Đằng sau nguy cơ đóng cửa Chính phủ Mỹ

Theo Trương Khắc Trà/diendandoanhnghiep.vn

Nói đến tiền đều có bàn tay của Fed, nợ càng nhiều tức là quyền hành của Fed ngày càng lớn trong chính trường Mỹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hệ thống chính trị Mỹ có vô vàn điều hay nhưng cũng để ngỏ vô số chuyện, điều gì cũng có thể xảy ra, một trong số đó là khi Chính phủ… hết tiền, buộc dừng mọi hoạt động.

Lần này, ngân sách Chính phủ Liên bang sẽ cạn vào ngày 30/9, nếu không được bổ sung, hàng nghìn nhân viên sẽ tùy nghi di tản vì có đi làm cũng không có lương, và vô vàn khoản phải chi như trà lá nước non, giấy tờ, công vụ, đi lại, ăn uống, tiếp khách,… tạm hoãn cho đến khi tiền về.

Tuần trước, dự thảo ngân sách cấp tiền cho Chính phủ hoạt động đến hết năm 2021 và ấn định mức trần nợ công 28,4 nghìn tỷ USD được thông qua tại Hạ viện - cơ quan do đảng Dân chủ nắm đa số ghế.

Khi đệ trình lên Thượng viện, dự thảo trên bị bác bỏ, lý do phe đối lập không chấp nhận mức nợ công quá cao.

Dưới nhiệm kỳ ông D. Trump, phía Cộng hòa từng bị cắt nguồn do phe Dân chủ cảm thấy không hài lòng về những khoản chi quá tay. Kết quả, ông Trump buộc phải cho Chính phủ “nghỉ ngơi” hơn 1 tháng, một số bữa tiệc nhỏ, tiếp khách, ăn uống tại Nhà trắng đều do Tổng thống móc hầu bao tài trợ.

Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, đảng Dân chủ từng bị phe đối lập ép buộc Chính phủ ngồi chơi xơi nước 21 ngày vì lý do tương tự. Có thể nói, ngân sách Chính phủ giống như một trò chơi để hai đảng lớn nhất Mỹ làm khó nhau.

Lần này, việc bác bỏ trần nợ công là đòn hiểm nhằm vào ông J. Biden, để được đạt được thỏa thuận, mức trần nợ công phải giảm xuống, nghĩa là Nhà trắng phải cắt giảm chi tiêu, đình trệ một số chương trình trọng điểm như an sinh xã hội, xây dựng hạ tầng trong và ngoài nước.

Hậu quả, nếu từ bỏ các chương trình này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Tổng thống, thậm chí khiến cho quan điểm chính trị, đường lối điều hành đất nước của đảng Dân chủ bị lệch pha.

Câu chuyện lớn hơn là mức nợ công của Mỹ ngày một tăng, nguy cơ vỡ nợ là hiện hữu. Nợ Chính phủ Mỹ đã đạt tới giới hạn này vào tháng 7 vừa qua, buộc Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen phải sử dụng “các biện pháp đặc biệt” để ngăn nguy cơ vỡ nợ.

Với đống nợ khổng lồ, mọi biện pháp chạy chữa đều gây “tác dụng phụ”, Chính phủ có thể vay tiền bằng cách phát hành trái phiếu, thực chất là “cầm cố uy tín” để huy động tiền.

In thêm tiền là cách thường thấy, song tại Mỹ Fed mới có quyền hành đặc biệt này, bất kỳ Tổng thống nào muốn soán ngôi tổ chức tài chính bí hiểm và hùng mạnh này đều nhận cái kết bi thảm.

Tăng thuế - một phương án chính trị đặc sắc của đảng Dân chủ và ông J. Biden, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bóng ma COVID-19 hoành hành đã ngăn cản tính toán của Nhà trắng.

Bất luận thế nào, nếu nói đến tiền đều có bàn tay của Fed, nợ càng nhiều tức là quyền hành của Fed ngày càng lớn trong chính trường Mỹ.