Đàm phán Brexit được khai thông
Các nhà đàm phán của Chính phủ Anh và Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng cũng nhất trí thỏa thuận trên nguyên tắc về nghĩa vụ tài chính mà Anh phải trả trước khi thoái lui. Việc loại bỏ một trong ba trở ngại lớn nhất trong quá trình đàm phán giữa Anh và EU giúp quá trình đàm phán hậu Brexit hanh thông hơn.
“Chia tay” với giá hơn 50 tỷ euro
Nguồn tin từ cả hai phía xác nhận, thỏa thuận trên nguyên tắc được hai bên nhất trí tại cuộc họp diễn ra ở Brussels, Bỉ cuối tuần trước, sau nhiều cuộc thảo luận cường độ cao, do Trưởng đoàn đàm phán của Anh Oliver Robbins dẫn dắt. Với thỏa thuận này, Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker sẽ họp vào đầu tuần tới, nhằm thống nhất số tiền Anh phải trả để rút khỏi EU.
Tại thời điểm này, mặc dù con số chính thức chưa được hai bên xác nhận, song báo Financial Time đưa tin, Anh sẵn sàng chịu trách nhiệm tài chính lên tới 100 tỷ euro. Tuy nhiên, hầu hết nguồn tin cho hay, Anh sẽ chỉ phải trả một nửa số tiền trên. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cho biết, EU sẽ không công bố toàn bộ số tiền mà Anh phải trả cho “hóa đơn ly hôn”, nhằm tránh gây ra làn sóng dư luận ở Anh phản đối vấn đề này.
Số tiền mà Anh phải trả hết trước khi rời EU bao gồm nghĩa vụ tài chính, khoản nợ và hóa đơn chưa trả trong suốt 44 năm là thành viên EU. Ngoài ra, hai bên còn phải thống nhất giải quyết một số vấn đề phát sinh trong quá trình này, như lương cho cán bộ, nhân viên của EU; mức đóng góp của Anh đối với EU trong những năm tiếp theo, nhất là những dự án đã được tất cả các thành viên EU, trong đó có Anh, nhất trí trước đó và sẽ chỉ được khởi động sau khi Anh ra khỏi khối. Những dự án này gồm dự án khởi nghiệp kinh doanh, xây đường và đường sắt, giáo dục, y tế và nhiều lĩnh vực khác.
Bước tiến cần thiết
Giới quan sát cho rằng, việc hai bên đạt thỏa thuận về “hóa đơn ly hôn” đã giúp dỡ bỏ một trong những trở ngại lớn nhất trong quá trình đàm phán về Brexit. Kể từ khi Anh tuyên bố khởi động quá trình Brexit, EU đã yêu cầu Anh phải thực hiện hết các nghĩa vụ tài chính trước khi rời đi. Anh cũng đã chấp nhận thực hiện một số nghĩa vụ của mình và hứa không để quốc gia khác lâm vào cảnh khó khăn trong ngân sách châu Âu giai đoạn 2014 - 2020, nhưng London và EU không thể thống nhất được con số mà nước này phải trả.
Tháng 9, khi quá trình đàm phán giữa Anh và EU về Brexit được khởi động, Thủ tướng Anh đã đề xuất, sẵn sàng trả khoảng 20 tỷ euro cho việc tất toán các khoản tài chính với EU. Mặc dù EU chưa bao giờ đưa ra số tiền cụ thể yêu cầu Anh phải trả, nhưng nhiều nguồn tin cho hay, con số mà EU đề nghị lên tới 60 tỷ euro.
Trong bối cảnh 17 tháng kể từ khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit và chỉ còn 16 tháng nữa đến thời hạn Anh tự động rời khỏi EU, sức ép đạt được bước tiến trong các cuộc đàm phán về Brexit ngày càng tăng trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa Anh và EU, sẽ diễn ra vào giữa tháng 12. Khi đó, các nhà lãnh đạo EU sẽ quyết định hai bên có đạt đủ tiến bộ trong đàm phán về những vấn đề hệ trọng đầu tiên, để mở các cuộc đàm phán tiếp theo về tương lai thỏa thuận thương mại giữa EU và Anh.
Cả 27 nước thành viên còn lại của EU đều coi việc giải quyết vấn đề tài chính là điều kiện tiên quyết để mở đàm phán về tương lai mối quan hệ giữa hai bên. Ngày 24.11 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã cho Thủ tướng Anh Theresa May thời hạn 10 ngày để chứng tỏ những tiến bộ cần thiết từ phía Anh. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ gặp nhau vào ngày 4.12 tới nhằm đánh giá tiến trình đàm phán.
Giới phân tích cho rằng, việc Anh và EU đạt thỏa thuận về “hóa đơn ly hôn” không quá bất ngờ. Bởi những ngày qua, các nhà lãnh đạo Anh và EU đều phát tín hiệu tích cực về vấn đề này. Mặc dù đặt ra thời hạn chót với Anh để đạt được thỏa thuận tài chính, song ông Tusk cũng tin tưởng hai bên có thể đạt thỏa thuận đầu tiên về các điều kiện cho Brexit vào tháng 12 tới. Trong khi đó, Chính phủ Anh tuần trước cũng bật đèn xanh trả khoảng 40 tỷ euro cho các nghĩa vụ tài chính với EU.
Sau “hóa đơn ly hôn”, Anh và EU có thể tập trung vào giải quyết hai trở ngại lớn còn lại trong quá trình đàm phán Brexit, là vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) trong việc bảo vệ quyền lợi của khoảng 3,2 triệu công dân EU tại Anh sau Brexit, và biên giới giữa xứ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland. Giải quyết hai vấn đề này được dự báo sẽ không hề dễ dàng đối với London.