Đàm phán Mỹ - Trung: Thỏa thuận thương mại khó có thể "chạm đích"
Huawei có thể là trọng tâm của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vào tuần tới và một thỏa thuận thương mại vẫn còn khá xa vời.
Trung Quốc và Mỹ đã đồng ý quay trở lại bàn đàm phán để chấm dứt căng thẳng thương mại kéo dài một năm sau khi lãnh đạo hai nước đạt được một thỏa thuận tạm thời bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản.
Các nhà đàm phán Mỹ sẽ đến Trung Quốc vào tuần tới để nối lại các cuộc đàm phán đang bị đình trệ. Một nguồn tin Trung Quốc cũng xác nhận, đại diện Washington sẽ quay trở lại Bắc Kinh vào tuần tới để bắt đầu một cuộc đàm phán.
Huawei là trọng tâm đàm phán?
Ngay sau cuộc gặp tại G20, Tổng thống Trump tuyên bố, ‘‘gã khổng lồ’’ công nghệ Huawei của Trung Quốc có thể tiếp tục mua các sản phẩm của Mỹ. Đây có thể là một giải pháp tạm thời mà ông Trump muốn nhắm đến để đưa Trung Quốc trở lại bàn đàm phán. Thực tế, Huawei vẫn còn ở trong ‘‘danh sách đen’’ và vấn đề của Huawei sẽ vẫn phải ‘‘đặt lên bàn cân’’ trong cuộc đàm phán vào tuần tới giữa hai nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, Huawei có thể sẽ là trọng tâm của cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc và sẽ có nhiều cách để chính phủ Mỹ xử lý lệnh cấm với Huawei.
Một nguồn tin từ Mỹ cho biết, Nhà Trắng có thể sẽ đưa ra thông báo trong vài ngày tới về những điều kiện của các công ty Mỹ khi tiếp tục cung cấp linh kiện cho Huawei. Đổi lại, Trung Quốc sẽ cam kết mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Thông báo của Trump về Huawei sau cuộc gặp tại G20 đã khiến nhiều quan chức Mỹ bất ngờ. Chính quyền nước này hiện đang cố gắng tìm ra cách để thực hiện quyết định.
Một số thượng nghị sĩ Mỹ chỉ trích tuyên bố của ông Trump là sai lầm. Tuy nhiên, Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng cho biết, chỉ những con chip tiêu dùng công nghệ thấp của Mỹ mới được bán cho Huawei.
Đừng vội mừng trước thỏa thuận ‘đình chiến’ thương mại Mỹ - Trung TGVN. Các chuyên gia kinh tế nhận định, thế giới nên thỏa thuận với thông báo ''đình chiến'' của Mỹ và Trung Quốc. |
Theo đó, chính quyền Mỹ vẫn đang tranh luận về cách giảm bớt các hạn chế đối với Huawei. ‘‘Tuy nhiên, ngay cả khi hai bên có thể đưa ra giải pháp, họ vẫn sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là tìm cách thu hẹp những khác biệt của họ để đưa ra một thỏa thuận cuối cùng’’, một quan chức giấu tên của Mỹ nói.
Thỏa thuận thương mại khó ‘‘chạm đích’’
Một trong số các vấn đề cần giải quyết trong căng thẳng giữa hai nước là Trung Quốc sẽ đại tu các doanh nghiệp nhà nước và chính sách công nghiệp của mình như thế nào để tạo ra một ‘‘sân chơi bình đẳng’’ cho các công ty Mỹ. Bên cạnh đó, những yêu cầu về thuế quan của Trung Quốc và những tranh cãi liên quan đến thương mại, công nghệ là những điều có thể khiến thỏa thuận thương mại khó ‘‘chạm đích’’.
Trước đó, Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết, một thỏa thuận thương mại chỉ có thể được ký nếu Mỹ hủy bỏ tất cả các mức thuế quan về hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Động thái này yêu cầu Chính quyền Tổng thống Trump phải đưa ra quyết định xóa bỏ một số khoản thuế vẫn được giữ nguyên ở hiện tại để đảm bảo Bắc Kinh tôn trọng thỏa thuận. Tuy nhiên, Mỹ đã lập luận rằng những mức thuế này chỉ nên được dỡ bỏ khi Trung Quốc đạt được tiến bộ về những mục tiêu mà cả hai bên đã thống nhất.
‘‘Tiếp theo, nếu cả hai bên đạt được thỏa thuận tại cuộc đàm phán vào tuần tới, thuế quan đã được áp dụng phải được loại bỏ hoàn toàn. Trung Quốc cần phải rõ ràng và nhất quán về vấn đề này’’, ông Gao Feng nói.
Ngược lại nếu các nhà đàm phán không thể giải quyết các vấn đề, cuộc đàm phán có thể phá vỡ ngay lập tức. Washington sẽ tiến hành áp dụng mức thuế mới đối với 300 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc, một nguồn tin khác cảnh báo.
Đặc biệt, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung lại không chỉ gặp khó khăn về thương mại. Phía Mỹ thường đưa ra nhiều vấn đề gây tranh cãi liên quan tới các chính sách công nghệ của Trung Quốc. Điều này khiến cuộc đàm phán thêm bế tắc và khó có thể cùng giải quyết một cách nhanh chóng.
Một nguồn tin thân cận với Chính phủ Trung Quốc cho biết, bất chấp những khó khăn, Trung Quốc vẫn lạc quan rằng, sẽ đạt được thỏa thuận. Thỏa thuận có thể sẽ đạt được trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống của Tổng thống Trump, mặc dù quá trình đàm phán sẽ ‘‘rất đau đớn’’.
Tuy vậy, một chuyên gia từ Ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ) khẳng định, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc "ít khả năng sớm kết thúc" ngay sau cuộc đàm phán vào tuần tới. Căng thẳng thương mại vẫn sẽ tiếp tục và là vấn đề nóng của năm tới.