Quyết liệt và hiệu quả

Bước vào năm 2014, công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt đang bước vào chặng nước rút, trong đó, xử lý nợ xấu là tiền đề để tái cơ cấu thành công và với chức năng, nhiệm vụ của mình DATC không thể đứng ngoài cuộc. Xác định rõ nhiệm vụ đó, DATC đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan để đàm phán mua bán nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng nhằm tái cơ cấu DN, tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước... Minh chứng rõ nét nhất cho điều này là trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu từ hoạt động mua bán nợ của DATC đạt 477,234 tỷ đồng, bằng 69% so với kế hoạch năm 2014, tăng gấp 3,0 lần so với cùng kỳ năm 2013... Để có kết quả doanh thu trên, Công ty đã phối hợp với các cơ quan chức năng của các tỉnh như: Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Dương...; chủ động đàm phán với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại, các chủ nợ lớn để triển khai thí điểm các phương thức xử lý nợ mới trên cơ sở chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn tài chính lớn để tham gia tái cơ cấu DN ngay từ đầu. Cụ thể: Công ty cổ phần Tập đoàn Gỗ Trường Thành, Công ty TNHH Thiên Mã, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư hạ tầng và kinh doanh đô thị (UBI); Công ty xuất nhập khẩu Bình Định, Công ty cổ phần Xây dựng công trình 1, Công ty Nhựa và cơ khí Hồng Hải; Công ty cổ phần Gạch ngói và vật liệu xây dựng Đồng Nai – Hà Tĩnh...

Mặt khác, DATC tích cực thực hiện rà soát và đánh giá các phương án mua nợ đang tái cơ cấu và tình hình hoạt động kinh doanh của các DN đã tái cơ cấu còn khó khăn về tài chính để chủ động phối hợp với cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN (như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng… các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như: Cienco 6, Cienco 5, Cienco 1, Lilama...) nhằm tìm các giải pháp tháo gỡ vướng mắc giúp DN vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển, đồng thời tạo điều kiện để DATC thoái vốn thu hồi nợ.

Cùng với đó, DATC đã và đang tiến hành thu thập, chuẩn bị, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để khởi kiện một số DN cố tình chây ì, không trả nợ cho DATC theo cam kết; Đồng thời, thí điểm phối hợp với các cơ quan chức năng thực thi pháp luật để xử lý các trường hợp có biểu hiện làm thất thoát, biển thủ tiền, tài sản của DN có vốn góp của DATC.

Trong hoạt động tái cơ cấu DN, DATC đẩy mạnh thực hiện nhiều phương án, tại nhiều công ty để mang lại kết quả tích cực. Thông qua hoạt động mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu DN, chuyển nợ thành vốn góp cổ phần, Công ty đã tái cơ cấu thành công được 02 DN khách nợ (Công ty cổ phần Đường bộ 230 và Công ty cổ phần Xây dựng công trình 507) và đang hoàn tất thủ tục để bán cổ phần, tái cơ cấu các DN: Công ty Nạo vét Đường thủy 1, Công ty Tôn Vinashin, Công ty Xây dựng và sản xuất vật liệu giao thông 529...

Thực tế, hoạt động xử lý nợ, tái cơ cấu DN của DATC từ nhiều năm trước đã được triển khai rất hiệu quả, tuy nhiên, trước yêu cầu tái cơ cấu DN được triển khai quyết liệt như hiện nay thì vai trò của DATC càng được khẳng định rõ nét và được dư luận đánh giá cao. Trước đó, trong năm 2013, DATC đã ký được 15 hợp đồng mua nợ trị giá các khoản nợ là 1.793 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 537 tỷ đồng (tỷ lệ mua nợ bình quân là 30%), đạt 101% so kế hoạch năm 2013, tăng gấp 2 lần so với thực hiện năm 2012. Doanh thu từ hoạt động mua bán nợ là 326,8% tỷ đồng, đạt 89% so kế hoạch năm 2013, tăng gấp 1,7 lần so với thực hiện năm 2012. Lũy kế từ năm 2004 đến năm 2013, Công ty đã thực hiện tổng cộng 136 phương án mua bán nợ với trị giá các khoản nợ theo mệnh giá sổ sách kế toán là hơn 10.000 tỷ đồng, giá vốn mua nợ gần 3.000 tỷ đồng. Đã thu hồi được hơn 3.100 tỷ đồng, trong đó chuyển nợ thành vốn góp cổ phần tại 62 DN mà DATC tái cơ cấu thành công là hơn 700 tỷ đồng. Đặc biệt, thông qua hoạt động mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu DN, chuyển nợ thành vốn góp cổ phần, Công ty DATC đã tái cơ cấu thành công 8 DN khách nợ.

Tiếp tục khẳng định vai trò

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong những tháng đầu năm, thời gian còn lại của năm 2014, DATC xác định, nhiệm vụ mua bán nợ, tái cơ cấu DN cần tiếp tục thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn. Theo đó, trong những tháng còn lại của năm, DATC tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các giải pháp sau:

- Tiếp tục đàm phán với các Ngân hàng thương mại để triển khai các phương án mua nợ lớn như: Công ty TNHH Thiên Mã, UBI, Công ty Thực phẩm Miền Bắc; Công ty CP Xây dựng công trình 1...

- Tập trung thu hồi nợ của các phương án mua nợ để thu hồi nợ và tổ chức bán nợ thuộc các phương án mua nợ để tái cơ cấu DN nhưng không có khả năng tái cơ cấu để thu hồi nợ đã mua (Công ty Nhôm Hà Nội, Công ty cổ phần 675...).

- Tích cực phối hợp với cơ quan chủ sở hữu và các chủ nợ đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DN khách nợ đã mua nợ. Trước mắt tập trung hoàn thành tái cơ cấu các DN: Công ty cổ phần Nạo vét Đường thủy 1. Công ty cổ phần Tôn Vinashin, Công ty Công nghiệp cơ khí Sài Gòn; Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc, Công ty xuất nhập khẩu Bình Định, Công ty Cơ khí Ô tô Đà Nẵng...

Đặc biệt, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đồng ý cho cho phép DATC tham gia mua nợ của Vinalines tại các tổ chức tín dụng. Trước đó, Vinalines cũng đã lên tiếng muốn DATC mua lại hơn 11.000 tỷ đồng nợ tại 22 tổ chức tín dụng sau đó Vinalines sẽ làm mọi cách để trả nợ cho DATC. Đây là những nhiệm vụ mới, đồng thời cũng tiếp tục khẳng vai trò rõ vai trò quan trọng của DATC trong bối cảnh mới.
                                                                                     Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 9 - 2014

DATC: Bước tăng trưởng nhân 3

THANH VÂN

(Tài chính) Trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu từ hoạt động mua bán nợ của DATC đạt 477,234 tỷ đồng, bằng 69% so với kế hoạch năm 2014, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2013...

Xem thêm

Video nổi bật