DATC và KAMCO chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xử lý nợ
Nhằm chia sẻ kinh nghiệm từ phương pháp xử lý nợ xấu, tính khả thi về mặt pháp lý với đầu tư xử lý nợ tại Việt Nam… mới đây Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã tổ chức hội thảo trực tuyến với sự tham gia của Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO) và các đối tác nước ngoài..
Với sự tham gia của KAMCO, Công ty luật Lee&Ko, Công ty đầu tư Rainbow Capital Partners, Hội thảo đã tập trung trao đổi các vấn đề về bài học kinh nghiệm từ phương pháp xử lý nợ xấu của KAMCO sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á; tính khả thi về mặt pháp lý với đầu tư xử lý nợ tại Việt Nam; tăng cường cơ chế và phát triển thị trường nợ xấu ở Việt Nam và những đề xuất hợp tác xử lý nợ giữa DATC và KAMCO.
Ông Han Sol Jang, quản lý cấp cao của KAMCO đã thuyết trình về những kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực mua bán xử lý nợ tại Hàn Quốc. KAMCO được đánh giá là một trong những công ty xử lý nợ thành công nhất ở châu Á.
8 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, KAMCO đã khôi phục gần 95% số tiền mà các quỹ công đã bơm vào các doanh nghiệp gặp khó khăn sau khủng hoảng tài chính. Đồng thời, KAMCO cũng đã có được 7.200 tỷ Won lợi nhuận. Các tổ chức tài chính Hàn Quốc cũng hồi phục được doanh thu, tỷ lệ nợ xấu thấp.
Một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, thành công trong giải quyết nợ xấu tại Hàn Quốc phần lớn là nhờ việc thành lập KAMCO đã dẫn tới hình thành được một thị trường cho nợ xấu. KAMCO đã đóng vai trò như một tổ chức tạo lập thị trường, kết nối giữa người bán và các nhà đầu tư mua nợ xấu. Hơn hết, KAMCO đã thuyết phục thành công các nhà đầu tư quốc tế quan tâm tới thị trường Hàn Quốc, từ đó khuyến khích thêm các nhà đầu tư Hàn Quốc.
So sánh với kinh nghiệm ở một số nước châu Á khác là Trung Quốc và Mông Cổ, chuyên gia của KAMCO cho biết, hoạt động kinh doanh nợ xấu ở Trung Quốc diễn ra sôi động không phải vì khung pháp lý tiên tiến mà vì cơ sở hạ tầng thị trường mạnh mẽ. Thông qua cơ sở hạ tầng thị trường mạnh mẽ và các kỹ năng kinh doanh độc đáo, Trung Quốc đã khắc phục được những thiếu sót về thể chế.
Trong khi đó, Mông Cổ đặt ra chiến lược dài hạn để giải quyết nợ xấu, đặc biệt tập trung vào việc cải thiện khung pháp lý. Tuy nhiên, hợp tác với các cơ quan chính phủ và các cơ quan khác nhau là nhiệm vụ đầy thách thức.
Ghi nhận kinh nghiệm xử lý nợ tại các nước, ông Dương Thanh Hiền – Phó Tổng Giám đốc DATC nêu bật những cơ chế xử lý và phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu về DATC tới các đối tác nước ngoài, cũng như tổng quan về thị trường mua bán xử lý nợ, cơ chế xử lý nợ xấu của DATC và các điều cần lưu ý trong hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài thực hiện mua bán, xử lý nợ tại Việt Nam.
“DATC rất sẵn sàng, mong muốn hợp tác với KAMCO trong các phương án sắp tới” - ông Dương Thanh HIền nhấn mạnh.
Qua hội thảo, KAMCO mong muốn thực hiện hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam mua bán, xử lý nợ tái cơ cấu doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam. Tuy còn có nhiều khó khăn và thách thức nhưng 2 bên sẽ nỗ lực tìm kiếm phương án phù hợp để thí điểm thực hiện hợp tác đầu tư.
Đây sẽ là tiền đề thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mua bán xử lý nợ tại Việt Nam, một mặt tăng cường nguồn lực tài chính, mặt khác là cách tiếp cận thực tế và kết quả các phương thức đầu tư, xử lý nợ tiên tiến của các quốc gia đã thành công trong lĩnh vực này như Hàn Quốc