Đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam đã ký Quyết định số 2297/QĐ-TCT phê duyệt đề án "Đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế".

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2015 trở thành một trong năm nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á về mức độ thuận lợi về thuế, 70% số người nộp thuế hài lòng với dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp; đến năm 2020 trở thành một trong bốn nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á về mức độ thuận lợi về thuế, 80% số người nộp thuế hài lòng với dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp. Sự hài lòng của người nộp thuế đã trở thành thước đo đánh giá chất lượng hiệu quả công tác quản lý thuế.

Đề án “Đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế” nhằm đánh giá mức độ hài lòng về chính sách thuế, mức độ hài lòng về thủ tục hành chính thuế, mức độ hài lòng về thái độ phục vụ của công chức thuế… để từ đó có những giải pháp, đề xuất phù hợp tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế cũng như đảm bảo hiệu quả công tác quản lý thuế. Mục tiêu đến hết năm 2015 rút ngắn thời gian các DN phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế, đạt mức trung bình của nhóm ASEAN-6, đến 2020 đạt mục tiêu là một trong bốn nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á về mức độ thuận lợi về thuế.
Đến hết năm 2015 rút ngắn thời gian các DN phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế, đạt mức trung bình của nhóm ASEAN-6.

Theo các chuyên gia, đề án “Đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế” được xây dựng căn cứ vào những mục tiêu, yêu cầu đã đặt ra, trong đó nội dung đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế bao quát từ khâu tiếp cận thông tin chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế đến khâu đánh giá về nội dung các quy định về chính sách và thủ tục, cũng như sự hài lòng của người nộp thuế đối với tinh thần, thái độ của cơ quan thuế, cán bộ thuế.

Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với VCCI hoặc đơn vị tư vấn độc lập có kinh nghiệm trong lĩnh vực điều tra xã hội học để tổ chức khảo sát, đánh giá đảm bảo kết quả khảo sát khách quan, trung thực và chất lượng, theo các yêu cầu:

Thứ nhất, kết quả đánh giá phải phản ánh đầy đủ, khách quan, trung thực ý kiến của người nộp thuế đối với tính đầy đủ, minh bạch, phù hợp của chính sách thuế...

Thứ hai, công tác khảo sát, đánh giá đảm bảo tính khả thi, đơn giản, dễ áp dụng, chi phí thấp, phù hợp với năng lựccủa các đơn vị tư vấn độc lập thực hiện đánh giá cũng như mức độ phối hợp của công chức thuế, cơ quan thuế...

Thứ ba, bộ câu hỏi điều tra xã hội học, bảng hỏi phỏng vấn sâu phù hợp với hệ thống tiêu chí đánh giá, dễ thực hiện...

Thứ tư, thông qua chỉ số hài lòng của người nộp thuế, VCCI hoặc đơn vị tư vấn độc lập thực hiện đánh giá phối hợp với cơ quan thuế, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thuế phải đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực chính sách thuế.