Cú sốc thặng dư thương mại của Trung Quốc và áp lực giải quyết tranh chấp với Mỹ
Dữ liệu của hải quan Trung Quốc công bố ngày 14/01 cho thấy thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng lên 323,32 tỷ USD trong năm 2018 và được ghi nhận là mức cao nhất kể từ năm 2006. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức thặng dư 275,81 tỷ USD trong năm 2017.
Trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã tăng 11,3% trong năm 2018, còn nhập khẩu từ Mỹ chỉ tăng 0,7%. Thặng dư thương mại lớn của Trung Quốc với Mỹ từ lâu đã là một điểm nhức nhối với Washington, và là trung tâm của cuộc tranh chấp gay gắt giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh các nhà đàm phán Mỹ-Trung đang tìm kiếm một thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc của cuộc chiến thương mại, các số liệu thặng dư thương mại này càng tạo thêm áp lực buộc phải đạt được thỏa thuận trước thời hạn ngày 01/3 khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn để ngỏ khả năng tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Louis Kuijs, chuyên gia kinh tế châu Á của Oxford Economics ở Hồng Kông, cho biết, dữ liệu thương mại sẽ có khả năng làm tăng áp lực buộc Trung Quốc phải đạt được thỏa thuận hoặc ít nhất là tạm ngừng tăng thuế quan của Mỹ. Đồng thời, phía Mỹ dường như cũng chịu nhiều áp lực hơn trong việc giảm căng thẳng trước các tin tức về nền kinh tế và thị trường tài chính so với vài tháng trước.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến sẽ tới Mỹ để đàm phán thêm vào cuối tháng 01/2019, với rất ít tiến triển về các vấn đề khó khăn hơn như tranh chấp về sở hữu trí tuệ hoặc hỗ trợ cho các công ty nhà nước. Cú sốc thặng dư thương mại đến vào thời điểm các nhà hoạch định chính sách đang vật lộn với mức tiêu thụ giảm tốc, lo ngại giảm phát của nhà sản xuất và triển vọng việc làm ngày càng tồi tệ.
Các cổ phiếu giảm ở châu Âu và châu Á, với tương lai vốn chủ sở hữu của Mỹ cũng giảm khi lo ngại về tăng trưởng toàn cầu. Theo phát ngôn viên của Hyundai Merchant Marine Co, hãng vận tải container lớn nhất Hàn Quốc, khối lượng hàng hóa đến Mỹ trong khuôn khổ thương mại xuyên Thái Bình Dương tăng lên cho đến tháng 11/2018. Từ tháng 12/2018 đến nay, khối lượng hàng hóa đã trở lại mức bình thường, cho thấy lô hàng được vận chuyển trước khi tăng thuế đã hoàn tất.
Tuy nhiên, khối lượng hàng hóa dự kiến sẽ tăng trước Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1. Các lô hàng của Trung Quốc đã chịu áp lực của việc nhu cầu chậm lại từ các đối tác thương mại hàng đầu. Sự phục hồi kinh tế của châu Âu đang bị nghi ngờ, Nhật Bản đang phải đối mặt với một năm 2019 khó khăn hơn và Chính phủ Mỹ đã nhìn thấy cảnh báo tăng trưởng sau năm 2018. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, Liên minh châu Âu, Hồng Kông, Nhật Bản và Đài Loan đều giảm so với năm trước. Xuất khẩu của Hàn Quốc - thường được coi là một hồi chuông cho thương mại thế giới - đã giảm trong tháng 12.
Các nhà đàm phán Mỹ - Trung bày tỏ sự lạc quan sau khi các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng thương mại được tổ chức tại Bắc Kinh vào tuần trước, mang lại một số hy vọng tạm thời cho các nhà đầu tư toàn cầu. Một số nhà kinh tế đang đặt cược vào một thỏa thuận lớn sẽ làm tan biến các cuộc đối đầu kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhưng sự bất chắc vẫn còn tồn tại đáng kể xem liệu thực sự có một thỏa thuận sau ngày 01/3 hay không.