Cơ sở lý thuyết

Thời gian gần đây đã có khá nhiều nghiên cứu đánh giá về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp (DN), tuy nhiên các nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở đánh giá các nhân tố đặc trưng bên trong doanh nghiệp. Phân tích mối liên kết giữa hiệu quả hoạt động của DN và các điều kiện kinh tế vĩ mô sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi các nhân tố chính yếu nào trong kinh tế vĩ mô tác động đến hiệu quả DN và tác động của các nhân tố đó theo chiều hướng nào, mạnh yếu ra sao. Điều này sẽ giúp phát triển các chiến lược quản lý hiệu quả hơn nhằm nâng cao hoạt động của DN. Theo Farell (1957), hiệu quả kỹ thuật của DN được thể hiện bằng khả năng tiết kiệm tối đa đầu vào để sản xuất ra một lượng đầu ra cho trước hoặc khả năng tạo ra một lượng đầu ra tối đa từ một lượng đầu vào cho trước, ứng với một trình độ công nghệ nhất định.

Để ước lượng hiệu quả của DN, bài viết đã sử dụng mô hình hàm sản xuất đường biên ngẫu nhiên của của Battese và Coelli (1993, 1995).

Nghiên cứu sử dụng phương pháp dữ liệu bảng với 3 mô hình khác nhau: Mô hình đánh giá tác động ngẫu nhiên - random effects (REM), mô hình đánh giá tác động cố định - fixed effects (FEM) và mô hình Pooled OLS để đánh giá tác động.

Để đảm bảo sự phù hợp của mô hình, nghiên cứu đã thực hiện một số kiểm định Breusch-Pagan Lagrangian (để lựa chọn giữa Pooled OLS và REM), kiểm định Hausman (để lựa chọn giữa REM và FEM), kiểm định Wald (phát hiện phương sai sai số thay đổi) và kiểm định Wooldridge (phát hiện tự tương quan). Bên cạnh đó, phương pháp FGLS cũng được sử dụng bởi nó có thể kiểm soát được hiện tượng phương sai số thay đổi và tự tương quan (Judge, Hill et al, 1988).

Nguồn số liệu

Nghiên cứu đã sử dụng bộ dữ liệu bảng của 1.255 DN sản xuất trên cả nước trong 12 năm từ năm 2000 đến năm 2011 (15.060 quan sát) và các số liệu vĩ mô của Tổng cục Thống kê hàng năm.

Ước lượng hiệu quả của doanh nghiệp

Bài viết sử dụng chương trình máy tính Frontier, phiên bản 4.1 do Coelli 1996 xây dựng với bộ số liệu đã đề cập ở trên để ước lượng hiệu quả kỹ thuật của DN. Kết quả kiểm định sự phù hợp của mô hình cho thấy, tất cả các kiểm định giả thiết đều bị bác bỏ ở mức ý nghĩa 1%. Điều đó có nghĩa là hàm sản xuất biên ngẫu nhiên dạng Loga siêu việt với ba đầu vào T (tiến bộ công nghệ), K (vốn), L (lao động), nhiễu của hàm có phân phối chuẩn là mô hình phù hợp để ước lượng hiệu quả hoạt động của DN. Kết quả ước lượng hiệu quả của các DN cho thấy hiệu quả trung bình của các DN còn thấp và giảm đều trong giai đoạn nghiên cứu (từ 17,9% năm 2001 xuống 13.4% năm 2011).

Đánh giá tác động của các nhân tố tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp - Ảnh 1

Những nhân tố quyết định đến hiệu quả của doanh nghiệp

Kết quả tính toán tại bảng 1 dưới đây cho thấy trong ba mô hình Pooled OLS, REM và FEM thì mô hình FEM tỏ ra phù hợp hơn do các kiểm định Hausman χ2 (7)=1550.2, kiểm định Breusch& Pagan Lagrangian chibar2(01) = 60775, kiểm định F(1254, 13791) =413.03 đều có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình có hiện tượng phương sai sai số thay đổi và tự tương quan. Tuy nhiên, các hiện tượng này có thể được kiểm soát bằng phương pháp FGLS.

