Thắng lợi “kép” trong công tác tài chính - ngân sách

Nhiều chuyên gia khẳng định, trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước năm 2012, những gì ngành Tài chính đạt được vẫn là thành quả lớn, nhất là trong thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN). Xin Bộ trưởng đánh giá vài nét về nhận định trên?

Năm 2012 là một năm toàn ngành Tài chính đã có nỗ lực vượt bậc để hoàn thành kế hoạch thu NSNN theo như dự toán được Quốc hội giao. Có thể nói, năm 2012 thực sự là năm thử thách rất khốc liệt khi đến cuối tháng 11, thậm chí là giữa tháng 12, khả năng hoàn thành dự toán thu NSNN theo chỉ tiêu của Quốc hội vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn. Nhưng đến ngày 31/12/2012, ngành Tài chính có thể tự hào báo cáo với Quốc hội và Chính phủ là đã hoàn thành dự toán thu NSNN theo đúng chỉ tiêu kế hoạch. Chỉ trong những ngày thứ bảy, chủ nhật làm thêm cuối cùng của năm 2012, Ngành đã động viên được thêm hơn 9.000 tỷ đồng vào NSNN. Điều này thể hiện quyết tâm rất cao của toàn bộ hệ thống tài chính, của đội ngũ cán bộ làm công tác thu, đặc biệt là ngành Thuế và ngành Hải quan…

Kết quả thu NSNN là một thành quả lớn của ngành Tài chính năm 2012 khi trước đó kế hoạch thu được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 từ 6 - 6,5%. Thông thường, chỉ tiêu thu NSNN được xây dựng dựa trên chỉ tiêu tăng trưởng GDP cộng với CPI, tức là mức độ trượt giá. Năm 2012, GDP tăng trưởng chỉ có 5,03%, lạm phát 6,81%, trong khi dự toán chúng ta lập ở mức từ 15 - 16% mà thực tế chỉ diễn ra có 11,84%. Một nguyên nhân nữa dẫn đến sự giảm mạnh nguồn thu NSNN trong năm 2012 là do thị trường bất động sản trầm lắng, tổng kim ngạch chịu thuế nhập khẩu giảm 7,1%. Năm 2012, tốc độ tăng xuất khẩu chỉ hơn 18%; nhập khẩu tăng 6,5% trong khi xuất khẩu năm 2011 tăng 34,5% nên nguồn thu xuất nhập khẩu giảm sút. Nguồn thu thuế xuất nhập khẩu giảm còn do theo cam kết quốc tế, Việt Nam phải cắt giảm nhiều dòng thuế, hạ thuế suất cho nên kim ngạch nhập khẩu chịu thuế giảm cùng với đó cơ cấu hàng nhập khẩu cũng thay đổi.

Đặt trong điều kiện kinh tế khó khăn như vậy, nhưng ngành Tài chính với sự vào cuộc và nỗ lực của toàn bộ hệ thống, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, đẩy mạnh công tác chống thất thu, nợ đọng, chống gian lận thương mại thông qua chuyển giá, qua tạm nhập, tái xuất… nhằm nâng cao chất lượng thu NSNN.

Việc hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN là nền tảng cơ bản để ngành Tài chính bảo đảm được nhiệm vụ chi, đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong các cân đối vĩ mô, cân đối thu - chi là quan trọng nhất. Bởi vậy, riêng lĩnh vực chi NSNN, năm 2012 là một điểm sáng lớn khi tổng chi cho an sinh xã hội tăng trên 20%, các nhu cầu cho đầu tư xã hội, đầu tư cho các công trình trọng điểm quốc gia, đầu tư theo các chương mục tiêu mục tiêu quốc gia từ vốn trái phiếu Chính phủ đều được NSNN cân đối, đáp ứng. Việc hoàn thành kế hoạch thu, đảm bảo cân đối thu - chi còn giúp ngành Tài chính duy trì tỷ lệ nợ công trong giới hạn cho phép, đảm bảo tỷ lệ bội chi NSNN ở mức 4,8% đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua.

