Đầu tư chứng khoán tháng 5: Chọn chiến lược để vượt khó
Diễn biến thị trường tháng 4/2022 cho thấy một đợt giảm mạnh ngoài dự đoán đối với nhà đầu tư và đã kéo dài sang tháng 5 với VN-Index lùi qua mốc 1.200 điểm.
Thị trường rơi vào giai đoạn giảm
Thị trường chứng khoán tháng 4 đã chứng kiến cú giảm mạnh bất ngờ đối với giới đầu tư. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng, chỉ số VN-Index đạt 1.366,8 điểm, giảm 8,4% so với tháng 3, tương ứng giảm 8,78% so với cuối năm 2021. Theo Báo cáo chiến lược thị trường tháng 5 của CTCK BSC, có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến đà giảm này:
Thứ nhất, về yếu tố cơ bản, định giá thị trường bị ảnh hưởng khi lãi suất tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị chững lại do Trung Quốc kiên định chiến lược “zero Covid”, gây tác động xấu lên chuỗi cung ứng toàn cầu; chiến tranh Nga – Ucraina vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Nga và phương Tây liên tục đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế, gây nên các bất ổn trên thị trường tài chính và hàng hóa.
Thứ hai, về mặt tâm lý, dòng tiền thận trọng hơn trước các thông tin Chính phủ đẩy mạnh xử lý các vụ án vi phạm quy định về chứng khoán, siết tín dụng bất động sản, cùng với đó các công ty chứng khoán bán giải chấp margin khiến thị trường đi vào trạng thái rơi tự do, hàng loạt cổ phiếu giảm kịch sàn.
Tất cả các nhóm cổ phiếu trên thị trường đều chịu thiệt hại nặng nề, trong đó nhóm dịch vụ tài chính giảm mạnh nhất (-24%), tiếp đó là nhóm vật liệu và xây dựng (-20,7%). Các nhóm ngành phòng thủ như bảo hiểm, điện nước, xăng dầu, bán lẻ chịu mức giảm ít hơn.
Thị trường diễn biến tiêu cực cũng khiến thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng, giá trị giao dịch trên HOSE giảm hơn 22% so với tháng 3, giá trị trung bình một phiên chỉ còn 22.118 tỷ đồng, giảm 11,09% so với tháng trước đó.
Điểm tích cực duy nhất của thị trường trong tháng qua là sự mua ròng trở lại của khối ngoại. Trong bối cảnh hỗn loạn toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 4 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đạt trên 67.088 tỷ đồng, chiếm 7,58% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường.
Chiến lược nào cho nhà đầu tư trong tháng 5?
Hoạt động đầu tư tháng 5 sẽ gặp nhiều khó khăn do thị trường chứng khoán trong nước và thế giới đang ở trong vùng rung lắc biến động mạnh.
Về kỹ thuật, VN-Index đã bước vào xu thế giảm trung hạn khi chỉ số thủng các mốc hỗ trợ quan trọng, đặc biệt là hỗ trợ trung bình động MA200. Thị trường rơi tự do trong tháng 4 đã tạo ra các vùng kháng cự tâm lý, do đó trong ngắn hạn rất khó để VN-Index và các nhóm cổ phiếu trụ cột đồng thuận tăng mạnh trở lại các mức đỉnh. Vì vậy, sự phân hóa sẽ liên tục diễn ra. VN-Index có ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh vùng 1.200-1.220 điểm, tương ứng trung bình động MA100 đồ thị tuần.
Về cơ bản, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chứa đựng nhiều cơ hội đầu tư trung và dài hạn. Định giá thị trường hiện tại đang ở vùng tương đối hấp dẫn. Tuy nhiên với việc tâm lý thị trường đang khá thận trọng, dòng tiền có xu hướng tháo chạy mỗi khi có nhịp hồi, chỉ số thị trường chung sẽ mất thêm khá nhiều thời gian để ổn định. Định giá vẫn có thể lui về tiệm cận -1 đến -2 lần độ lệch chuẩn P/E trung bình (tương ứng P/E 13-14). Khi đó, nhà đầu tư có thể bắt đầu cân nhắc tham gia giải ngân trở lại.
Về chiến lược đầu tư, CTCK BSC nhận định, tháng 5 như đã nhận định vẫn sẽ là tháng khó khăn trong việc chọn lựa cổ phiếu do thị trường phân hóa mạnh. Đối với danh mục đầu tư, nhà đầu tư cân nhắc giải ngân tỷ trọng vừa phải (50% tiền – 50% chứng khoán).
Đối với nhà đầu tư dài hạn, sự điều chỉnh của thị trường là cơ hội để mua tích lũy các nhóm ngành tăng trưởng có nền tảng cơ bản tốt như ngân hàng (TCB, MBB, VPB), vật liệu xây dựng (HPG, HT1), bán lẻ (MWG, PNJ).
Đầu tư công và thoát vốn nhà nước vẫn là các chủ đề nổi bật trong năm, tuy nhiên nó cũng đi kèm với các rủi ro về tiến độ và ý chí lãnh đạo, thường sẽ phù hợp khi có các đợt sóng tăng rõ ràng. Báo cáo chiến lược tháng 5 của BSC cho rằng nên ưu tiên các cổ phiếu cổ phiếu có thiên hướng phòng thủ (điện nước), và các ngành hưởng lợi chính từ lạm phát của Mỹ hay chính sách phong tỏa của Trung Quốc (xuất nhập khẩu, cảng biển).