Tỉnh Cà Mau:
Đảm bảo vừa quản lý tốt vừa tuyên truyền hiệu quả phòng, chống khai thác IUU
Nỗ lực trong phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Cà Mau được xem là địa phương đi đầu trong quản lý tàu cá bằng hệ thống giám sát hành trình. Qua đó, giảm thiểu tình trạng tàu cá tỉnh đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài so với cùng kỳ các năm trước.
Với điều kiện tự nhiên lợi thế, ngư trường khai thác lớn, là 1 trong 4 vùng trọng điểm của cả nước, Cà Mau đang giữ vị trí tốp đầu cả nước trong khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy sản.
Nỗ lực trong phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Cà Mau được xem là địa phương đi đầu trong quản lý tàu cá bằng hệ thống giám sát hành trình. Qua đó, giảm thiểu tình trạng tàu cá tỉnh đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài so với cùng kỳ các năm trước.
"Đó là ưu thế lớn mà ngành thủy sản đã có được. Chúng ta cần phát huy công tác giám sát và sự phối hợp của chủ phương tiện, doanh nghiệp, để thủy sản xuất khẩu vẫn là mặt hàng kinh tế mũi nhọn của tỉnh, vừa góp phần nâng cao uy tính hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế", Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hệ thống cảng cá hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu xếp dỡ và chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản từ đội tàu khai thác khoảng 1.500 chiếc, đó là chưa kể tàu các địa phương khác cập cảng dỡ hàng. Trong khi đó, nhiều bến bãi, cảng tư nhân đang thịnh hành trở thành vấn đề khó khăn của công tác quản lý. Việc này, theo Chủ tịch UBND tỉnh, cần phải rà soát kỹ và có nghiên cứu, đề xuất ngành nông nghiệp có chủ trương phù hợp.
Với lượng hàng xếp dỡ tại các cảng Rạch Gốc, Sông Đốc, lãnh đạo, quản lý cảng phải nắm rõ lịch trình mua bán của tàu, đảm bảo công tác tuyên truyền đến chủ tàu về ý thức trong khai thác, mua bán các sản phẩm thủy sản tránh vi phạm các quy định của Uỷ ban châu Âu (EC). "Bởi, không vi phạm, chúng ta sẽ không bị xử phạt và ngành hàng thủy sản sẽ không mất uy tín", Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở.
Theo thống kê, trong 9 tháng năm nay cảng Rạch Gốc chỉ nhận xếp dỡ 405 tàu với hơn 1.000 tấn hàng hóa. 10 ngày của tháng 10 chỉ ghi nhận 14 tàu cập cảng, từ đó doanh thu không là bao so với kinh phí đã đầu tư. Khó khăn này, ngoài vấn đề hạ tầng thì còn nhiều nguyên nhân khác, bởi cảng của tư nhân cách đó không xa, dù hạ tầng không đảm bảo nhưng lượng tàu cập bến lên hàng nhiều hơn.
"Chúng ta phải kiểm soát hành chính đúng quy định, không thể để tình trạng này kéo dài. Về hạ tầng đường kết nối, nếu hoạt động hiệu quả thì có thể tập trung đầu tư để phát huy", Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.
Song song với đảm bảo dịch vụ hậu cần, công tác giám sát, theo dõi hành trình tàu và liên hệ xử lý vi phạm của các lực lượng biên phòng, kiểm ngư cùng Hải quân, Cảnh sát biển là hết sức cần thiết và quan trọng. "Qua ứng dụng công nghệ số, chúng ta đã quản lý tốt như hiện nay. Do đó, công tác phối hợp giữa các lực lượng này càng tăng tính khả thi, bền vững hơn", Chủ tịch UBND tỉnh nêu thuận lợi.
Đã qua, công tác kiểm tra, giám sát theo Luật Thủy sản và các quy định của EC luôn được Cà Mau nghiêm túc thực hiện và đạt hiệu quả cao. Đến nay, việc vi phạm trong khai thác IUU đã cơ bản ở mức tối thiểu.