PV: Xin Bộ trưởng cho biết những công việc ưu tiên trên cương vị mới rất quan trọng - người đứng đầu của ngành Tài chính là gì?

Đảm bảo cân đối ngân sách, tăng cường kỷ luật tài khóa... - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính
Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Định hướng lớn của tôi sẽ là tiếp tục triển khai các chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức thấp hơn, tăng trưởng ở mức cao hơn năm 2012.

Tuy nhiên, việc quan trọng hàng đầu là đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khóa, thực hiện công khai minh bạch để tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước và xã hội.

Thời gian tới, tôi sẽ dành phần lớn thời gian để nắm thật chi tiết thông tin về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN); các giải pháp để chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế góp phần tăng thu NSNN; đồng thời rà soát các giải pháp để giảm chi ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách.

Tôi sẽ ưu tiên nắm bắt tình hình nợ công, nhằm đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia theo quy định của Luật Quản lý nợ công; rà soát lại tiến độ thực hiện cải cách các chính sách thuế, phí, lệ phí và thu NSNN phù hợp để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng, cải thiện đời sống nhân dân, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu nhưng phải đảm bảo cân đối được NSNN.

Tôi cũng sẽ cùng với các đồng chí lãnh đạo Bộ rà soát lại các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác quản lý giá, đặc biệt là giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, các dịch vụ công…

Định hướng chính sách tài khóa từ nay đến cuối năm liệu có thay đổi gì không, thưa Bộ trưởng?

Quan điểm của tôi là từ nay đến cuối năm cần tiếp tục triển khai quyết liệt hơn Nghị quyết số 31/2012/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2013; Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tôi cho rằng chủ trương, định hướng và kể cả các giải pháp đều đã được nêu một cách rất cụ thể trong các Nghị quyết này.

Thời gian qua, mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực thực hiện các Nghị quyết nêu trên nhưng tôi cho rằng còn nhiều nội dung vẫn chậm, chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Khi Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính sẽ triển khai các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng để sớm đưa các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhanh chóng vào cuộc sống.

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, thu ngân sách hiện đang gặp nhiều khó khăn, dự báo khả năng thu ngân sách năm 2013 khó đạt được như dự toán. Bộ trưởng sẽ đề ra những giải pháp nào để hoàn thành mục tiêu cân đối ngân sách năm 2013?

Theo tôi, có 3 nhóm giải pháp chính để phấn đấu thực hiện mục tiêu cân đối ngân sách năm 2013:

Thứ nhất là nhóm giải pháp chống thất thu ngân sách. Cụ thể, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu NSNN; Xử lý nghiêm việc trốn thuế, nợ đọng thuế, kiểm tra chống các hành vi chuyển giá, buôn lậu, tăng cường chế tài thực thi nghiêm pháp luật về thuế.

Thứ hai là tiết kiệm chi. Phải mạnh dạn và kiên quyết cắt bỏ các khoản chi không thực sự cần thiết, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng trong chi tiêu ngân sách. Đương nhiên vẫn nỗ lực để đảm bảo các khoản chi trong trong dự toán được duyệt.

Thứ ba là giải pháp để kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất kinh doanh, tiến tới tạo đà tăng trưởng kinh tế. Việc rà soát tình hình thực hiện các chính sách giãn, hoãn, miễn giảm thuế là rất quan trong trong bối cảnh hiện nay. Từ đó có thể xem xét tỷ lệ động viên phù hợp để nuôi dưỡng nguồn thu, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo cân đối ngân sách.

Tóm lại, dù trong bối cảnh nào thì ngành Tài chính cũng nỗ lực quyết tâm cao nhất để thực hiện với kết quả cao nhất dự toán NSNN năm 2013 đã được Quốc hội phê chuẩn. Đồng thời, cần tiếp tục đề xuất các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Việc tiết kiệm, chống lãng phí có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Bộ trưởng có thể chỉ ra cụ thể cần phải giảm chi ở những khoản nào?

Về giảm chi ngân sách, cần rà soát các nhiệm vụ chi thường xuyên. Ưu tiên chi cho con người (lương và tính chất lương); các khoản chi đảm bảo hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, các khoản chi an sinh xã hội, chi đầu tư các công trình quan trọng.

Triệt để tiết kiệm, không ban hành chính sách, chế độ mới làm tăng chi NSNN. Cắt giảm hoặc lùi thời gian các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, các khoản chi mua sắm trang thiết bị, ô tô. Hạn chế tối đa hội nghị, hội thảo quốc gia, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định… Bộ Tài chính đề nghị tiết giảm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu… Tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã phân bổ cho các nhiệm vụ chi như lễ hội, tiếp khách, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài…

Thực hiện cắt giảm dự toán chi, thu hồi bổ sung nguồn dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối với vốn đầu tư và kinh phí đầu tư đã giao trong dự toán 2013 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đến 30/6 chưa phân bổ hoặc phân bổ không đúng quy định, vốn đầu tư thuộc kế hoạch 2013 đến ngày 30/6 chưa triển khai thực hiện và các khoản vốn, kinh phí đơn vị sử dụng sai quy định.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đảm bảo cân đối ngân sách, tăng cường kỷ luật tài khóa...

TC&ĐT (Tổng hợp)

(Tài chính) Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII, một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận đó là việc ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã vinh dự được Quốc hội tín nhiệm bầu đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Tài chính. Nhận lời chúc mừng của các cơ quan thông tấn báo chí, Tân Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ với các cơ quan báo chí về một số nhiệm vụ và giải pháp điều hành tài chính - ngân sách. Tài chính & Đầu tư trân trọng giới thiệu những nội dung quan trọng của cuộc phỏng vấn này (Tít bài do Tòa soạn đặt).

Xem thêm

Video nổi bật