Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Khởi đầu cho kỷ nguyên mới
“Những tấm ri-đô ở Đại lễ đường nhân dân đã khép lại, nhưng tương lai Trung Quốc vẫn đang rộng mở phía trước”. Đây là nhận định của Tân Hoa Xã về Đại hội Đảng lần thứ XIX vừa kết thúc - kỳ Đại hội được đánh giá là “điểm khởi đầu lịch sử mới” đối với Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa.
Đưa Trung Quốc "trẻ trung" trở lại
Sáng 25/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Khóa XIX đã tiến hành họp phiên đầu tiên và bầu Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, Tổng Bí thư.
Ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình (64 tuổi) và Thủ tướng Lý Khắc Cường (62 tuổi), các thành viên còn lại trong Thường vụ Bộ Chính trị đều là những gương mặt mới, bao gồm: Lật Chiến Thư (67 tuổi), Triệu Lạc Tế (60 tuổi), Hàn Chính (63 tuổi); Vương Hỗ Ninh (61 tuổi) và Uông Dương (62 tuổi).
Năm nhân vật trong Thường vụ Bộ Chính trị Khóa XVIII sẽ nghỉ hưu là ông Trương Đức Giang (70 tuổi), Du Chính Thanh (72 tuổi), Lưu Vân Sơn (70 tuổi), Vương Kỳ Sơn (69 tuổi) và Trương Cao Lệ (70 tuổi).
Không nằm ngoài dự đoán, Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan giám sát Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc; ông Triệu Lạc Tế được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thay ông Vương Kỳ Sơn, người được coi là cánh tay phải của Chủ tịch Tập Cận Bình trong công cuộc “đả hổ, diệt ruồi” thời gian qua nhưng đã không có tên trong danh sách Ủy viên Trung ương Khóa XIX.
Theo nhận xét của giới chuyên gia, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị mới cho thấy Trung Quốc tập trung vào kinh nghiệm, chuyên môn và tính kế thừa trong Đảng. Năm gương mặt mới đều có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực cũng như chuyên môn, bao gồm quản lý các tỉnh lớn của Trung Quốc, giám sát sự phát triển kinh tế đất nước cũng như các hoạt động trong nội bộ Đảng.
Về phần mình, phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân hôm 25/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Sẽ nỗ lực không mệt mỏi và dốc sức trên hành trình hiện thực hóa đưa Trung Quốc trẻ trung trở lại”. Danh sách nhân sự mới phần nào cho thấy xu hướng trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo Đảng.
Sẵn sàng tìm lại vị thế
Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc được xem có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu “điểm khởi đầu lịch sử mới”, dự đoán sẽ tạo ra tầm ảnh hưởng đối với không chỉ Trung Quốc mà còn cả thế giới trong những thập kỷ tới. Đó là nhận định của ông Rober Lawrence Kuhn, Chủ tịch Quỹ Tài trợ Kuhn và cũng là chuyên gia Mỹ về Trung Quốc.
Bình luận về Báo cáo chính trị được Chủ tịch Tập Cận Bình trình bày tại phiên khai mạc Đại hội, ông Rober Lawrence Kuhn cho biết, điều khiến ông ấn tượng là “quy mô toàn diện” của báo cáo, trong đó không chỉ xây dựng các chính sách phát triển đất nước cho 5 năm tới, mà còn định hình khung chương trình nghị sự cũng như vạch ra chiến lược cho lộ trình 30 năm tới.
Cụ thể, khi tuyên bố chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đang bước vào “thời đại mới”, Chủ tịch Tập Cận Bình đã định hình lộ trình gồm hai giai đoạn: Trung Quốc về cơ bản hiện thực hóa hiện đại hóa XHCN muộn nhất vào năm 2035, và sau đó đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hiện đại hóa XHCN với tầm ảnh hưởng dẫn đầu thế giới vào năm 2050, thời điểm đánh dấu tròn 100 năm thành lập nước Cộng hòa Trung Hoa hiện đại.
Về đối ngoại, Đại hội lần này đã đánh dấu sự thay đổi mang tính bước ngoặt và quan trọng bậc nhất: Trung Quốc từ bỏ chính sách “náu mình chờ thời”. Được cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra từ những năm 1990 nhằm đối phó với những biến động của tình hình quốc tế cũng như Khối XHCN ở Đông Âu, phương châm “lặng lẽ quan sát, bình tĩnh ứng phó, giữ vững trận địa, giấu mình chờ thời, giỏi về phòng thủ, quyết không đi đầu” sau đó đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Chính sách này từng được nhấn mạnh qua tuyên bố của Đặng Tiểu Bình trước Liên Hợp Quốc năm 1974 rằng: “Trung Quốc không phải và sẽ không bao giờ trở thành siêu cường”.
Tuy nhiên, gần 30 năm kể từ lần cuối một nhà lãnh đạo Trung Quốc công khai lên tiếng về chính sách “náu mình chờ thời”, quốc gia này với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất toàn cầu đã lần lượt vượt qua hết thảy các cường quốc để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ về giá trị GDP tuyệt đối. Duy trì tốc độ tăng trưởng hiện nay, Trung Quốc sẽ soán ngôi cường quốc kinh tế số một thế giới của Mỹ vào năm 2030.
Sau giai đoạn dài “náu mình” để tập trung phát triển kinh tế, Trung Quốc giờ đây tin rằng sức mạnh quốc gia với các mũi nhọn kinh tế và quân sự hoàn toàn xứng đáng với vị thế của một cường quốc thế giới. Điều này được chính ông Tập Cận Bình khẳng định trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIX: “Một thời đại mới đang mở ra: Trung Quốc giờ đây đang vươn lên, giàu có và hùng mạnh”. “Vào năm 2050, hai thế kỷ sau Chiến tranh Nha phiến, cuộc chiến từng nhấn chìm đế chế Trung Hoa xưa kia trong khổ đau và tủi hổ, nghèo đói và nhược tiểu, Trung Quốc đã sẵn sàng tìm lại vị thế của mình”.
Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc công khai tuyên bố sẽ trở thành “cường quốc hàng đầu thế giới”, thuật ngữ vốn chỉ dành cho vị trí siêu cường của Mỹ. GS. Joseph Fewsmith, Trường Đại học Boston (Mỹ) cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những cải cách lớn trong hệ thống chính trị và kinh tế để đạt được mục tiêu này vào giữa thế kỷ XXI. Đáng chú ý, trên đường trở thành siêu cường thế giới, Trung Quốc cũng sẽ nâng cấp quân đội và vũ khí để có một quân đội hàng đầu.
Với bản báo cáo chính trị mang đậm tư tưởng và tầm nhìn của Tập Cận Bình, Đại hội XIX đã xác lập dấu mốc quan trọng, bước ngoặt cho đường hướng phát triển tương lai của Trung Quốc. Kể từ nay, Trung Quốc sẽ phát triển dựa trên học thuyết mới: Học thuyết của Tập Cận Bình.