Đảm bảo các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ


Cùng với việc tuân thủ chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam, người làm công tác kiểm toán nội bộ được kỳ vọng sẽ áp dụng và giữ vững các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Thông tư số 8/2021/TT-BTC ngày 25/01/2021 của Bộ Tài chính, có 05 nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp mà người làm công tác kiểm toán nội bộ cần áp dụng, cụ thể:

Một là, tính chính trực

Tính chính trực của người làm công tác kiểm toán nội bộ thiết lập sự tin tưởng và tạo ra cơ sở cho độ tin cậy đối với các xét đoán của họ.

Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải thực hiện các công việc chuyên môn với sự trung thực, tính cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm; tuân thủ các quy định pháp luật và công bố các thông tin cần thiết theo yêu cầu của pháp luật và yêu cầu chuyên môn của kiểm toán nội bộ; không tham gia các hoạt động phi pháp hay tham gia các hoạt động làm tổn hại đến uy tín của nghề nghiệp, uy tín của đơn vị.

Hai là, tính khách quan

Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải đảm bảo khách quan, chính xác, trung thực, công bằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ. Người làm công tác kiểm toán nội bộ thể hiện mức độ cao nhất về tính khách quan chuyên môn trong việc thu thập, đánh giá và trao đổi thông tin về các hoạt động và quy trình được kiểm tra.

Người làm công tác kiểm toán nội bộ đưa ra những đánh giá khách quan về tất cả các tình huống thích hợp và không bị tác động bởi lợi ích cá nhân của chính mình hoặc của những người khác trong việc đưa ra các xét đoán và kết luận của mình.

Ba là, tính bảo mật

Người làm công tác kiểm toán nội bộ tôn trọng các giá trị và quyền sở hữu thông tin được cung cấp và không tiết lộ các thông tin này nếu không được phép của các cấp có thẩm quyền trừ khi việc tiết lộ thông tin thuộc trách nhiệm chuyên môn hoặc theo yêu cầu của luật pháp.

Bốn là, năng lực chuyên môn và tính thận trọng

Người làm công tác kiểm toán nội bộ áp dụng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn trong việc cung cấp các dịch vụ và các hoạt động kiểm toán nội bộ. Đồng thời, hành động một cách thận trọng, phù hợp với các chuẩn mực nghề nghiệp và kỹ thuật được áp dụng.

Năm là, tư cách nghề nghiệp

Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan, tránh bất kỳ hành động nào làm giảm uy tín nghề nghiệp của mình.

Người phụ trách kiểm toán nội bộ ngoài việc đảm bảo các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp nêu trên còn phải có biện pháp theo dõi, đánh giá, quản lý nhằm đảm bảo người làm công tác kiểm toán nội bộ tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ.

Theo các chuyên gia kiểm toán, việc tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp giúp kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán có được các lợi ích thiết thực như: Định hướng về mặt đạo đức làm cơ sở cho các quyết định và hành động; Trở thành cá nhân, đơn vị xuất sắc trong nghề với chuẩn mực cao về đạo đức; Nâng cao hình ảnh, danh tiếng và quan hệ với bên liên quan; Xây dựng sự tín nhiệm trong nghề nghiệp; Giảm thiểu các nguy cơ tiềm tàng cho công ty và tránh phải chịu trách nhiệm/tố tụng pháp lý…