Đào tạo nhân lực ngành kế toán - kiểm toán đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Hội nhập kế toán - kiểm toán quốc tế góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế giữa các quốc gia khác nhau trong nền kinh tế toàn cầu; quốc tế hóa quá trình đào tạo lao động kế toán của mỗi quốc gia, trong sự phát triển của kế toán quốc tế.
Kế toán viên hay kiểm toán viên ở bất kỳ quốc gia nào được chấp nhận hành nghề ở Việt Nam đều có quyền thực hiện công việc kế toán - kiểm toán của doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không hề nhỏ, cũng như những thách thức và cơ hội cho kế toán viên, kiểm toán viên tại Việt Nam. Bài viết nêu rõ xu hướng hội nhập kế toán - kiểm toán quốc tế hiện nay, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo kế toán - kiểm toán đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số.
1. Xu hướng hội nhập kế toán - kiểm toán quốc tế
Xu hướng hội nhập kế toán - kiểm toán quốc tế được thể hiện rõ nét qua việc hình thành, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn kế toán chung được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu. Hệ thống tiêu chuẩn này ra đời do sự phát triển nhanh chóng và khách quan của thị trường tài chính quốc tế và các hoạt động thương mại đã vượt ra ngoài biên giới các quốc gia. Nhữngchuẩn mực kế toán quốc tế, như: IAS/IFRS sẽ góp phần tạo ra sự thống nhất về tính toán giá trị hợp lý trong kế toán, từ đó xóa bỏ rào cản ngăn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cũng như tạo nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh trong thời kỳ toàn cầu hóa cho các quốc gia.
Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) gồm 26 chuẩn mực. Mặc dù đã được xây dựng theo các chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IAS/IFRS) và phù hợp với đặc điểm nền kinh tế cũng như tình hình doanh nghiệp Việt Nam, nhưng giữa VAS và IAS/IFRS hiện nay vẫn còn tồn tại một khoảng cách đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hội nhập của kế toán, kiểm toán Việt Nam. Đến năm 2025, áp dụng IFRS theo các cấp độ để giúp kế toán, kiểm toán Việt Nam mở ra một thời kỳ mới, làm thay đổi cách thức ghi nhận, đo lường và trình bày các yếu tố của báo cáo tài chính. Sự khác biệt lớn nhất giữa 2 hệ thống này thể hiện ở nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính lập theo IFRS được đánh giá theo giá trị hợp lý hoặc giá trị có thể thu nhưng lập theo VAS lại ghi là theo giá gốc. Điều này làm cho giá trị tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp chưa phản ánh đúng như diễn biến thực tế của thị trường.
Xu hướng hội nhập kế toán - kiểm toán quốc tế hiện nay chịu tác động mạnh mẽ từ cuộc các mạng công nghiệp 4.0. Thực tiễn cho thấy, lợi ích mà công nghệ 4.0 và internet mang lại cho người làm trong ngành kế toán - kiểm toán là giúp cho công việc trong ngành không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý.,. Những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là động lực giúp các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán ở các quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển, nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc.
Nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán của Việt Nam tuy đã sẵn sàng hội nhập kinh tế, nhưng số lượng và chất lượng mang tầm quốc tế vẫn là vấn đề cần cải thiện. Thực tế cho thấy, đội ngũ người làm kế toán, kiểm toán Việt Nam không chỉ ít về số lượng, mà còn yếu về chất lượng. Rõ ràng, nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập đang là một đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay. Để đáp ứng được yêu cầu hội nhập thì xu hướng đào tạo kế toán - kiểm toán cũng phải thay đổi để thích ứng và bắt kịp với xu hướng hội nhập hiện nay.
2. Kỹ năng nghề nghiệp kế toán - kiểm toán trong kỷ nguyên công nghệ số
Trong kỷ nguyên công nghệ số và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế hiện nay, những người làm trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán phải có những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết như:
Thứ nhất, để nhân lực ngành kế toán - kiểm toán có trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng tốt và thích ứng với sự thay đổi của công nghệ và toàn cầu hóa thì kế toán - kiểm toán viên phải am hiểu kiến thức chuyên môn, trau dồi kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật những thay đổi. Cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp, góp phần phát triển kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm và tầm nhìn cho các kế toán và kiểm toán viên.
Thứ hai, phải ý thức được tầm quan trọng của công nghệ để ứng dụng phù hợp xu thế, tiết kiệm nguồn lực và gia tăng hiệu quả công việc. Dữ liệu lớn mang lại cho con người sự tiếp cận với nguồn kiến thức vô hạn, giúp con người có thể tìm hiểu bất kỳ điều gì cần biết, nhưng có hạn chế là nhiều thông tin không chính thống. Nó khiến chúng ta phải cẩn trọng khi tiếp cận với thông tin và sử dụng thông tin.
Thứ ba, kế toán phải luôn cập nhật những thay đổi của công nghệ. Sự thay đổi theo lượt, theo phiên bản của phiên bản, được tạo ra để làm cho thế giới hiện đại hơn, ví dụ như trong ngành Kế toán và Kiểm toán, nay đã có phần mềm kế toán. Do đó, trong tương lai, mọi thứ sẽ thay đổi và tiến bộ hơn nữa, máy móc và phần mềm sẽ làm việc thay thế con người.
Thứ tư, thích nghi với những thay đổi của công việc, các công việc mới dành cho ngành kế toán cũng sẽ dần xuất hiện, chẳng hạn như phân tích dữ liệu, dự báo xu hướng phát triển và quản trị sự thay đổi mang lại hiệu quả tức thời cho doanh nghiệp. Sự phát triển của công nghệ mới sẽ luôn đi kèm với những vấn đề mới phát sinh. Với Trí tuệ nhân tạo (AI), những công việc thủ công của nghề kế toán, kiểm toán, như: thu thập, xử lý, tính toán số liệu,... đều có thể bị thay thế. Máy móc có thể thay thế con người trong công việc cụ thể được lập trình trước chứ không thay thế trong việc đưa ra nhận định, lời tư vấn trong các trường hợp phát sinh đặc biệt với tính chất mới mẻ.