Nhiều chuyên gia kinh tế bình luận rằng thắng lợi trong công tác tài chính - ngân sách năm 2012 của ngành Tài chính là thắng lợi “kép”. Bộ trưởng có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?

Có thể gọi thắng lợi trong công tác tài chính - ngân sách năm 2012 là thắng lợi “kép” bởi ngành Tài chính vừa hoàn thành nhiệm vụ thu - chi NSNN trong điều kiện khó khăn, đồng thời vừa hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn thông qua các chính sách miễn, giảm, giãn thuế. Tháng 4/2012, Bộ Tài chính đã đề xuất và được Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/ NQ - CP ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và ngay sau khi Nghị quyết trên ra đời, ngày 23/5/2013, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Thông tư số 83/2012/TT – BTC hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 13/NQ - CP. Theo tinh thần của Nghị quyết số 13/NQ - CP, tính đến hết tháng 11/2012, đã thực hiện miễn, giảm, giãn và hoàn hơn 19 nghìn tỷ đồng tiền thuế cho hàng trăm ngàn DN, chủ yếu là DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động, giúp hàng trăm ngàn DN có thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, từng bước vượt qua khó khăn.

Thực tế trên cho thấy năm qua ngành Tài chính đã hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN nhưng không hề tận thu mà ngược lại, còn dành hàng chục ngàn tỷ đồng hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất.

Tính đến hết ngày 31/12/2012, tổng thu NSNN ước đạt 742.950 tỷ đồng, bằng 100,3% so với dự toán, bằng 100,2% so với số báo cáo Quốc hội, tăng 5,5% so với thực hiện năm 2011. Riêng số thu do ngành Thuế quản lý bằng 104,5% so với dự toán (tương ứng vượt 26.244 tỷ đồng), bằng 103,2% so với số báo cáo Quốc hội, tăng 12,4% so với thực hiện năm 2011.

Theo Tổng cục Thuế

Cùng với việc đề xuất ban hành Nghị quyết số 13/NQ - CP, trong năm 2012, Bộ Tài chính đã đề xuất và được Chính phủ ban hành các Nghị quyết số 29/NQ - CP; Nghị quyết số 01/NQ - CP và mới đây nhất là đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết chuyên đề về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu trong năm 2013.

Các Nghị quyết đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với nhiều giải pháp thiết thực về chính sách tài chính nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhưng vẫn nhất quán trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.


Khẳng định chiến lược phát triển, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ

Nhìn lại những thành tựu ngành Tài chính đạt được trong năm qua, điều gì khiến Bộ trưởng tâm đắc nhất ?

Trong năm 2012, một trong những thành công lớn nhất của ngành Tài chính là hoàn thành Chiến lược tài chính đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 sau nhiều năm xây dựng, nghiên cứu công phu. Đến năm 2012, Bộ Tài chính đã trình Chiến lược này và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/04/2012. Trong Chiến lược tài chính đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Tài chính đã cập nhật được kịp thời các số liệu cần thiết; cập nhật được tinh thần của tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu; lấy chất lượng hiệu quả làm chính; triển khai đồng bộ 3 đề án tái cơ cấu: đầu tư công, DNNN, tổ chức tài chính - ngân hàng; thực hiện 3 đột phá chiến lược: về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng nền Tài chính Quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính - tiền tệ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính trong xã hội một cách hiệu quả, công bằng; cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện, đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính.

Theo chỉ tiêu kế hoạch, tổng thu cân đối NSNN năm 2013 tăng 8,8% so với ước thực hiện năm 2012; trong đó thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) khoảng 545,5 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô khoảng 99 nghìn tỷ đồng, thu từ xuất nhập khẩu khoảng 157,5 nghìn tỷ đồng. Tổng chi NSNN năm 2013 là 969 nghìn tỷ đồng; trong đó chi đầu tư phát triển chiếm 18,6% tổng chi NSNN. Bội chi NSNN dự kiến bằng 4,8% GDP.

