng nhất. Và câu trả lời chung, theo nhiều nhà đầu tư, là “phải có thể chế vượt trội”.