Tác động của các biến số đến hiệu quả của doanh nghiệp

Kết quả mô hình FGLS tại bảng trên cho thấy, ngoại trừ ba biến vốn vay từ bên ngoài (Vng), mức trang bị vốn trên đầu người (KL) và cung tiền (M1) là không có ý nghĩa thống kê còn lại các biến số kinh tế vi mô và vĩ mô khác đều có ý nghĩa thống kê ở mức 1% hoặc 5%.

Hệ số của biến tỷ lệ thu nhập trên đầu người mà chúng ta coi xấp xỉ biến chất lượng lao động Lnlc (0.09), biến Pownship (0.121), biến Size (0.168) có ý nghĩa thống kê ở mức 1% và đều mang giá trị dương. Điều này cho thấy, các biến số trên có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của DN. Đồng nghĩa với việc chất lượng lao động càng tăng, quy mô tài sản càng lớn, hình thức sở hữu tư nhân gọn nhẹ, quản lý vốn tốt và chủ động trong kinh doanh sẽ mang lại hiệu quả cao cho DN.

Trong các biến vi mô, chỉ có biến nvcsh biểu thị hệ số cơ cấu vốn mang giá trị âm (-0.013) và có ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Điều này cho thấy, tăng tỷ lệ nợ phải trả sẽ có tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của DN, bởi do công tác quản lý sử dụng vốn không hiệu quả và thị trường vốn chưa phát triển nên DN không tận dụng được vốn bên ngoài nên hiệu quả DN theo đó bị giảm.

Hệ số biến GDP (103.71) và biến EXO (36.79) biểu thị mức thay đổi của tổng sản phẩm trong nước và tỷ giá hối đoái mang giá trị dương và có ý nghĩa thống kê 1%, có tác động tích cực, mang lại hiệu quả hoạt động cho DN do làm tăng tiêu dùng của các hộ gia đình và tăng cơ hội đầu tư, kích thích xuất khẩu, khuyến khích sản xuất trong nước nên giúp tăng hiệu quả hoạt động của DN.

Biến IR (-0.07) và biến LR (-1.79) biểu thị mức thay đổi tỷ lệ lạm phát và lãi suất cho vay mang giá trị âm và đều có ý nghĩa thống kê ở mức cao cho thấy các nhân tố này có tác động tiêu cực đến hiệu quả DN vì chúng làm tăng chi phí vốn của DN, tăng chi phí và tiền lượng thực tế của DN. Chính vì vậy, đã làm giảm cơ hội đầu tư, giảm hiệu quả hoạt động của DN.

Biến FDI và biến GOV biểu thị quy mô vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư công đều mang giá trị âm và có ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Điều này phản ánh, nguồn vốn FDI chưa đủ sức tạo tác động lan tỏa đến hiệu quả hoạt động của DN, trong khi vốn đầu tư công thường tỏ ra không hiệu quả, đầu tư sai mục đích nên không khuyến khích tăng hiệu quả hoạt động của DN.

Trong các nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động của DN thì GDP, tỷ giá hối đoái và đầu tư công là những nhân tố có tác động đáng kể nhất cần đặc biệt quan tâm.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của DN cần ổn định mức giá và lãi suất cho vay, nâng cao hiệu quả đầu tư công, mở rộng hơn nữa các kênh tiếp cận vốn bên ngoài một cách có hiệu quả. Song song với các giải pháp mang tính vĩ mô thì bản thân mỗi DN cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, kỷ luật và năng suất cao để nguồn lao động trở thành nhân tố động lực, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

Tài liệu tham khảo:

1. Battese. & Coelli, T.J. (1995). “A Model for Technical Inefficiency Effects in a Stochastic Frontier Production Function for Panel Data,” Empirical Economics 20, 325-332;

2. Rami Zeitun, Gary Tian (2007), “Macroeconomic determinants of corporate performance and failure: evidence from an emerging market the case of Jordan”, University of Wollongong, Research online.

Đánh giá tác động của các nhân tố tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

ThS. PHÙNG MAI LAN - Đại học Thủy lợi

(Tài chính) Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp luôn là một trong những mục tiêu quan trọng mà mỗi doanh nghiệp đều hướng tới. Bài viết sử dụng phương pháp tiếp cận biên ngẫu nhiên để ước lượng hiệu quả hoạt động, đồng thời sử dụng một số mô hình Pooled OLS, REM, FEM và FGLS để đánh giá tác động của các nhân tố tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Xem thêm

Video nổi bật