Đánh giá xu hướng đầu tư vào tiền ảo và khuyến nghị đặt ra cho các nhà đầu tư
Sau đợt tăng giá mạnh, có thời điểm lên đến 20.000 USD/1Bitcoin vào cuối năm 2017, nhiều dự báo cho rằng hoạt động đầu tư vào tiền ảo (hay còn gọi là tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số) sẽ gặp khá nhiều rủi ro trong năm 2018. Tổng quát về hệ sinh thái tiền ảo, bài viết nghiên cứu xu hướng đầu tư tiền ảo trên thế giới và tại Việt Nam, đề xuất khuyến nghị nhằm cảnh báo, giúp các nhà đầu tư tỉnh táo và có những quyết định đúng đắn hơn khi tham gia vào thị trường tài chính mới nổi này.
Tổng quan về tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số, hay còn gọi là tiền ảo
Tiền mã hóa hay còn gọi là tiền kỹ thuật số là một khái niệm mà người Việt Nam chúng ta thường sử dụng khi đề cập tới thuật ngữ tiếng Anh là “cryptocurrencies” (tiền điện tử, tiền ảo).
Khái niệm đồng tiền ảo thực sự sử dụng trong lĩnh vực này đôi khi chưa được chính xác, bởi có rất nhiều loại không phải là tiền mà là hàng hóa, được phát hành để thu hút đồng USD cho các dự án kinh doanh. Ví dụ, tại Mỹ, chỉ xếp đồng Bitcoin vào danh mục “hàng hóa”, không phải danh mục tiền tệ.
Năm 2009, lần đầu tiên khái niệm tiền mã hóa được giới thiệu trên toàn thế giới với một đồng tiền kỹ thuật số đặc biệt là đồng Bitcoin. Thực tế Bitcoin có một quá trình phát triển khá dài từ năm 2009 đến nay, trải qua gần 10 năm trồi sụt, Bitcoin mới có được bước “nở rộ” như trong năm 2017, sự phát triển của đồng tiền này được giới chuyên gia dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng trưởng và phát triển mạnh trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Trong lịch sử giá trị đồng Bitcoin ban đầu rất rẻ, thậm chí Bitcoin còn được cho không, được tặng cho những người chơi game, hoặc đào được rất dễ, rất nhanh và rất nhiều. Sau đó, Bitcoin đạt ngưỡng vài trăm USD/Bitcoin và “dậy sóng” với mức giá gần 20.000 USD/Bitcoin trong năm 2017. Chứng kiến sự phát triển thần tốc của đồng Bitcoin, hàng nghìn đồng tiền ảo khác đã ra đời, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho các nhà đầu tư.
Trong số hàng nghìn đồng tiền ảo, mã tiền ảo đang được đưa lên các sàn giao dịch, có những đồng tiền ảo được nhận định là có giá trị nền tảng (các thuật toán nền tảng), tạo hệ thống cho các phương thức thanh toán và phát hành các đồng tiền ảo khác, nhưng cũng có những đồng tiền ảo chỉ “té nước theo mưa” và được sản xuất để bán như một món hàng. Tóm lại, ranh giới của các đồng tiền ảo (có giá trị, không có giá trị, giá trị cao) hiện nay rất mong manh và khó đoán định, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thực tế cho thấy, tiền ảo hiện nay được mua, bán, giao dịch và đầu tư như một món hàng hóa nhằm tìm kiếm lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư thế giới sử dụng đồng tiền quốc tế là đồng USD và các đồng tiền mạnh khác để mua vào đồng Bitcoin hoặc đồng ETH (hai đồng tiền này được giới đầu tư tiền ảo hiện nay xem là vật ngang giá chung khi giao dịch mua bán các đồng tiền ảo).
Sau đó, các nhà đầu tư sử dụng đồng Bitcoin, đồng ETH (hoặc là có thể có thêm các đồng tiền ngang giá chung) để mua vào các đồng coins khác (ví dụ như đồng Lifecoin, đồng Neo, đồng TRX, đồng Verge…). Khi các đồng coins khác hoặc đồng Bitcoin, đồng ETH lên hoặc xuống giá, các nhà đầu tư lựa chọn chiến lược mua, bán, giữ, chuyển đổi các đồng tiền ảo trong danh mục các mã tiền ảo mà mình đầu tư để có lợi nhất.