Cũng trong năm 2012, Bộ Tài chính đã ban hành và đề xuất ban hành một loạt bộ chiến lược phân ngành mới, đó là: chiến lược về nợ công, chiến phát triển thị trường chứng khoán, chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm… Đến nay, Bộ đang trình Chiến lược kế toán kiểm toán và Chiến lược dự trữ quốc gia. Như vậy, cùng với Chiến lược tài chính đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, các bộ chiến lược của các phân ngành và lĩnh vực đã cơ bản hoàn thiện…

Một nội dung quan trọng khác được coi là điểm sáng của Ngành trong năm 2012 là Bộ Tài chính đã được giao xây dựng, thực hiện hoàn thiện và trình Đề án tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ngày 17/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”. Chúng ta đã chú trọng vào chất lượng và triển khai rất quyết liệt Đề án, do đó đã được Chính phủ thông qua với phiếu tín nhiệm rất cao.

Trong năm qua ngành Tài chính đã rất chú trọng công tác quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ sức gánh vác nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Xin Bộ trưởng cho biết một vài nhận xét về công tác này?

Một trong những dấu ấn nổi bật nhất của công tác cán bộ năm 2012 là trong một thời gian ngắn, ngành Tài chính đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 04 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, tiến hành quy hoạch trên phạm vi toàn quốc cho khoảng 26.000 chức danh cán bộ lãnh đạo các cấp, nhằm có kế hoạch đào đào, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tài chính, đủ sức gánh vác sứ mệnh của Ngành trong những năm tiếp theo. Công tác quy hoạch được toàn Ngành thực hiện với sự phát huy rất lớn tính dân chủ; và được triển khai dựa trên cơ sở lấy quy hoạch cán bộ cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cán bộ cấp trên; quy hoạch cấp trên thúc đẩy quy hoạch cấp dưới. Việc quy hoạch theo hình thức này vừa tạo nguồn cho đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, vừa tạo động lực thúc đẩy, phấn đấu vươn lên của cán bộ, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong sự phát triển của đội ngũ cán bộ và của Ngành. Bộ Tài chính cũng phối hợp rất tốt với tỉnh ủy, thành ủy nhiều địa phương trong hiệp thương, quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp cục. Đây là nền tảng để Ngành có kế hoạch bồi dưỡng ngũ, phát triển đội ngũ kế cận trong những năm tới, đủ sức gánh vác trọng trách ngày càng nặng nề hơn của ngành Tài chính trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Dấu ấn trong xây dựng văn bản pháp luật, điểm sáng trong hiện đại hóa Ngành

Một điểm sáng của công tác tài chính năm 2012 là xây dựng hệ thống văn bản pháp luật. Bộ trưởng có thể điểm qua về vấn đề trên?

Phải khẳng định năm 2012, ngành Tài chính đã đạt được những kết quả nổi bật trên lĩnh vực xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Bộ Tài chính đã soạn thảo để trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành được các bộ luật, như: Luật Dự trữ Quốc gia thay thế cho Pháp lệnh, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), Luật Giá... Đáng chú ý, Luật Quản lý thuế là một bước tiến rất lớn, tạo được sự đồng thuận rất cao vì nó vừa tạo điều kiện thông thoáng cho DN cải cách thủ tục hành chính, tăng cường năng lực và hiệu quả của các cơ quan thuế. Minh chứng là Luật Quản lý thuế đã được Quốc hội thông qua với 100% đại biểu có mặt. Ngoài ra, trong năm 2012, Bộ Tài chính còn hoàn tất các luật quan trọng khác, như: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập DN; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng… Các bộ Luật quan trọng này sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới.

