Ông Phạm Vũ Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước:
Đánh giá mức độ uy tín nhà thầu trong đấu thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia (*)
Để bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và đặc biệt là tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, căn cứ quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và thực tế tình hình đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia trong các năm qua, tại hồ sơ mời thầu mua gạo năm 2021, các cục dự trữ nhà nước khu vực đã quy định về chấm điểm “uy tín nhà thầu” trong bảng chấm điểm kỹ thuật để đánh giá mức độ uy tín nhà thầu.
Việc chấm điểm uy tín nhà thầu trên cơ sở thống kê danh sách uy tín nhà thầu trong việc cung cấp hàng dự trữ quốc gia trong thời gian 5 năm (từ năm 2016 đến năm 2020) được đánh giá bằng phương pháp chấm điểm (thang điểm cụ thể cho từng tiêu chí) theo các tiêu chí, các nhóm như sau:
- Nhà thầu hoặc nhà thầu liên danh trúng thầu, ký kết hợp đồng, thực hiện các điều khoản của hợp đồng theo đúng quy định.
- Nhà thầu hoặc nhà thầu liên danh đã ký hợp đồng nhưng không thực hiện một phần hoặc không thực hiện theo đúng tiến độ (giao hàng chậm) hoặc giao hàng từ một lần trở lên không đảm bảo chất lượng khiến các đơn vị từ chối nhập hàng.
- Nhà thầu hoặc nhà thầu liên danh trúng thầu nhưng không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng.
Theo các nhóm này thì nhà thầu uy tín cao hơn sẽ được chấm điểm cao hơn. Cụ thể như tôi nói thì nhóm thứ nhất chắc chắn có điểm cao hơn hai nhóm sau. Ở đây xin lưu ý là điểm uy tín chỉ là một trong nhiều tiêu chí khi đánh giá lựa chọn nhà thầu. Trên thực tế cũng không phải là điều gì quá mới, có mới chỉ là mới đối với ngành Dự trữ chúng tôi để xử lý các bất cập trong hoạt động đấu thầu mua hàng dự trữ quốc gia.
Theo đó, hàng năm Tổng cục Dư trữ Nhà nước sẽ cập nhật, bổ sung danh sách uy tín các nhà thầu theo các nhóm nêu trên; đây là cơ sở dữ liệu quan trọng sẽ thường xuyên được cập nhật để theo dõi, đánh giá, xếp hạng uy tín của từng nhà thầu theo mức độ tuân thủ quy định về đấu thầu và thực hiện các hợp đồng đã ký, làm cơ sở đưa vào tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu về kỹ thuật theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP trong các hồ sơ mời thầu mua gạo dự trữ quốc gia các đợt đấu thầu tiếp theo.
Các nhà thầu có lịch sử chấp hành tốt sẽ có điểm uy tín cao khi tham dự thầu các gói thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Các nhà thầu có lịch sử chấp hành không tốt, như từ chối ký hợp đồng khi đã trúng thầu hoặc có lịch sử không tuân thủ đúng quy định của hợp đồng (về thời gian giao hàng, về chất lượng, số lượng hàng,…), tùy theo mức độ sẽ bị đánh giá, xếp hạng uy tín thấp hơn, đó là lẽ đương nhiên.
(*) Trích lược theo bài "Chấm điểm uy tín nhà thầu trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia: Đảm bảo công bằng, tăng tính cạnh tranh" - Thanh Thủy/thoibaotaichinhvietnam.vn. Tựa đề do Tapchitaichinh.vn đặt.