Đất nền "sốt nóng" cục bộ vì tin đồn
Mặc dù đã nhiều cảnh báo về giá ảo song phân khúc đất nền tại một số thị trường tỉnh lẻ vẫn diễn ra sôi động. Đâu là lý do khiến đất nền vẫn luôn “sốt nóng”?
Thị trường bất động sản đầu năm ghi nhận giá đất nền tăng tại các thị trường như Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Bình Thuận… Ở các "điểm nóng", so với cuối năm ngoái, theo giới đầu tư, mức giá tăng dao động khoảng từ 10% đến 40%.
Điều đáng nói, cũng bằng thời điểm năm 2018, thị trường đất nền lại lặp lại "cơn sốt" cục bộ, kéo theo nhiều hệ lụy như mua bán bất chấp tính pháp lý, cò nậu thổi giá ảo. Dù đã có rất nhiều cảnh báo về việc đầu tư trong cơn sốt đất, song thực tế, sức hấp dẫn của đất nền vẫn hút lượng lớn các nhà đầu tư quan tâm.
Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, cho rằng, khoảng hai năm trở lại đây phân khúc đất nền nổi lên. Hiện nay có hai dạng đất nền được quan tâm. Thứ nhất là đất nền tại các dự án. Dòng sản phẩm này được đánh giá đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư sơ cấp và thứ cấp. Nếu như trước đây, các nhà đầu tư này chủ yếu bỏ vốn vào chung cư, nhưng nay lại chuyển sang đầu tư đất nền vì họ nhận thấy đây là phân khúc lợi nhuận cao và an toàn.
Thứ hai là đất nền ở những khu vực có khả năng “nổi sóng” do các thông tin quy hoạch từ huyện lên quận, lên thành phố hay hạ tầng giao thông,…. Ông Khởi nhấn mạnh, đối với loại hình đất nền này, sốt đất xảy ra do một phần của chính quyền địa phương, một phần là do môi giới. Nhiều môi giới đẩy lên thành sốt đất, khiến các nhà đầu tư chạy theo tâm lý bầy đàn. Câu chuyện này đã diễn ra ở nhiều nơi như Phú Quốc, Vân Đồn.
Ngoài ra, khi sản phẩm căn hộ thuộc dự án đang bị chính quyền rà soát, nguồn cung hạn chế thì các chủ đầu tư thích lựa chọn đất nền vì vốn ít, thu hồi nhanh nên tạo ra lượng cung dồi dào, phong phú.
Lý giải tâm lý đầu tư tại phân khúc đất nền, ông Đính cho rằng, nhà đầu tư phát triển hay nhà đầu tư thứ cấp đều có mục đích chung là sinh lời, trong khi đó, vấn đề về minh bạch thông tin tại các địa phương hiện nay vẫn rất yếu.
“Chính phủ và Thủ tướng cũng có nhiều nghị định về vấn đề này. Nghị định 117 quy định tất cả các địa phương trong giai đoạn 2017 và 2018 phải có báo cáo thị trường, đưa ra được các vấn đề về phát triển, định hướng kinh tế, thị trường đi theo thế nào, lượng nhà buôn bán ra làm sao. Tất cả cần phải được kê khai công bố trên hệ thống cổng thông tin địa phương và Chính phủ. Nhưng vấn đề này lại đang thiếu, tạo ra sự mập mờ về thông tin và tạo ra những tin đồn”.
Ông Đính cho hay, chính những tin đồn đã khiến những nhà đầu cơ không bỏ lỡ cơ hội kiếm tìm lợi nhuận cho mình. Cuối cùng, khi thông tin không đúng, người ta sẽ tìm cách để tháo hàng. “Ví dụ tin đồn sắp có khu đô thị, sân bay, trung tâm thương mại sẽ phát triển, người ta sẽ lao vào, thị trường không kiểm chứng được tin đồn. Rõ ràng, nếu tỉnh công bố công khai thì nhà đầu tư mới có thể kiểm chứng. Hiện tượng thổi giá từ tin đồn không phải chỉ ở một nơi mà xuất hiện tại rất nhiều hơn. Cuối cùng, loanh quanh toàn nhà đầu cơ với nhau chứ người tiêu dùng thực sự rất ít”.
Ông Đính cho rằng, hiện nay, người tiêu dùng có nhu cầu thực sự đã hiểu biết, có kiến thức cơ bản và được nhiều đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, chuẩn mực nên sẽ cẩn trọng trong bỏ vốn.
Liên quan tới vấn đề có nên đầu tư vào đất nền trong cơn sốt nóng, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, nhà đầu tư nên cố gắng nấn ná cùng thông tin quy hoạch thị trường bất động sản, không nên nóng vội chạy theo thông tin ảo tránh tình trạng “trắng vốn”.