Có thể nói, công tác xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật năm 2012 được Bộ Tài chính làm rất công phu và đạt chất lượng tốt. Với bằng chứng là tỷ lệ biểu quyết thông qua của các đại biểu Quốc hội rất cao và rà soát lại các mục tiêu xây dựng đều đạt được. Tỷ lệ hoàn thành các đề án, chương trình của Bộ Tài chính trong năm qua cũng khá sớm (hết quý III/2012, về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra).

Kết thúc năm 2012, Bộ Tài chính đã trở lại vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng về công nghệ thông tin khối bộ, ngành nhờ công tác hiện đại hóa tiếp tục có những bước tiến lớn. Xin Bộ trưởng đánh giá về những kết quả này?

Để đạt được kết quả trên, ngành Tài chính đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa toàn Ngành. Thành tựu nổi bật nhất là triển khai và vận hành thành công Hệ thống quản lý thông tin Ngân sách - Kho bạc (gọi tắt là Dự án TABMIS) trên phạm vi cả nước; Thứ hai, triển khai và vận hành dự án công nghệ thông tin quản lý thuế: Khai thuế điện tử, thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng phi nông nghiệp…; Thứ ba, triển khai hệ thống tự động hóa hải quan của Hệ thống Một cửa quốc gia Nhật Bản (gọi tắt là VNACCS) mà Hải quan Nhật Bản đang vận hành cho Hải quan Việt Nam nhằm giúp tăng cường hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý hải quan từ nguồn viện trợ không hoàn lại; Thứ tư, lần đầu tiên Bộ Tài chính thiết lập họp giao ban trực tuyến, với thành phần họp rất rộng cả trong Nam và ngoài Bắc, tiết kiệm thời gian, kinh phí... Cùng với đó, hằng năm chúng ta đã tổ chức khá tốt các Triển lãm Tài chính Việt Nam công nghệ thông tin với sự tham gia của các tập đoàn lớn trên thế giới nhằm giới thiệu những ứng dụng hiện đại giúp nâng cao hiệu quả trong việc hoạch định chính sách tài chính.

Xin Bộ trưởng cho biết một vài định hướng lớn về nhiệm vụ của ngành Tài chính trong năm 2013?

Với các dự báo bối cảnh kinh tế - xã hội thế giới và trong nước năm 2013, cùng với việc xác định mục tiêu tổng quát của năm 2013, năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2011-2015 là tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội... ngành Tài chính xác định mục tiêu tài chính - NSNN năm 2013 là: Tiếp tục cơ cấu lại NSNN, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc gia, đảm bảo an ninh tài chính, góp phần tích cực tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao, thúc đẩy tăng trưởng hợp lý; đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại trong tình hình mới. Trong đó, năm 2013, toàn Ngành tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, có kết quả các giải pháp liên quan đến tài chính, ngân sách mà Chính phủ đã xác định trong Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2013, trong đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; Nghị quyết 02/ NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu...

Nhiệm vụ của Ngành trong thời gian tới, trước mắt là ngay trong năm 2013 là rất nặng nề, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của lực lượng cán bộ, công chức trong toàn Ngành. Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang của toàn Ngành, thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của ngành Tài chính hôm nay luôn đồng tâm, hiệp lực vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục xây dựng ngành Tài chính ngày càng vững mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đổi mới và hội nhập của đất nước trong tình hình mới.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Dấu ấn Tài chính trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế

PV.

(Tài chính) Năm 2012 đã khép lại với những thành tựu quan trọng của ngành Tài chính trong công tác tài chính - ngân sách, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, thực hiện tốt các mục tiêu về an sinh xã hội. Dấu ấn tài chính càng trở nên sâu đậm hơn với những đóng góp tích cực của Ngành vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đất nước, với những đề án, chương trình lớn được Quốc hội, Chính phủ thông qua… Nhân ngày đầu Xuân mới 2013, GS.,TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời phỏng vấn Tạp chí Tài chính về những kết quả và dấu ấn nổi bật của ngành Tài chính năm 2012.

Xem thêm

Video nổi bật