Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tiếp xúc cử tri tỉnh Điện Biên
Chiều 4/7, tại tỉnh Điện Biên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng – Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã tham dự và trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề cử tri quan tâm.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên tham dự buổi tiếp xúc gồm: Đồng chí Nguyễn Văn Thắng – Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính; bà Tạ Thị Yên – Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Quốc hội; ông Tráng A Tủa – Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Bộ Công an); bà Lò Thị Luyến – Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên và bà Quàng Thị Nguyệt – Đại biểu Quốc hội.
Về phía lãnh đạo Tỉnh, tham dự buổi làm việc có ông Mùa A Sơn – Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách; ông Lê Thành Đô – Chủ tịch UBND Tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo Tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan.
Nhiều kết quả nổi bật tại kỳ họp Quốc hội
Tại Hội nghị, bà Tạ Thị Yên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội báo cáo nhanh kết quả Kỳ họp thứ 9 và nhấn mạnh: Đây là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt, diễn ra ngay sau Hội nghị Trung ương 11, khóa XIII, với tinh thần đổi mới, trách nhiệm và quyết tâm cao.
Theo đó, kéo dài trong 35 ngày, Kỳ họp thứ 9 đã hoàn thành toàn bộ chương trình với nhiều nội dung quan trọng, mang tính chiến lược. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; thông qua 34 Luật và 13 Nghị quyết quy phạm pháp luật; cho ý kiến về 6 Dự án Luật; quyết định sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã; đồng thời, ấn định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI là 15/3/2026 và thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, Quốc hội đã thông qua nhiều quyết sách lớn liên quan đến đầu tư công, chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền, giảm thuế, cải cách hành chính, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Một trong những điểm nổi bật là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nhằm tạo cơ sở hiến định cho việc tinh gọn tổ chức bộ máy. Cụ thể, sửa đổi 5/120 điều của Hiến pháp, trong đó có những nội dung liên quan đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam và cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Quốc hội cũng thống nhất thông qua phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, theo đó, cả nước còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (giảm 29 tỉnh, tương đương 46%) và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã (giảm hơn 6.700 đơn vị, tương đương gần 66,91%).
Để triển khai đồng bộ, Quốc hội đã thông qua 14 Luật và 2 Nghị quyết có liên quan trực tiếp đến mô hình chính quyền hai cấp, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc chuyển đổi, đảm bảo hoạt động thông suốt, ổn định của bộ máy nhà nước và không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.
Bà Tạ Thị Yên cho biết, Quốc hội khóa XV tiếp tục thể hiện quyết tâm cải cách mạnh mẽ thể chế kinh tế với việc thông qua các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết số 197/2025/QH15 về Cơ chế đột phá trong xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết số 198/2025/QH15 về Phát triển kinh tế tư nhân – hai trong bốn trụ cột lớn theo định hướng Nghị quyết Trung ương 6 và 8 khóa XIII.
Ngoài ra, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam – bước đi chiến lược kết nối Việt Nam với mạng lưới tài chính toàn cầu, tạo động lực mới cho thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn.
Một loạt luật mới được thông qua như Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)… đã góp phần hoàn thiện nền tảng pháp lý cho phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.
Đáng chú ý, Quốc hội thông qua nhiều chính sách an sinh xã hội quan trọng như: Nghị quyết miễn học phí cho học sinh phổ thông, trẻ mầm non, hỗ trợ học phí và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi; các luật sửa đổi liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, luật giáo dục, lao động, quảng cáo…
Trong nội dung về tổ chức bộ máy, Quốc hội đã thông qua việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021–2026, đồng thời bầu ông Trần Thanh Mẫn – Chủ tịch Quốc hội – giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. Quốc hội cũng bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc mới.
Ngoài ra, Quốc hội đã quyết nghị một loạt nội dung quan trọng như: Điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách năm 2025 để chi trả chế độ cho cán bộ sau sắp xếp tổ chức bộ máy; Cho phép các địa phương sáp nhập tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù theo nghị quyết cũ; Đồng ý miễn thị thực có thời hạn cho người nước ngoài thuộc diện ưu đãi; Bổ sung hình thức đầu tư PPP cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; Giao Chính phủ hỗ trợ ăn trưa cho học sinh Tiểu học, THCS tại các xã biên giới từ năm học 2025–2026.
Nhiều vấn đề cử tri quan tâm được làm rõ
Tại Hội nghị, nhiều cử tri đã nêu ý kiến, tập trung vào các vấn đề thiết thực như quy hoạch, đầu tư hạ tầng, chính sách đền bù và bố trí vốn đầu tư công trung hạn. Cử tri Cà Văn Lả (Bản Mớ, phường Điện Biên Phủ) phản ánh, người dân chưa đồng thuận với phương án tái định cư tại khu vực mới thuộc dự án đường Thanh niên độc lập, bày tỏ nguyện vọng được bố trí tái định cư tại chỗ nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, ông kiến nghị tỉnh xem xét lại chính sách đền bù sao cho thỏa đáng, nhất là khi phần lớn diện tích ruộng canh tác của người dân đã bị thu hồi.
Cử tri Lê Xuân Cảnh (phường Điện Biên Phủ) đề xuất đầu tư xây dựng 4 hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 40 triệu m³, nhằm phục vụ tưới tiêu cho 30.000 ha cây trồng, đặc biệt là cây mắc ca – một loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai tại địa phương. Tuy nhiên, với tổng mức đầu tư ước tính lên tới 3.000 tỷ đồng, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, ông kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ bố trí nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026–2030.
Cử tri Vũ Hồng Sơn – Giám đốc Sở Công Thương – đề nghị bố trí vốn năm 2025 để hoàn thành dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, đồng thời cam kết sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Phí Sông – Giám đốc Sở Tài chính – cho biết Tỉnh đã hoàn tất việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều chuyển trụ sở cũ của Cục Hải quan và Bảo hiểm Xã hội Tỉnh cho địa phương sử dụng. Ông cũng đề xuất bổ sung 226 tỷ đồng còn thiếu trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021–2025, do phần vốn Trung ương đã giao hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
Phản hồi tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết, dự án Quảng trường Trung tâm hiện mới hoàn thành giai đoạn 1 do thiếu vốn. Dự kiến, trong giai đoạn 2 triển khai vào năm 2026, Tỉnh sẽ giải quyết các vướng mắc liên quan đến 22 hộ dân nằm trong khu vực ảnh hưởng tại đường Nguyễn Chí Thanh. Về kiến nghị liên quan đến bồi thường, ông khẳng định, Tỉnh đã thực hiện đúng quy định, áp dụng mức hỗ trợ tương đương 4 lần giá đất nông nghiệp canh tác hai vụ. Tuy nhiên, nếu người dân còn băn khoăn, chính quyền địa phương sẵn sàng tổ chức đối thoại để làm rõ.
Liên quan đến quy hoạch khu vực Bản Mớ, Chủ tịch UBND Tỉnh Lê Thành Đô cho biết đây là khu vực thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án hạ tầng, và tỉnh đã bố trí tái định cư với diện tích 200m² mỗi hộ. Chính sách bồi thường cũng đã được thực hiện đúng theo quy định pháp luật hiện hành.
Về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Điện Biên đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng ưu tiên trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như mắc ca và cà phê. Việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng tưới tiêu là hết sức cấp thiết, và UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng hồ chứa nhằm bảo đảm phục vụ hiệu quả sản xuất nông nghiệp bền vững trong thời gian tới.