Khi muốn thoát vốn hoặc chốt lời, các nhà đầu tư sẽ bán các đồng tiền ảo ra thị trường thông qua sàn và giá cả được niêm yết công khai trên các sàn giao dịch, việc bán ra các đồng tiền ảo không phải là các đồng tiền nền tảng thì lại được quy đổi ra các đồng tiền ảo nền tảng, sau đó mới bán đồng tiền nền tảng để quy ra đồng USD (hoặc các đồng tiền thật được chấp nhận) và quy đổi ra tiền VND (đối với các nhà đầu tư Việt Nam) thông qua tài khoản cá nhân mở tại các ngân hàng.
Thị trường đầu tư tiền điện tử (tiền mã hóa, tiền thuật toán) ngày càng sôi động và với dung lượng thị trường rất lớn (lên tới hàng nghìn tỷ USD/ngày).
Bối cảnh này tạo nên một thị trường với một hệ sinh thái hoàn chỉnh, bao gồm: Các nhà phát hành tiền kỹ thuật số; Các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số; Các nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho tiền ảo; Các nhà phát triển hệ thống, ứng dụng; Các nhà đầu tư; Các thợ đào tiền kỹ thuật số (thợ mỏ); Các nhà sản xuất, cung cấp máy, thiết bị, phần mềm đào; Các nhà đầu tư cá nhân: đầu tư trực tiếp và đầu tư ủy thác; Các quỹ đầu tư mạo hiểm; Các dịch vụ phần cứng và phần mềm khác.
Và đương nhiên các dịch vụ và ứng dụng của tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain sẽ tiếp tục chứng kiến sự đột phá mới với giá trị ứng dụng cao trong đời sống xã hội trong thời gian tới.
Xu hướng đầu tư tiền ảo hiện nay
Sự bùng nổ mạnh mẽ của các đồng tiền ảo Bitcoin, đồng ETH, đồng Lifecoin và sự tăng giá lên tới hàng trăm lần của nhiều đồng tiền ảo trong năm 2017 đã khiến thị trường tiền ảo trở thành thị trường đầu tư hấp dẫn và sinh lời cao, thu hút mạnh sự quan tâm của giới đầu tư, đầu cơ, quỹ đầu tư lớn, các nhà đầu tư cá nhân. Điểm qua một vài con số có thể thấy, tính đến cuối năm 2017, Bitcoin tăng giá khoảng gần 20 lần, đồng ETH tăng 120 lần và hàng trăm đồng coins khác cũng tăng giá rất nhiều lần trong một thời gian ngắn.
Thị trường tiền ảo có đặc điểm thu hút các nhà đầu tư, đó là tăng nhanh, tăng nhiều (có thể tăng 50-100 lần/ngày), tăng không có công thức và cũng rất khó dự đoán. Ngược lại, đà giảm sâu thì giảm cũng xuống cũng rất nhanh, có thể giá trị của đồng coins mất đến 50-80% so với ngày hôm trước, khiến cho các nhà đầu tư nhìn thấy thị trường này thực sự rất màu mỡ để đầu tư và sinh lời nhanh, bởi nguyên tắc rủi ro cao thì lợi nhuận sẽ cao.
Xu hướng đầu tư tiền ảo trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ: Số lượng lớn các nhà đầu tư trên toàn thế giới tham gia vào đầu tư rất nhiều và tăng rất nhanh; thu hút được một lượng tiền rất lớn tham gia vào thị trường tiền ảo nhằm đầu tư tìm kiếm lợi nhuận, lướt sóng tìm kiếm lợi nhuận và tích trữ tài sản bằng tiền ảo; số lượng giao dịch khớp lệnh rất lớn; tổng giá trị giao dịch hàng ngày trong lĩnh vực tiền ảo đã đạt con số kỷ lục. Có thời điểm tiền ảo Bitcoin lập đỉnh gần 20.000 USD, sau đó tụt dốc và hiện đứng ở ngưỡng dưới 15.000 USD.
