Đàm phán Mỹ - Trung: Nỗ lực tìm tiếng nói chung?
Đợt đàm phán thương mại đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc hôm 9/1 với nhiều kết quả tích cực cùng những lời bình luận đầy lạc quan của cả 2 bên lẫn giới quan sát. Dù vậy, con đường phía trước vẫn còn lắm chông gai.
Đầu tiên, cuộc đàm phán đã kéo dài đến 3 ngày tại Bắc Kinh thay vì 2 ngày như kế hoạch, cho thấy cả 2 bên đã thật sự nghiêm túc và nỗ lực để tìm tiếng nói chung. Dĩ nhiên chỉ trong thời gian ngắn như trên thì khó có thể giải quyết được hết những khác biệt giữa 2 nước. Do đó, sắp tới sẽ còn cần thêm nhiều cuộc đàm phán để có thể tiến đến một thỏa thuận thương mại toàn diện như kỳ vọng, trước khi đến thời hạn 90 ngày của Tổng thống Trump.
Thứ hai là cuộc đàm phán đã bất ngờ xuất hiện những gương mặt quan trọng - những nhân vật mà ít ai nghĩ sẽ góp mặt trong đợt đàm phán đầu tiên. Trong khi dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Phó đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish - một đồng minh lâu năm của Đại diện thương mại Robert Lighthizer, thì phía Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc - trợ lý kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và là người phụ trách đàm phán của Bắc Kinh đã xuất hiện ngay trong cuộc gặp mặt đầu tiên, dù trước đó truyền thông Trung Quốc cho biết ông sẽ không tham dự cuộc đàm phán mà về mặt chính thức chỉ là ở cấp "thứ trưởng" này. Sự có mặt của ông Lưu cho thấy thiện chí và cam kết của Bắc Kinh về việc đi đến một thỏa thuận với Washington.
Thứ ba là những kết quả sơ bộ đầu tiên cũng được chia sẻ, dù chỉ là những thông tin khá chung chung, gồm việc Trung Quốc đã phê duyệt 5 loại cây trồng biến đổi gen để nhập khẩu mà có thể làm tăng lượng nông sản nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc, bao gồm các giống ngô và đậu tương do DowDuPont phát triển.
Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc cũng đã xích lại gần hơn trong những vấn đề như năng lượng và nông sản, nhưng vẫn còn bất đồng lớn trong những vấn đề lớn hơn. Các cuộc nói chuyện cũng tập trung vào cam kết của Trung Quốc về việc mua một lượng đáng kể sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm năng lượng cũng như nhiều hàng hóa, dịch vụ khác từ Mỹ. Dù vậy, thời gian qua giới chức Mỹ luôn phàn nàn về chuyện Trung Quốc ít khi giữ đúng các cam kết của mình, và đó là một trở ngại.
Thực tế là trong cuộc đàm phán vừa qua, các thông tin được chia sẻ cho thấy 2 bên đã bất đồng trong vấn đề cải cách cấu trúc mà chính quyền của Tổng thống Trump yêu cầu nhằm ngăn chặn việc đánh cắp hoặc ép buộc chuyển giao công nghệ Mỹ và cách thức thực hiện cam kết của Bắc Kinh. Tuy nhiên, quan điểm từ trước đến nay của Trung Quốc là luôn muốn sự nhượng bộ phải đến từ 2 bên, đặc biệt cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc hiện nay cũng khó thay đổi một sớm một chiều theo những yêu cầu từ phía Mỹ.Trước đó trong cuộc gặp thượng đỉnh tháng 12, Trung Quốc cũng đã có một số động thái nhượng bộ Mỹ. Dĩ nhiên việc Trung Quốc mua nhiều hàng hóa từ Mỹ có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng và phần nào làm vừa lòng ông Trump. Nhưng để đáp ứng đầy đủ những yêu cầu từ Washington, thì rõ ràng sẽ cần thêm một đoạn đường dài.
Trung Quốc mua nhiều hàng hóa Mỹ có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng và phần nào làm vừa lòng ông Trump. Nhưng để đáp ứng đầy đủ những yêu cầu từ Washington, buộc Trung Quốc phải thay đổi nhiều chính sách thì rõ ràng sẽ cần thêm một đoạn đường dài.
Dù vậy, điểm tích cực nữa trong đợt đàm phán vừa qua là cả 2 bên đều cho thấy sự lạc quan về lộ trình phía trước, với những lời chia sẻ và bình luận đánh giá cao lẫn nhau. Từ Tổng thống Donald Trump, thứ trưởng Bộ nông nghiệp Mỹ Ted McKinney, cho đến các tuyên bố chính thức từ phía Trung Quốc lẫn văn phòng đại diện thương mại Mỹ đều cho rằng cuộc đàm phán "đã diễn ra tốt đẹp", "có chiều rộng, chiều sâu và đi vào chi tiết", và sẽ tạo đà cho những cuộc đàm phán kế tiếp.
Ngoài ra, hiện nay không chỉ Trung Quốc muốn một thỏa thuận thương mại giữa 2 bên sớm được phê duyệt để tránh bị áp thêm các hàng rào thuế quan trong bối cảnh nền kinh tế đang giảm tốc mạnh, mà ngay cả phía Mỹ dường như cũng đang mong chờ một giải pháp toàn diện cho cả 2 bên.
Một báo cáo trích dẫn các nguồn tin từ Nhà Trắng ngày 9/1 cho biết, tổng thống Donald Trump rất mong muốn thấy một thỏa thuận với Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy thị trường cổ phiếu đi lên.
Cuộc đối thoại kế tiếp có khả năng sẽ diễn ra vào cuối tháng này tại Washington (Mỹ), với đại diện 2 phía có thể là Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.