Đầu tư công vẫn chưa thông dù sửa luật
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) đòi hỏi phải hoàn thiện khung pháp luật và tăng cường trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền trong công tác quản lý, thực hiện dự án ĐTC. Nhưng hiện nay cơ chế, chính sách và luật vừa thay đổi đã thiếu đồng bộ, khiến việc triển khai giải ngân vốn ĐTC gặp nhiều lúng túng.
Nhiều địa phương xin trả lại kế hoạch vốn ĐTC
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong 7 tháng năm 2020 đạt hơn 203.000 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ 2019 (là mức cao nhất xét theo cùng kỳ của giai đoạn 2016-2020), song chỉ đạt 42,7% so với kế hoạch 2020. Trong đó, vốn của ngân sách trung ương (NSTƯ) chỉ 16%, còn lại 84% thuộc vốn ngân sách địa phương.
Ở góc độ NSTƯ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư trong 7 tháng đạt hơn 60% so với cùng kỳ, nhưng cũng chỉ đạt 38,4% kế hoạch. Cho đến hết tháng 7, hầu như chưa có bộ, ngành nào giải ngân quá 50% vốn kế hoạch của năm.
Ở góc độ địa phương, với tổng vốn đầu tư từ ngân sách địa phương cần phải giải ngân theo kế hoạch trong năm nay hơn 351.000 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân hơn 170.000 tỷ đồng (tương đương 42,6% kế hoạch) đang gây áp lực lớn cho nhiều địa phương trong những tháng cuối năm. Tính đến nay đã có 9 tỉnh, thành gửi văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn ĐTC những dự án giải ngân chậm.
TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) nhiều năm nay luôn trong nhóm địa phương đứng đầu cả nước về giải ngân vốn ĐTC hiệu quả, song hiện cũng đang nghẽn lại. Theo báo cáo của UBND TPHCM, năm 2020 UBND TPHCM giao và phân bổ ĐTC trên 42.139 tỷ đồng.
Trong đó vốn ngân sách của TP hơn 33.940 tỷ đồng (gồm vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ 10.487 tỷ đồng, vốn ngân sách tập trung 23.453 tỷ đồng), vốn NSTƯ 8.198 tỷ đồng (gồm vốn trong nước cấp phát từ NSTƯ 3.153 tỷ đồng, vốn ODA cấp phát từ NSTƯ xấp xỉ 5.045 tỷ đồng).
Tuy nhiên, tính đến 31/8, TPHCM mới giải ngân đầu tư 21.472 tỷ đồng (trong số 42.139 tỷ đồng được giao), trong đó vốn ngân sách TP 17.314 tỷ đồng, vốn NSTƯ 4.158 tỷ đồng.
Với kết quả trên, theo UBND TPHCM sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Điều này cũng sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho TP trong những tháng cuối năm. Do đó, TPHCM cũng chỉ đặt mục tiêu hoàn thành 95% kế hoạch giải ngân vốn ĐTC trong năm nay.
Ngán ngại giải phóng mặt bằng
Luật ĐTC 2019 được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, với những quy định rất chi tiết trong công tác lập kế hoạch, cũng như những quy định cấm tại Điều 16 để phòng tránh thất thoát vốn ĐTC, phòng ngừa tham nhũng.
Tuy nhiên, trách nhiệm được giao cho các cơ quan, đơn vị liên quan làm sao sử dụng vốn đầu tư theo kế hoạch, các chế tài liên quan đến việc lập kế hoạch sử dụng vốn không sát với thực tiễn, còn rất mơ hồ.
Việc giải ngân vốn ĐTC ở các địa phương bị chậm hoặc không thể giải ngân, do cơ chế, chính sách và luật thay đổi song thiếu đồng bộ, khiến các địa phương lúng túng.
Do đó, từ luật gốc là Luật ĐTC 2019, đòi hỏi Chính phủ cần có các quy định cụ thể để định hướng sự tương tác, liên kết giữa các văn bản pháp luật liên quan, gồm Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu... nhằm đảm bảo đồng bộ và sát với thực tiễn.
Đơn cử hiện nay, vướng mắc lớn nhất các địa phương gặp phải khi thực hiện giải ngân vốn ĐTC là khâu giải phóng mặt bằng (GPMB), khi nhiều nơi chưa thể thực hiện được.
Theo ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, khâu GPMB, bồi thường, di dời và tái định cư khi thực hiện các dự án ĐTC đang là khâu khó nhất hiện nay. Tính đến cuối tháng 8/2020, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành giải ngân 66,4% tổng nguồn vốn ĐTC năm 2020 (đứng thứ 11/63 địa phương đạt tốc độ giải ngân cao).
Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch, tiến độ thực hiện giải ngân vốn đòi hỏi phải được đẩy nhanh hơn, trong đó phụ thuộc rất nhiều vào việc GPMB để triển khai các dự án.
Chẳng hạn hiện nay các quy định trong Luật Đất đai tạo ra sự chênh lệch giá đất giữa giá nhà nước bồi thường và giá thị trường. Các quy định về giá đất đền bù cho người dân khi thu hồi theo Điều 112, Điều 114 Luật Đất đai 2013 được hướng dẫn tại Nghị định 44/2014/NĐ-CP đã được triển khai theo nguyên tắc phải đảm bảo sát với thị trường, thế nhưng vẫn còn những khoảng trống lớn cần được nghiên cứu khắc phục.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Điều 112 Luật Đất đai 2013, việc định giá đất phải đảm bảo các nguyên tắc: (i) Theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá. (ii) Theo thời hạn sử dụng đất. (iii) Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất. (iv) Cùng một thời điểm, các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau có mức giá như nhau.
“Thế nhưng, Luật Đất đai đã không lường hết khả năng trước khi người dân bị thu hồi, mục đích sử dụng đất có thể chỉ là đất nông nghiệp, chưa phải là đất dân cư đô thị; hoặc vị trí đất trước khi thu hồi có thể nằm giữa đồng ruộng, nhưng sau khi dự án được nhà đầu tư triển khai, đất sẽ biến đổi làm tăng giá trị bồi thường, GPMB. Đây cũng là nguyên nhân nhiều dự án ĐTC dù đã có kế hoạch giải ngân, nhưng người dân không bàn giao đất, khiến công tác bồi thường, GPMB bị kẹt cứng, không thể triển khai được trên thực tế, khiến dòng vốn đầu tư không thể chảy được” - GS. Võ nhấn mạnh.