Theo dự đoán và nghiên cứu của nhiều chuyên gia đầu tư thế giới, năm 2018 tiếp tục bùng nổ trong lĩnh vực đầu tư tiền ảo với sự tham gia đông đảo hơn nữa của các nhà đầu tư cá nhân trên toàn thế giới và các quỹ đầu tư rủi ro, đầu tư mạo hiểm lớn (thường được gọi với cái tên thân mật là các Con cá mập) gia nhập thị trường.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có thống kê chính thức nào về thị trường tiền ảo sôi động như thế nào? Có bao nhiêu nhà đầu tư tham gia? Bao nhiêu tiền đã được đưa vào các sàn giao dịch nhưng có thể thấy các Facebook Group đầu tư Bitcoin và các đồng tiền ảo khác mở ra có hàng chục nghìn thành viên bàn luận sôi nổi; quảng cáo Facebook Ads về các đồng tiền ảo, các dự án ICO tiền ảo tới thị trường Việt Nam rất nhiều; người chơi trực tiếp và người không tham gia đầu tư cũng thảo luận về tiền kỹ thuật số rất sôi nổi.
Trên thực tế, tiền điện tử hiện nay đã xuất hiện ở nước ta dưới nhiều hình thức. Phổ biến nhất là loại tiền điện tử offline (thẻ trả trước, thẻ thông minh), tiền điện tử online (ví điện tử), đồng Bitcoin… Trong đó, đồng Bitcoin - Loại tiền ảo xuất hiện từ năm 2009, thu hút sự quan tâm nhiều nhất của giới đầu tư.
Theo một số liệu thống kê không chính thức cho thấy, Việt Nam được biết đến là một trong Top 5 quốc gia có số lượng người chơi Bitcoin và các đồng coin khác; Các nhà đầu tư Việt Nam cũng là những nhà đầu tư vào cuộc từ rất sớm, từ khi Bitcoin mới chỉ có giá vài USD. Năm 2017 là năm giá trị của các đồng tiền ảo nền tảng tăng hàng chục đến hàng trăm lần đã giúp cho một số lượng không nhỏ các nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam gia tăng tài sản.
Một số lượng không nhỏ các nhà đầu tư đã có sự nghiên cứu bài bản và chuyên sâu về thị trường tiền ảo và công nghệ blockchain, đầu tư nhiều tiền bạc và thời gian, công sức. Thậm chí, tại Việt Nam, đã có những nhóm cá nhân, công ty, nhóm tổ chức tự phát hành đồng tiền của riêng mình – như một kênh huy động vốn. Tuy nhiên, trong một cuộc chơi thì luôn có người thắng và kẻ thua.
Đã có những nhà đầu tư mất tiền do đầu tư vào những mã tiền bị giảm giá trị, bị mất tiền do mua các đồng coin ICO bị lừa đảo; tham gia mua bán, giao dịch các đồng tiền, bán các dự án ICO của các nhóm, các tổ chức quốc tế đến tiếp thị tại Việt Nam hoặc là bán các dự án ICO tiền ảo của chính các nhóm cá nhân, cá nhân, công ty tự phát tại Việt Nam mục đích lừa đảo tiền bạc của nhà đầu tư ngay từ ban đầu hoặc các đồng coin không có giá trị bị thổi phồng lên để thu hút nhà đầu tư.
Do vậy, cơ quan chức năng cũng đã chính thức có văn bản khuyến nghị các nhà đầu tư nên thận trọng tìm hiểu cơ hội đầu tư, hoặc các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có ý định phát hành ICO cần phải tham vấn luật sư về các vấn đề pháp lý hiện hành một cách thận trọng.
Theo pháp luật Việt Nam, việc phát hành ICO tiền ảo tại Việt Nam và thu hút nhà đầu tư Việt Nam là một hình thức kêu gọi vốn, tuy nhiên, hành vi này không được pháp luật công nhận, vì có thể sẽ vi phạm vào một trong số các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung “phát hành tiền” hoặc “gọi vốn trái phép”.
Một số khuyến nghị và cảnh báo
Thị trường giao dịch tiền ảo và đầu tư tiền ảo được dự báo tiếp tục sôi động trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Việc đầu tư Bitcoin, ETH và các đồng tiền ảo khác đang hình thành xu hướng rõ rệt trên toàn thế giới và tại Việt Nam.
