Đầu tư bài bản cho thị trường bán lẻ
(Tài chính) Chiếm khoảng 20% thị trường, kênh bán lẻ hiện đại với sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng tại Việt Nam. Khi Việt Nam hội nhập, cuộc cạnh tranh này ngày càng quyết liệt, đòi hỏi chiến lược đầu tư hơn cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước; tạo thị trường công bằng, minh bạch cho doanh nghiệp bán lẻ.
Theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc nhìn nhận việc có mặt các liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường bán lẻ như một tín hiệu tích cực chứ không phải theo hướng bị thôn tính. Các doanh nghiệp nên coi đây là những cuộc mua bán, sáp nhập bình thường, có hiệu quả cho doanh nghiệp và toàn thị trường. Vấn đề là doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài hoạt động ở thị trường Việt Nam tuân thủ đúng quy định của pháp luật và thực hiện đúng nghĩa vụ kinh doanh. Còn đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, phải nỗ lực hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa nếu không rất khó đứng vững trên thị trường. Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành, tham gia thị trường bán lẻ chính là tham gia sân chơi của nhiều doanh nghiệp bán lẻ. Vì vậy, có nhiều cách để phối hợp với doanh nghiệp nước ngoài như là thông qua chuyển nhượng quyền thương mại, qua liên doanh, cùng nhau cổ phần thông qua hình thức M&A. Như vậy, thị trường sẽ cho ta biết hoặc tự các doanh nghiệp sẽ biết phải làm như thế nào là tốt nhất. Vấn đề là qua quá trình ấy, doanh nghiệp có học hỏi, vươn lên không. Nếu doanh nghiệp có đủ tiềm lực thì vẫn làm chủ khi thay đổi chủ sở hữu.
Theo quy hoạch của Bộ Công thương, ngành bán lẻ sẽ tăng trưởng bình quân 19 - 20%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 và 20 - 21%/năm từ năm 2016 - 2020. Cả nước sẽ có khoảng 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại vào năm 2020. Tuy nhiên, câu chuyện mặt bằng bán lẻ nếu không được giải quyết thì rất khó cho doanh nghiệp bán lẻ phát triển hoạt động kinh doanh. Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, cần khắc phục một số khó khăn, trong đó có vấn đề về mặt bằng bán lẻ. Đây là bài toán rất khó đối với các nhà bán lẻ. Nguồn cung được cải thiện nhưng giá thuê, phương thức thuê mặt bằng bán lẻ, như bắt buộc phải thuê dài hạn, thì rất khó cho doanh nghiệp, vì như vậy nguồn vốn kinh doanh giảm nhưng chi phí cho mặt bằng bán lẻ cao quá thì cũng không còn hiệu quả nữa.
Hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài đã và đang ồ ạt vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Mới đây nhất, Tập đoàn bán lẻ số 1 Hàn Quốc - Lotte - đặt mục tiêu 60 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020 và Aeon - ông lớn trong ngành bán lẻ Nhật Bản thông báo sẽ mở trung tâm thương mại thứ 2 vào tháng 10 này và năm 2020 sẽ mở 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Auchan (Pháp) - tập đoàn bán lẻ quốc tế sở hữu bởi gia đình Mulliez - kinh doanh chủ yếu trên lĩnh vực siêu thị và đại siêu thị, dự kiến đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong 10 năm tới.
Không còn con đường nào khác là đầu tư cho ngành bán lẻ trong nước mạnh lên thông qua những quy định phù hợp, nhất là tạo cho doanh nghiệp Việt cơ hội tiếp cận nguồn vốn và mặt bằng kinh doanh cũng như tạo lập sự minh bạch, bình đẳng về môi trường kinh doanh...