Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Kết thúc khá lạc quan nhưng chưa công bố kết quả
Kéo dài thêm 1 ngày so với dự kiến, đàm phán thương mại Mỹ - Trung diễn ra tại Bắc Kinh đã kết thúc khá lạc quan, song kết quả chi tiết chưa được công bố.
Vòng đàm phán vừa qua là cuộc gặp gỡ đối thoại đầu tiên về chiến tranh thương mại giữa quan chức hai nước, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thỏa thuận “ngừng bắn” trong 90 ngày, sự kiện đã làm thị trường tài chính toàn cầu phấn khởi hồi đầu tháng 12 .
Theo kế hoạch, vòng đàm phán diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/1, nhưng sau đó đã được kéo dài thêm một ngày. Khi được hỏi, đây có phải là dấu hiệu đàm phán đang gặp khó khăn hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Lu Kang - đã cho biết: “Tôi chỉ có thể nói rằng việc kéo dài đối thoại cho thấy hai bên thực sự rất nghiêm túc trong việc đàm phán”.
Chiều 9/1, ông Ted McKinney - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp phụ trách Thương mại và Ngoại thương Hoa Kỳ, một thành viên thuộc phái đoàn đến Bắc Kinh, cho biết các quan chức Mỹ đã trải qua “vài ngày tốt đẹp” trong chuyến đi này. Trả lời truyền thông, ông McKinney nói: “Tôi nghĩ rằng vòng đàm phán đã diễn khá ổn. Đối với chúng tôi, đây là một cuộc đàm phán tốt”.
Dù vậy, giới thạo tin tiết lộ với hãng Reuters hôm thứ Ba rằng, cả hai bên vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung về những cải cách cơ cấu của Trung Quốc do chính quyền Trump yêu cầu, nhằm chấm dứt các hoạt động mà Washington cáo buộc Bắc Kinh là đánh cắp tài sản trí tuệ và cưỡng ép chuyển giao công nghệ, cũng như làm thế nào Trung Quốc giữ đúng lời hứa trong các vấn đề này.
Nếu cả hai không đi đến thỏa thuận trước ngày 2/3, ông Trump tuyên bố sẽ nâng mức thuế từ 10% ở thời điểm hiện tại lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang giảm tốc mạnh. Dĩ nhiên, Bắc Kinh cũng sẽ đáp trả bằng những biện pháp tương xứng.
Tuy nhiên, khi ngày đàm phán thứ hai kết thúc, ông Trump đã đăng trên Twitter: “Đối thoại với Trung Quốc đang diễn ra rất tốt!”.
Một tín hiệu khả quan khác là Phó thủ tướng Trung Quốc Liu He, một cố vấn kinh tế cấp cao của ông Tập, cũng đã ghé thăm phòng đàm phán vào hôm thứ Hai để chào các quan chức Mỹ.
Tờ Trung Hoa Nhật báo cho biết, Bắc Kinh mong muốn chấm dứt xung đột thương mại với Mỹ, nhưng sẽ không đưa ra bất kỳ “sự nhượng bộ vô lý” nào. Và, bất kỳ thỏa thuận nào cũng đều phải có sự thỏa hiệp từ cả hai phía. Trong một bài viết, tờ báo này nhấn mạnh lập trường vững vàng của Bắc Kinh, đó là xung đột thương mại gây thiệt hại cho cả hai quốc gia, và làm gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như trật tự thương mại quốc tế.
Trong một động thái bày tỏ thiện chí, Trung Quốc đã phê duyệt đơn xin cấp phép nhập khẩu 5 sản phẩm biến đổi gen từ Mỹ vào ngày 8/1. Việc cấp phép vốn đã được mong chờ từ lâu này có thể đẩy mạnh quá trình Trung Quốc nhập ngũ cốc từ Hoa Kỳ, giúp các nông dân Mỹ biết nên trồng loại nông sản nào trong vụ tới. Trước đó, vào hôm thứ Hai, Trung Quốc cũng mua thêm một lô đậu tương lớn của Mỹ, đánh dấu đợt mua thứ ba trong vòng một tháng trở lại đây.
Sau vòng đàm phán, giá cổ phiếu châu Á đã bật tăng. Thị trường châu Âu và Hoa Kỳ dự kiến sẽ trải qua tình huống tương tự, khi vòng đàm phán kéo dài dấy lên sự lạc quan về một thỏa thuận chấm dứt thương chiến sẽ góp phần xoa dịu những nỗi lo về tác động của xung đột thương mại đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Được biết, sáng 10/1, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ra tuyên bố về vòng đàm phán thương mại cấp Thứ trưởng giữa Trung Quốc và Mỹ. Thế nhưng, tuyên bố này không đưa ra bất cứ chi tiết nào về kết quả đạt được tại cuộc đàm phán. Dẫu vậy, nhìn chung, dư luận Trung Quốc cho rằng, vòng đàm phán thương mại này đã có những tiến triển tích cực.