Thị trường tài chính mới nổi này cũng có thể là bong bóng tài chính “crypto-currencies” sẽ phát nổ, chỉ còn lại những đồng coins nền tảng, đồng coin có giá trị ứng dụng trong cuộc sống, công việc, hoạt động kinh doanh mới có thể tồn tại trên thị trường và có giá trị thật theo hai nghĩa, giá trị cho con người và giá trị tiền tệ.
Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư không tỉnh táo, thiếu kiến thức, thiếu may mắn… có thể sẽ trở thành “những con cá nhỏ” làm mồi cho các “con cá mập”, bởi thị trường đầu tư tiền ảo hàm chứa rất nhiều rủi ro như mất giá trị, giảm giá trị nhanh chóng. Theo lý thuyết, một thị trường rủi ro cao, rủi ro rất cao đồng nghĩa với việc lợi nhuận cũng sẽ rất cao.
Bi kịch của nhà đầu tư mà viễn cảnh chúng ta thường nghĩ đến, đó là bị mất tiền, bị lừa đảo, bị mất lòng tin hoặc sạt nghiệp, nhưng cũng có một bi hài kịch khác không kém đó là nhà đầu tư quá may mắn, trong một thời gian ngắn kiếm được một số tiền quá nhanh, quá nhiều, quá lớn và có thể rơi vào tình trạng ảo tưởng…
Trước xu hướng nở rộ của các đồng tiền ảo trong thời gian gần đây, tại buổi làm việc đánh giá về kết quả hoạt động năm 2017 và định hướng hoạt động năm 2018 với Thủ tướng Chính phủ (ngày 23/12/2017), các chuyên gia Tổ tư vấn của Thủ tướng bày tỏ quan ngại có thể gây hệ luỵ “bong bóng”, ảnh hưởng tới thị trường tài chính, tâm lý người dân. Để tránh những hệ luỵ, các chuyên gia đề nghị Chính phủ cần có biện pháp quản lý đối với loại tiền ảo này.
Thể hiện rõ quan điểm của mình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã ban hành văn bản là không công nhận các đồng tiền ảo đang lưu hành tại Việt Nam.
Trước đó, vào cuối năm 2013, ngay sau khi Bitcoin xuất hiện tại Việt Nam, NHNN đã chủ động nghiên cứu về loại tiền ảo này. Tương tự hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, theo pháp luật hiện hành về ngân hàng, NHNN khẳng định bitcoin (cũng như các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Theo NHNN, việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch, mặt khác, giao dịch Bitcoin có tính ẩn danh cao nên có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn ma túy, trốn thuế. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Quan điểm này tiếp tục được NHNN khẳng định lại một lần nữa trong năm 2017.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan, trong đó, khảo sát, tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế tại một số nước (Mỹ, EU, Nhật Bản...) về pháp luật và thực tiễn liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Trên cơ sở Đề án Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện việc nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng luật (các luật) sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Đề án này thể hiện sự cầu thị của Chính phủ Việt Nam với vấn đề về tiền ảo, tiền điện tử trong xu thế của toàn cầu, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đặc biệt trong giới ngân hàng và Fintech khuyến cáo người sử dụng nên tìm hiểu thật kỹ và có hiểu biết nhất định về loại tiền này trước khi dùng nó giao dịch.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Đình Dũng (2018), 50 bài học về kinh doanh và đầu tư tiền ảo đúc kết trong 5 năm của Chris Dunn, hyipcenter4me.com;
2. Ngọc Anh (2017), Đối mặt với việc không bao giờ sở hữu Bitcoin liên tục, các nhà đầu tư đang chuyển dần sang các Altcoin khác, http://tapchibitcoin.vn/doi-mat-voi-viec-khong-bao-gio-huu-bitcoin-lien-tuc-cac-nha-dau-tu-dang-chuyen-dan-sang-altcoins.html;
3. Nếu bong bóng Bitcoin bị vỡ, điều gì sẽ xảy ra sau đó? http://vnreview.vn/tin-tuc-kinh-doanh/-/view_content/content/2361959/neu-bong-bong-bitcoin-bi-vo-dieu-gi-se-xay-ra-sau-do;
4. Bitcoin sốt nóng, cảnh báo mua máy đào tiền ảo , https://dautuico.com/bitcoin-sot-nong-canh-bao-mua-may-dao-tien-ao.html.