Đầu tư cổ phiếu ngân hàng, khó chọn mặt gửi vàng!

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Dù cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là có triển vọng tăng trưởng tốt sau tái cấu trúc, nhưng theo các chuyên gia tài chính, nhà đầu tư cần thận trọng “chọn mặt gửi vàng”, bởi với sự quyết liệt tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước, có thể sẽ có thêm trường hợp ngân hàng được mua với giá 0 đồng như VNBC…

Đầu tư cổ phiếu ngân hàng, khó chọn mặt gửi vàng!
Để có thể giành được tỷ lệ nắm giữ cổ phần cao nhất, trong các thương vụ M&A ngân hàng, không loại trừ việc cổ đông lớn chạy đua thu hút quyền lực cho mình. Nguồn: internet

Gom cổ phiếu đón đầu M&A…

Mặc dù phải chờ đến ĐHCĐ của các ngân hàng thì các thương vụ M&A trong ngành năm 2015 mới được công bố chính thức, song trong giới tài chính đã râm ran thông tin về những ngân hàng sẽ “về một nhà”. Trong đó, phải kể đến thông tin về thương vụ hợp nhất giữa một ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng với một ngân hàng có vốn 12.000 tỷ đồng được rộ lên trong thời gian gần đây. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, nhiều khả năng thương vụ này sẽ sớm được hoàn tất.

Để có thể giành được tỷ lệ nắm giữ cổ phần cao nhất, trong các thương vụ M&A ngân hàng, không loại trừ việc cổ đông lớn chạy đua thu hút quyền lực cho mình. Nhưng chính điều này cũng đã tạo nên hiệu ứng không tốt cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trước thông tin một số thương vụ M&A ngân hàng được hé lộ, giới kinh doanh chứng khoán, trong đó có nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng tranh thủ “gom” cổ phiếu của những ngân hàng này. Gần đây, thông tin về cùng nhà của hai ngân hàng trên đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và họ tranh thủ mua cổ phiếu của ngân hàng này, đón đầu giá lên, bán ra trước khi hai ngân hàng chính thức sáp nhập, hợp nhất.

Điều này cũng từng xảy ra tương tự khi có tin sáp nhập Southern Bank vào Sacombank giữa năm trước. Không ít nhà đầu tư đã chạy đua “gom” cổ phiếu Southern Bank, với kỳ vọng tỷ lệ chuyển đổi cổ phần khi sáp nhập vào Sacombank sẽ đem lại lợi nhuận lớn. Bởi Sacombank là ngân hàng “ăn nên làm ra”, trong khi Southern Bank đang kinh doanh yếu kém. Thế nhưng, từ khi cổ đông hai ngân hàng thông qua kế hoạch về một nhà đến nay đã hơn 1 năm, kế hoạch sáp nhập trên vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua và nhà đầu tư nắm cổ phiếu của 2 ngân hàng này cũng khó kỳ vọng giá lên để bán ra. Tỷ lệ chuyển đổi cổ phần giữa Southern Bank - Sacombank cũng không được tiết lộ.

Trên thực tế, với cổ phiếu ngân hàng, nhất là những ngân hàng có hoạt động kinh doanh tốt vẫn hấp dẫn nhà đầu tư, cho dù vẫn biết “rót” tiền vào cổ phiếu ngành này sẽ khó kỳ vọng giá lên mạnh trong giai đoạn tái cấu trúc, cổ tức cũng thấp hơn so với gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI), sau giai đoạn tái cấu trúc, hoạt động của hệ thống lành mạnh và sức khỏe của ngân hàng được củng cố thì cổ phiếu ngân hàng vẫn là lực hút đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhà đầu tư cũng cần có tầm nhìn dài hạn khi có ý định rót vốn vào cổ phiếu ngành này.

… và rủi ro

Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế nên theo nhận định của các chuyên gia, tái cơ cấu thành công sẽ là cơ hội để các ngân hàng tăng trưởng mạnh hơn.

Thế nhưng, trước áp lực M&A theo chủ trương đang được NHNN đẩy mạnh, việc đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, cần có sự “chọn mặt gửi vàng”. Vì không loại trừ khả năng sắp tới việc sẽ có thêm những trường hợp như VNCB bị buộc bán lại cho NHNN với giá 0 đồng do thua lỗ âm vào vốn chủ, khi ấy cổ đông sẽ rơi vào cảnh “trắng tay”.

Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, trên nguyên tắc, căn cứ vào quyết định định giá, xác định giá trị doanh nghiệp và vốn chủ sở hữu theo quy định. Nếu TCTD nào không đáp ứng được quy định về vốn chủ sở hữu hoặc lỗ lũy kế ăn thâm vào vốn sẽ phải đứng trước hai lựa chọn, hoặc là “bơm” tiền vào hoặc phải bán với 0 đồng.

Giám đốc khối thị trường mới nổi Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc) ông Yun Hang Jin cũng nhận định, quá trình tái cấu trúc, xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng bước đầu đã có kết quả, nhưng vẫn còn hạn chế. Đến thời điểm này, NHNN cũng chưa công bố cụ thể kế hoạch của các thương vụ M&A trong giai đoạn năm 2015 nên chưa thể nói khi nào làn sóng này sẽ diễn ra mạnh mẽ và nhà đầu tư cũng còn những bất an. Cùng với đó là những khó khăn đối của ngành ngân hàng khi áp dụng các quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN.

“Vì thế, theo tôi, nhà đầu tư nên thận trọng xem xét trước khi rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng trong nửa đầu năm 2015”, ông Jin nói.

Mặc dù quá trình tái cơ cấu ngân hàng bước đầu đã có những thành công nhất định, song theo nhận định của TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, vẫn cần có thêm thời gian để đẩy mạnh tái cấu trúc. Đặc biệt là với vấn đề nợ xấu, hiện không phải nhà băng nào cũng kiểm soát được rủi ro. Với mục tiêu giảm số lượng ngân hàng xuống còn 20 TCTD trong toàn hệ thống, TS. Lịch cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh quá trình sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng nhỏ, yếu kém và không loại trừ việc một số ngân hàng sẽ phải xử lý như VNCB.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cũng cho biết, mục tiêu chung NHNN năm 2015 sẽ triển khai quyết liệt và sớm thông qua các thương vụ M&A, nên nhiều ngân hàng sẽ phải bắt buộc hợp nhất, sáp nhập nếu hoạt động không hiệu quả, nợ xấu tăng.

Dù tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2014 toàn ngành đã giảm xuống còn 3,25%, mức thấp nhất trong năm qua, từ 3,88% của tháng liền trước, nhưng giải pháp duy nhất để xử lý nợ xấu vẫn là trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Ngân hàng quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng như Eximbank cũng chỉ đạt chưa tới 60 tỷ đồng, do trích lập dự phòng nợ xấu tăng cao so với cùng kỳ, trong khi biên lợi nhuận tín dụng giảm. Do đó, việc chọn cổ phiếu ngân hàng để đầu tư trong giai đoạn hiện nay, theo các chuyên gia, chứa đựng những rủi ro nhất định.