Từ 01/4/2021, áp dụng Chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam
Kiểm toán nội bộ được thực hiện ở những đơn vị có mục đích, quy mô, mức độ phức tạp và cơ cấu khác nhau và do nhân sự ở trong và ngoài đơn vị thực hiện. Việc tuân thủ chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam là thiết yếu trong việc hoàn thành trách nhiệm kiểm toán của người làm công tác kiểm toán nội bộ và của hoạt động kiểm toán nội bộ.
Chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam đã được Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư số 8/2021/TT-BTC ngày 25/01/2021, có hiệu lực từ ngày 1/4/2021. Chuẩn mực nhằm đưa ra một khung quy định để thực hiện và thúc đẩy hoạt động kiểm toán nội bộ tạo ra giá trị gia tăng cho đơn vị. Đồng thời, thiết lập cơ sở để đánh giá hoạt động kiểm toán nội bộ; khích lệ các quy trình và hoạt động đã được cải tiến của đơn vị.
Chuẩn mực là một bộ quy định bắt buộc mang tính nguyên tắc, bao gồm: Quy định cốt lõi về thực hành chuyên môn kiểm toán nội bộ và về đánh giá hiệu quả hoạt động của kiểm toán nội bộ ở cấp độ cá nhân và cấp độ đơn vị; Các diễn giải chuẩn mực nhằm làm rõ các thuật ngữ và khái niệm trong chuẩn mực.
Theo Thông tư số 8/2021/TT-BTC, chuẩn mực kiểm toán nội bộ gồm có hai nhóm chính: nhóm chuẩn mực thuộc tính và nhóm chuẩn mực hoạt động. Trong đó, nhóm chuẩn mực thuộc tính đề cập đến các đặc tính của đơn vị và cá nhân thực hiện công tác kiểm toán nội bộ. Nhóm chuẩn mực hoạt động mô tả bản chất của hoạt động kiểm toán nội bộ và đưa ra các tiêu chí chất lượng để đo lường hoạt động kiểm toán nội bộ. Nhóm chuẩn mực thuộc tính và nhóm chuẩn mực hoạt động được áp dụng đối với tất cả các hoạt động kiểm toán nội bộ.
Căn cứ vào chuẩn mực thuộc tính và chuẩn mực hoạt động, phần hướng dẫn triển khai thực hiện được phát triển thêm bằng việc đưa ra các yêu cầu áp dụng cho hoạt động đảm bảo (Ký hiệu là A) hoặc hoạt động tư vấn (Ký hiệu là C).
Hoạt động đảm bảo là việc người làm công tác kiểm toán nội bộ thực hiện đánh giá các bằng chứng một cách khách quan để đưa ra ý kiến hoặc kết luận liên quan đến một đơn vị, một hoạt động, một chức năng, một quy trình, một hệ thống hay những vấn đề khác. Bản chất và phạm vi của hoạt động đảm bảo được người làm công tác kiểm toán nội bộ xác định.
Thông thường, có ba bên tham gia trong hoạt động đảm bảo gồm:Cá nhân hoặc nhóm người trực tiếp tham gia vào đơn vị, hoạt động, chức năng, quy trình, hệ thống hoặc nội dung khác, được gọi là đối tượng được kiểm toán; Cá nhân hoặc nhóm người thực hiện đánh giá, được gọi là người làm công tác kiểm toán nội bộ; Cá nhân hoặc nhóm người sử dụng kết quả đánh giá, được gọi là người sử dụng.
Hoạt động tư vấn có bản chất là đưa ra ý kiến tư vấn và thường được thực hiện theo yêu cầu cụ thể của cấp có thẩm quyền trong đơn vị. Bản chất và phạm vi của hoạt động tư vấn cần được thỏa thuận rõ. Hoạt động tư vấn thường có hai bên tham gia: Cá nhân hoặc nhóm người cung cấp hoạt động tư vấn - người làm công tác kiểm toán nội bộ; Cá nhân hoặc nhóm người tìm kiếm và nhận hoạt động tư vấn - đối tượng cần tư vấn. Khi thực hiện hoạt động tư vấn, người làm công tác kiểm toán nội bộ nên duy trì tính khách quan và không nên đảm nhận trách nhiệm quản lý đối với hoạt động được tư vấn.
Thông tư số 8/2021/TT-BTC nêu rõ, chuẩn mực được áp dụng cho người làm công tác kiểm toán nội bộ và bộ phận kiểm toán nội bộ. Người làm công tác kiểm toán nội bộ chịu trách nhiệm tuân thủ các chuẩn mực liên quan đến tính khách quan của cá nhân, thành thạo chuyên môn, thận trọng nghề nghiệp và các chuẩn mực liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm công việc của mình. Đối với người phụ trách kiểm toán nội bộ còn có thêm trách nhiệm về việc tổng thể hoạt động kiểm toán tuân thủ theo chuẩn mực kiểm toán nội bộ.
Trường hợp người làm công tác kiểm toán nội bộ hoặc bộ phận kiểm toán nội bộ không thể tuân thủ với những phần nhất định của chuẩn mực do bị cấm bởi pháp luật hoặc quy định thì vẫn cần phải tuân thủ với những phần khác của chuẩn mực và phải có những giải trình phù hợp.
Trong trường hợp chuẩn mực được áp dụng cùng với các yêu cầu khác do các cơ quan thẩm quyền quy định thì báo cáo của kiểm toán nội bộ có thể phải trích dẫn việc sử dụng các yêu cầu đó, khi thích hợp. Trường hợp này, khi bộ phận kiểm toán nội bộ tuân thủ với chuẩn mực và nhận thấy có sự thiếu nhất quán giữa chuẩn mực và những quy định khác thì người làm công tác kiểm toán nội bộ và bộ phận kiểm toán nội bộ phải tuân thủ với quy định của chuẩn mực hoặc phải tuân thủ với các quy định khác tùy thuộc quy định nào có yêu cầu cao hơn.
Cùng với Chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam, Thông tư số 8/2021/TT-BTC cũng quy định các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ gồm: tính chính trực; tính khách quan; tính bảo mật; năng lực chuyên môn và tính thận trọng; tư cách nghề nghiệp.