3. Một số giải pháp đề xuất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo kế toán - kiểm toán đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
3.1. Về phía các cơ sở đào tạo
Một là, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy. Cần thay đổi quan điểm đào tạo theo hướng xuất phát từ những gì mình có, mà phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn (đó là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội). Mạnh dạn phối hợp và tăng cường hợp tác với ACCA, CPA, CIMA,... để đổi mới giáo trình đào tạo. Đổi mới nội dung chương trình đào tạo để người học thông qua chương trình này sẽ có được những kiến thức vừa có tính hiện đại, tính thực tiễn, vừa có tính hàn lâm, tính ứng dụng, vừa có năng lực nghiên cứu, kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu phù hợp với các kỹ năng được xác định trong chuẩn đầu ra.
Chương trình đào tạo phải đổi mới theo hướng tiếp cận và kế thừa những mặt tích cực của chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới về lĩnh vực kế toán, kiểm toán nhằm giúp sinh viên có thể hội nhập và thực hành một cách có hiệu quả trong môi trường làm việc quốc tế.
Bên cạnh đó, các trường cần thiết kế trong chương trình đào tạo những nội dung chuyên môn có tính chất đặc thù về môi trường pháp lý và môi trường hoạt động tại Việt Nam để người học có thể thực hiện được công việc chuyên môn một cách thành thạo sau khi tốt nghiệp.
Hai là, các trường đại học cần phải gắn kết chặt chẽ với các tổ chức nghề nghiệp trong nước và quốc tế, để từng bước đưa vào chương trình đào tạo những nội dung có tính ứng dụng chuyên nghiệp đã được các tổ chức này nghiên cứu, tổng hợp và áp dụng trong quá trình đào tạo các loại chứng chỉ hành nghề được công nhận rộng rãi ở Việt Nam và quốc tế.
Ba là, Thiết lập mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong thời đại CMCN 4.0, việc thiết lập các mối quan hệ với các doanh nghiệp ngày càng mở rộng không chỉ với các đơn vị trong nước mà cả ngoài nước, bởi điều đó giúp cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu được gắn kết, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp. Chính những ý kiến và đóng góp của doanh nghiệp sẽ là cơ sở quan trọng để các trường điều chỉnh kịp thời chuẩn đầu ra và đổi mới chương trình đào tạo một cách thích ứng.
Bốn là, nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên không chỉ là những người có phẩm chất đạo đức tốt mà còn phải là những người có kiến thức chuyên môn sâu rộng, không ngừng cập nhật để kiến thức luôn được đổi mới, có tính hiện đại, đồng thời phải có những am hiểu tình hình thực tiễn của hoạt động chuyên môn để bên cạnh tính hàn lâm còn phải có tính thực tiễn sâu sắc trong nội dung giảng dạy.
Bên cạnh đó, việc thành thạo ngoại ngữ để phục vụ cho việc nghiên cứu và trao đổi học thuật cũng là một trong những yêu cầu cơ bản mà đội ngũ giảng viên cần phải có để đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo theo chương trình tiên tiến quốc tế.
Năm là, phát triển nội dung đào tạo giúp sinh viên sau khi ra trường thích ứng kịp thời với thời đại công nghệ số. Ngoài giảng dạy kiến thức chuyên môn, cần tập trung đào tạo các kỹ năng cần thiết, như: Kỹ năng giao tiếp hiệu quả, làm việc ở nhiều nhóm khác nhau; kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề trên cơ sở tôn trọng đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra, cần tăng cường giảng dạy ngoại ngữ và ngoại ngữ chuyên ngành để sinh viên có thể chuyển đổi sang bằng cấp quốc tế dễ dàng hơn.
3.2. Về phía người học
Kỷ nguyên số mang lại rất nhiều cơ hội và thách thức, với cá nhân người làm việc trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán phải nâng cao khả năng công nghệ và tầm nhìn, đồng thời là năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Trong cuộc CMCN 4.0, mỗi cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cần ý thức được tầm quan trọng của công nghệ để ứng dụng vào công việc, tiết kiệm nguồn lực và gia tăng hiệu quả công việc. Phương tiện không thể thiếu đối với mỗi kế toán, kiểm toán viên là ngôn ngữ quốc tế. Cơ hội sẽ ngày càng mở rộng hơn cho đội ngũ kế toán - kiểm toán viên đạt chuẩn quốc tế, được công nhận hoạt động ở nhiều nước trên thế giới,… Các chứng chỉ hành nghề như ACCA, CMA, CIA có thể giúp kế toán - kiểm toán viên Việt Nam mở rộng tối đa phạm vi hoạt động của mình, nâng cao khả năng cạnh tranh nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 không chỉ đem lại cho cá nhân, mà cho cả các doanh nghiệp có nhiều cơ hội và cả thách thức phát triển. Đối với người làm việc trong ngành kế toán - kiểm toán, các kế toán - kiểm toán viên cũng phải không ngừng nâng cao khả năng chuyên môn và đạo đức phù hợp với thời đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Võ Văn Nhị (2011), Một số ý kiến về vấn đề đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế; Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
- Nguyễn Thị Phương Hoa (2011), Đào tạo chuyên ngành kiểm toán của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
- Một số trang website: mof.gov.vn, vacpa.org.vn, https://tapchigiaoduc.moet.gov.vn