Dân buôn tiền ảo trắng tay vì "đại gia" Liberty Reserve

Theo VnExpress.net

Sau thông tin website Liberty Reserve bị cơ quan an ninh Mỹ "sờ gáy" vì tội rửa tiền, hàng triệu người dùng trên thế giới cũng như tại Việt Nam hoang mang trước số tài khoản còn trong hệ thống. Các giao dịch cũng ngưng hoàn toàn.

 Dân buôn tiền ảo trắng tay vì "đại gia" Liberty Reserve
Các giao dịch đen thường được thực hiện tại LR. Nguồn: Internet

Trên các diễn đàn chia sẻ về cách kiếm tiền online, nhiều thành viên cho biết họ bị kẹt hàng trăm LR (đơn vị tiền ảo của Liberty Reserve, có giá trị tương đương một USD), thậm chí vài nghìn hay chục nghìn LR trong tài khoản mà không có cách nào thu hồi được. Trang chủ của công ty Liberty Reserve đã bị chặn, số liên hệ trên website cũng không thể gọi được.

Thành viên josthanhxuan trên một diễn đàn tiếc nuối: "1.000 USD ra đi không lời từ biệt", trong khi đó nickname tara94221 cũng than thở vì mất số tiền cả tháng trời làm việc. Một người dùng khác cho hay anh mất vài nghìn LR (hay USD) nhưng không có hy vọng lấy lại sau khi biết thông tin về sự cố của công ty.

Không chỉ thiệt hại khi số tiền trong tài khoản chưa kịp chuyển đổi từ LR sang VND, những người kiếm tiền trực tuyến không biết xoay sở ra sao khi các trang web lâu nay vẫn trả tiền công cho họ đột ngột thông báo đóng cửa hoặc từ chối chi trả. Quản trị của những website này gửi email đến với các thành viên trình bày về sự cố "ngoài ý muốn, đồng thời mong nhận được sự thông cảm và chia sẻ từ người dùng". Nhiều người cho rằng đây thực chất là hành động "mượn gió bẻ măng" của những đơn vị trên nhằm tránh phải chi khoản tiền lớn để bù đắp cho người dùng.

Liberty Reserve (LR), cùng với các phương thức thanh toán trực tuyến khác đang hoạt động như Webmoney (WMZ và WME), Perfect Money (PM), PayPal (PP), AlertPay (AP), Bitcoin (BTC)... được sử dụng như đồng tiền trả cho những người làm việc online. Trong đó LR, WMZ, PP và PM khá phổ biến do có giá trị tương đương với tiền thật và thanh toán dễ dàng, được nhiều website mua bán trực tuyến nước ngoài và một số địa chỉ online ở Việt Nam chấp nhận và hỗ trợ. Đặc biệt là LR, nhờ ưu điểm không yêu cầu thông tin thật của tài khoản, ước tính chiếm khoảng 35% - 40% lượng giao dịch tiền ảo.

Một người chuyên kiếm tiền trên mạng online chia sẻ, LR không được công nhận là tiền nhưng nó lại "có giá trị như tiền" và số người có nhu cầu giao dịch rất đông nên dù không xin được giấy phép kinh doanh, các Exchanger (đối tác nhận đổi tiền) vẫn mọc lên như nấm. "Những người không sử dụng LR có thể coi các Exchanger là những người làm ăn phi pháp nhưng những người thường xuyên sử dụng LR lại coi họ là phao cứu sinh", người này nói.

Người kiếm tiền online (MMO) có nhiều lựa chọn công việc để được nhận LR như click vào quảng cáo, chơi forex hoặc tải dữ liệu lên mạng thông qua một trang chia sẻ, đợi người khác tải về để hưởng hoa hồng từ số lượt download... Số tiền sẽ được thanh toán vào tài khoản người chơi theo chu kỳ nhất định. Sau khi nhận tiền, chủ số LR sẽ bán lại cho người mua (exchanger) để đổi từ đồng tiền ảo sang tiền thật VND thông qua tài khoản tại ngân hàng ở Việt Nam.

Ví dụ, một người chơi có 1.000 LR cần bán, sau khi thỏa thuận tỷ giá với exchanger (thường ngang bằng hoặc thấp hơn không đáng kể so với giá USD trên thị trường hiện tại), người có LR sẽ chuyển số tiền ảo sang tài khoản Liberty Reserve của người mua. Tiếp đó exchanger sẽ dùng tài khoản tiền Việt của mình trả đúng mức đã thỏa thuận trước đó cho người bán vào tài khoản ngân hàng đã cung cấp (ở đây là hơn 20 triệu đồng). Còn số tiền đã mua, exchanger sẽ làm gì thì chỉ họ mới biết.

Giao dịch phát sinh liên quan đến ngân hàng tại Việt Nam trong mua bán giữa hai bên, nhưng thực tế quá trình chuyển tiền giữa các tài khoản LR (bán) sang LR (mua) và VND (mua) sang VND (bán) không có ràng buộc pháp lý với nhau, ngoại trừ thỏa thuận miệng giữa hai bên mua bán kể trên. Do đó, có thể nói nhà băng tại Việt Nam không tham gia trong chuyện mua bán LR, tên các đơn vị xuất hiện trên những website giao dịch loại tiền ảo này chỉ để giao dịch thuận tiện hơn.

Ngoài lựa chọn chuyển số tiền ảo sang tiền thật VND để sử dụng, người chơi cũng có thể dùng LR để giao dịch tại một số địa chỉ trực tuyến ở Việt Nam. Hiện có khá nhiều trang web cho mua thẻ điện thoại, thẻ game, phần mềm hoặc một số món đồ bằng loại tiền này. Tuy nhiên, đây đều là các website do exchanger lập ra để tiện giao dịch chứ không phải đại diện ủy quyền của Liberty Reserve ở Việt Nam.

Anh Nguyễn Trọng, một người thường dùng các dịch vụ thanh toán trực tuyến cả trong và ngoài nước nhận xét: "LR là một mạng giao dịch tiện lợi, nhanh chóng, đặc biệt là người mua và người bán không hề biết nhau. Cũng chính vì vậy mà các giao dịch đen thường được thực hiện tại đây". Anh cho biết thêm, LR được sử dụng khá nhiều để mua các tài khoản tín dụng bị ăn cắp ở nước ngoài.

Hiện tại, nhiều website mua bán LR có tiếng đã bị đóng cửa, mọi giao dịch bị ngưng trệ. Các exchanger cũng thông báo ngừng thu mua loại tiền này và không cho biết về khả năng tiếp tục trong tương lai. Trước đó, ngày 26/5, trên website của Auto Exchanger, ban quản trị thông báo sẽ mua lại tất cả LR của người dùng. Tuy nhiên, đến sáng 30/5 thì trang web đã bị khóa và không thể truy cập được.

Với quy mô chiếm 40% thị trường MMO, người chơi nhận định scandal này sẽ làm đóng băng lĩnh vực trong khoảng 2 hoặc 3 tháng. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm tốt để các loại tiền khác như WMZ/WME, PP, AP, BTC... vươn lên.

Trao đổi với VnExpress, Luật sư Kiều Đại Bằng cho biết, nếu những trang website làm đối tác chuyển đổi tiền ảo LR này không được cấp phép thì họ đã hoạt động sai luật. Trong trường hợp, cơ quan chức năng điều tra ra các giao dịch chuyển đổi tiền thì không những bị truy hoàn số tiền trên cho Nhà nước mà còn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.