Đâu là lợi thế sống còn cho hàng Việt giữa nhiều biến động?
Nhìn từ kết quả khảo sát người tiêu dùng đối với hàng Việt trong năm 2022 vừa mới công bố, có thể thấy khả năng thích ứng và mô hình kinh doanh linh hoạt có thể là lợi thế sống còn cho nhiều sản phẩm hàng Việt trong môi trường đầy biến động hiện nay.
Bà Văn Thị Thủy Tiên, quản lý marketing của công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Qui Phúc, cho biết nếu như những năm trước đây, các hội chợ tiêu dùng như hàng Việt về nông thôn, là nơi để các doanh nghiệp Việt tiếp cận, đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, còn hiện nay hoạt động ấy đã không còn phù hợp. Nhất là khi tình hình dịch bệnh trong thời gian qua đã cho thấy sự thay đổi về xu hướng, hành vi của người tiêu dùng.
Vẫn thịnh hành mua sắm đa kênh
Theo bà Tiên, người tiêu dùng hoạt động trên Internet nhiều hơn, chuộng mua hàng trực tuyến (online) không tiếp xúc, thanh toán không dùng tiền mặt…
“Cho nên, điều mà doanh nghiệp cần trong lúc này là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm trên Internet và tham gia vào các “hội chợ online” nhằm kết nối hàng Việt với người tiêu dùng mua sắm trên môi trường Internet”, bà Tiên nói.
Từ chia sẻ của người quản lý marketing ở một doanh nghiệp Việt như trên, những thông tin đưa ra tại buổi họp báo ở TP. Hồ Chí Minh ngày 22/3 về kết quả cuộc khảo sát hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2022 với những thay đổi trong xu hướng của người tiêu dùng là điều mà các nhà sản xuất hàng Việt cần lưu tâm.
Như kết quả của cuộc khảo sát (với 13.648 phiếu khảo sát trên khắp cả nước, trong đó có có hơn 7.000 phiếu khảo sát người tiêu dùng qua online thuộc 60 tỉnh thành trên cả nước và 1.981 điểm bán tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ), ngoài xu hướng lựa chọn sản phẩm an toàn đối với sức khỏe thì người tiêu dùng cũng rất mong đợi có được sự thuận tiện trong tiêu dùng ngay từ việc tiếp cận sản phẩm.
Đơn cử là trong thời điểm dịch bệnh, chuỗi cung ứng bị đứt gãy thì sản phẩm của các công ty có uy tín, sự thuận tiện trong tiếp cận được người tiêu dùng quan tâm hơn là điều dễ hiểu.
Kết quả khảo sát còn cho thấy bên cạnh hệ thống các kênh phân phối hiện đại, các kênh phân phối truyền thống vẫn giữ sức hút đối với người tiêu dùng.
Theo đó, các kênh phân phối chợ hay tiệm tạp hóa dù không còn giữ vai trò chủ đạo (có tính chất thống lĩnh thị trường như trước đây), nhất là ở các đô thị nhưng vẫn giữ một vị trí nhất định đối với người tiêu dùng khi chọn nơi mua sản phẩm (tiệm tạp hóa, hay chợ vẫn chiếm tỷ trọng trên dưới 40% tùy loại sản phẩm).
Từ đó có thể nói, mua sắm đa kênh vẫn đang là xu hướng thịnh hành hiện nay. Người tiêu dùng thận trọng hơn khi lựa chọn nơi mua thực phẩm, đồ uống: Mức độ tập trung lựa chọn các điểm mua được coi là có uy tín và an tâm hơn.
Cũng theo kết quả khảo sát thì sự phát triển như vũ bão của thương mại điện tử là một xu hướng tất yếu, mở ra nhiều cơ hội vàng cho cả người bán lẫn người mua. Mua sắm trực tuyến đã và đang thay đổi tâm lý cũng như thói quen mua sắm của người tiêu dùng, mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến gần như không còn ranh giới với nhóm người tiêu dùng trẻ.
Cần mô hình kinh doanh linh hoạt
Ngoài ra, ghi nhận từ người bán thuộc các hệ thống bán lẻ cho thấy có trên dưới 40% doanh nghiệp được đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp được nhiều người mua, có thương hiệu uy tín, sản phẩm đa dạng chủng loại. Đặc biệt có trên 30% doanh nghiệp được người bán đánh giá có sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua.
Riêng đối với các hoạt động của doanh nghiệp, qua kết quả khảo sát thì có tới 1/3 doanh nghiệp được người bán lẻ đánh giá vẫn duy trì các hoạt động chăm sóc khách hàng, thực hiện các chương trình khuyến mãi hoặc giảm giá trong bối cảnh nhiều biến động từ dịch Covid-19. Điều này được đánh giá là nỗ lực đáng quý của các doanh nghiệp Việt nói chung.
Nhìn từ kết quả khảo sát nêu trên, giới chuyên gia nhấn mạnh khả năng thích ứng và tính linh hoạt có thể là “lợi thế sống còn” cho nhiều sản phẩm hàng Việt trong môi trường đầy biến động hiện nay.
Nhất là “trạng thái bình thường mới” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hay như tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến môi trường kinh doanh đầy rẫy những yếu tố rủi ro và không chắc chắn. Nhiều ý kiến cho rằng hàng Việt và các doanh nghiệp Việt cần quy trình kinh doanh linh hoạt để có thể liên tục ứng phó với sự thay đổi, đồng thời nhanh chóng phục hồi sau đại dịch.
Theo TS. Hoàng Ái Phương (Đại học RMIT), khác với quy trình cố định, quy trình kinh doanh linh hoạt cho phép doanh nghiệp Việt lựa chọn nhiều cách vận hành khác nhau để đáp ứng các tình huống kinh doanh khác nhau.
“Khi xây dựng mô hình kinh doanh linh hoạt, doanh nghiệp sẽ vận hành linh hoạt hơn để giải quyết các tình huống trong công ty và ứng phó với những bất cập trong bối cảnh hiện nay,” Ts. Phương nhận định.
Đặc biệt là các doanh nghiệp Việt cần rà soát lại những quy trình hoạt động hiện tại trong bộ máy, tìm ra những quy trình nào phức tạp và không còn hiệu quả. Tiếp đến là thực hiện cải tổ và bổ sung tính linh hoạt để các quy trình trong công ty vận hành một cách hiệu quả nhất trong mọi hoàn cảnh.
Hơn thế nữa, vị chuyên gia của RMIT nhấn mạnh các đợt dịch bùng phát dịch Covid-19 vừa qua ở Việt Nam cũng như những bất ổn xảy ra trên thế giới đang nhắc nhở các doanh nghiệp Việt phải luôn hướng đến sự đổi mới trong bộ máy.
“Doanh nghiệp cần những chiến lược linh hoạt để đối phó với những diễn biến thay đổi không ngừng. Đây cũng là một đòn bẩy hỗ trợ các doanh nghiệp Việt phát triển bền vững hơn”, bà Phương nói.