Dân số già hóa quá nhanh: Tin xấu với kinh tế toàn cầu
(Tài chính) Dân số toàn cầu đang già hóa với tốc độ đáng sợ và đây thật sự là một tin xấu đối với nền kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo của Moody’s Investor Service, vào năm 2020, 13 quốc gia trên thế giới rơi vào tình trạng già hóa với 20% dân số có độ tuổi trên 65.
Số quốc gia đối mặt với tình trạng này sẽ tăng lên 34 quốc gia vào năm 2030. Hiện tại, chỉ có 3 quốc gia rời vào tình trạng dân số già hóa này đó là Đức, Ý và Nhật Bản.
Tác giả của báo cáo đã đưa ra cảnh báo rằng, tốc độ già hóa dân số quá nhanh sẽ có tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế trong vòng 2 thập kỷ tới. Tác giả báo cáo cho biết theo ước tính của Conference Board, già hóa quá nhanh sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm 1% trong vòng 1 thập kỷ tới.
Theo Moody’s, Hy Lạp và Phần Lan sẽ chuyển sang dân số siêu già vào năm tới. Pháp và Thụy Điển cùng với 6 quốc gia khác cũng sẽ rơi vào tình trạng này đến năm 2020.
Vấn đề dân số già hóa không chỉ giới hạn ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Singapore và Hàn Quốc cũng sẽ trở thành một trong những quốc gia có dân số "siêu" già vào năm 2030 và Trung Quốc cũng sẽ đối mặt với áp lực già hóa dân số nặng nề.
Dân số già hóa gây ra nhiều vấn đề đối với nền kinh tế bởi lực lượng lao động sụt giảm, trong khi đó gánh nặng trợ cấp cho những người đã về hưu lại tăng cao.
Báo cáo này chỉ ra rằng xu hướng già hóa dân số này sẽ dẫn đến sự suy giảm tiết kiệm của người dân và kết cục là giảm đầu tư toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách có thể hạn chế tối đa tác động này bằng cách thúc đẩy quá trình nhập cư để gia tăng lực lượng lao động và đầu tư vào công nghệ để tăng năng suất. Ngoài ra, các chính sách khác có thể được áp dụng như nâng tuổi nghỉ hưu.